-Lan ơi về quê không? Nhớ nhà quá, không thể chịu được nữa rồi. Về đi!
- Ừ, mai chủ nhật được nghỉ học, về thì về!
- Mới nhập học chưa đầy một tháng mà đã về à? Nhà gần sướng nhỉ, tí tí lại về. Nhớ mang quà quê lên nhé!
Tiếng chào hỏi, tiếng cười nói, giục giã khiến cả xóm trọ trở nên xôn xao. Phòng nào cũng tíu tít chuẩn bị sắp đồ về quê nhân ngày nghỉ cuối tuần. Góc phố nhỏ trở nên xao động rồi nhanh chóng trở về dáng vẻ trầm tư của nó. Cơn gió đem cái nắng cuối ngày tràn vào khung cửa sổ hướng tây. Chi gượng ngồi dậy, lấy tay chải mái tóc dài đen óng. Mấy ngày nay Chi bị cảm nên cứ nằm bẹp một chỗ. Nhà trọ cách trường chỉ mười phút đi bộ mà Chi còn không thể đi học được, làm sao về quê xa mấy chục cây số bây giờ. Chi thèm được về nhà quá, thèm được sà vào lòng mẹ mà nũng nịu như hồi còn bé xíu nhưng bây giờ Chi không thể. Lặng lẽ nhìn góc phố, Chi để mặc dòng tâm tư trôi theo ký ức.
Trong đầu Chi hiện lên hình ảnh ngôi nhà ba gian, nhỏ xinh nằm sâu trong ngõ ở quê nhà. Nơi ấy luôn thấp thoáng cái dáng mảnh khảnh, tần tảo của một người phụ nữ. Đó là mẹ Chi.
Hồi Chi năm tuổi, mẹ thường xuyên chạy chợ, buôn thúng bán mẹt để lo cho cả gia đình vì bố Chi đau ốm, chỉ nằm một chỗ. Cứ chiều chiều Chi lại đứng tựa cổng, ngong ngóng mẹ về. Thể nào mẹ cũng mua cho Chi vài quả ổi, khi thì khúc mía, bánh đa… nên hễ thấy bóng áo bay bạc thếch cùng cái nón lá của mẹ lấp ló đầu ngõ là Chi ào ra:
- A! Mẹ về, mẹ về!
Mẹ ôm Chi vào lòng. Câu đầu tiên mẹ hỏi bao giờ cũng là: “Con ở nhà có ngoan không, có quấy bố không?”. Bố Chi đã nằm một chỗ cả năm trời nhưng bao giờ mẹ cũng ân cần và dịu dàng bón từng thìa cháo cho bố. Nhưng từ ngày bố Chi mất, nụ cười tắt trên môi mẹ. Chi trở thành niềm an ủi duy nhất để mẹ gượng dậy, bám víu và vươn lên.
Năm lên mười tuổi, Chi không còn thói quen đứng đợi mẹ đi chợ về nữa. Năm lên mười, Chi biết tủi thân và ghen tị với chúng bạn, chỉ vì Chi nhận ra rằng cứ đến sinh nhật là các bạn của Chi lại được bố mua cho những món quà như ý. Lần đầu tiên Chi biết khóc vì tủi. Lần đầu tiên Chi biết khóc vì ý thức được hoàn cảnh của mình. Bàn tay mẹ run run nắm chặt tay Chi:
- Mẹ xin lỗi… xin lỗi con… - tiếng mẹ nghẹn lại. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc.
Mười tuổi, Chi bắt đầu học cách kiên cường. Chi quyết tâm học thật giỏi để làm chỗ dựa cho mẹ.
Hai mẹ con cứ sống bình yên trong ngôi nhà ba gian nhỏ xinh ấy dù cuộc sống vật chất không được đủ đầy như bao gia đình khác. Nhưng bù lại, mẹ chăm chút cho Chi từng ly từng tí một. Mẹ chăm mái tóc dài đen óng của Chi bằng bồ kết và đủ các thứ lá thơm trong vườn. Thi thoảng nhìn ảnh bố trên ban thờ, Chi lại đau nhói nơi lồng ngực, cảm giác như có ai bóp nghẹt trái tim. Nhìn mẹ ngày một gầy gò, đôi bàn tay thô ráp, sạm đen, lòng Chi se lại. Mỗi lần về quê, bà nội lại giục mẹ “đi bước nữa” nhưng mẹ nhất mực ở vậy suốt đời với Chi.
Hôm Chi nhận giấy báo đỗ vào lớp chuyên của trường cấp ba huyện, mẹ mừng rơi nước mắt. Mẹ đi khoe cả xóm trong khi Chi ngồi bó gối nơi góc phòng. Chi không muốn xa mẹ. Nhà chỉ có hai mẹ con, quấn quýt bên nhau không rời. Vậy mà bây giờ Chi phải xa mẹ ư? Ai sẽ chăm sóc mẹ lúc ốm đau? Ai sẽ nhổ tóc sâu cho mẹ? Ai sẽ trò chuyện với mẹ hằng ngày? Chi lo cái bệnh đau khớp hành hạ mẹ mỗi khi trái gió trở trời. Mẹ đau lắm nhưng bao giờ mẹ cũng nén tiếng rên nhưng những cái trở mình vật vã của mẹ khiến Chi tỉnh giấc. Lúc ấy Chi lại quàng tay ôm ngang bụng mẹ, cảm giác ấm áp hơn bao giờ hết…
Đột nhiên hai dòng nước mắt lăn dài trên má, Chi thấy mằn mặn nơi đầu môi. Nỗi nhớ mẹ cồn cào trong cô. Chi gạt nước mắt, tự nhủ lòng: “Mình phải kiên cường hơn nữa. Về quê bây giờ, mẹ xót ruột lắm. Ai đời mới xa mẹ có một tháng mà đã ốm rồi”.
- Chi ơi! Có mẹ lên thăm này! - tiếng bà chủ nhà gọi vọng xuống. Chi tưởng mình nằm mơ. Nhưng đúng là mẹ thật. Mẹ xách làn, tất tưởi. Bây giờ thì Chi tin là có thần giao cách cảm. Lau sạch dấu vết của những giọt nước mắt, Chi ùa ra đón mẹ, cảm giác hạnh phúc như hồi nhỏ đứng ngóng mẹ về chợ vậy.
NGUYỄN THỊ MAI LIÊN(Lớp 10E, Trường THPT Nam Sách)