Mùa Vu Lan báo hiếu được Phật tử trân trọng, ngưỡng vọng và ngày càng phổ biến rộng rãi.
Không chỉ tỏ lòng hiếu kính qua việc đến chùa lễ, cầu nguyện cha mẹ, ông bà được sức khỏe, hạnh phúc, nhiều gia đình đến chùa chỉ với mục đích đốt vàng mã. Họ tin rằng “trần sao âm vậy”, việc "gửi quà" đến cho tổ tiên, ông bà được nhận ở cõi âm là việc cần phải làm. Vì vậy, hủ tục này ngày càng biến tướng và gây lãng phí rất lớn.
Những năm gần đây, ngoài đốt vàng mã ở các gia đình thì nhiều người đến chùa đua nhau đốt vàng mã. Không ít ngôi chùa khói ám đen sì cả một góc vì người dân đến mang theo vàng mã, từ nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, tiền đô, gái đẹp, iPhone, iPad… để đốt, mong gửi tới gia tiên, ông bà nơi suối vàng. Nhiều người tin rằng, rằm tháng bảy, lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân mà thiếu thủ tục đốt vàng mã thì coi như thiếu sót lớn. Nên nhiều gia đình dù nghèo khó đến mấy cũng cố mua sắm lễ vật. Ít cũng vài tập giấy vàng mã, tiền đồng, tiền đô, quần áo, khấm khá hơn thì sắm luôn vải vóc, nhà lầu, xe hơi xịn thậm chí có cả ô-sin, hầu gái, trâu ngựa… làm bằng giấy màu mang đến chùa để đốt. Có nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì ngược đãi, nhưng đến ngày Vu Lan thì lại đốt thật nhiều vàng mã để báo hiếu cha mẹ. Hành vi ngược đãi cha mẹ, luật pháp cũng không dung tha, Phật cũng không chấp nhận lễ của những đứa con bất hiếu đó. Phật dạy, con cái phải thờ phụng cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ lúc già yếu. Không nên biến dịp lễ Vu Lan trở thành dịp để mê tín dị đoan, lãng phí.
Theo nhiều tài liệu, đốt vàng mã vào rằm tháng bảy chỉ là hủ tục có từ lâu đời, do ảnh hưởng từ tín ngưỡng dân gian. Hiện nay, tục lệ này đang bị nhiều người nhầm lẫn, cho rằng là tín ngưỡng xuất phát từ Phật giáo, thật ra Đức Phật không dạy điều này. Theo các nhà nghiên cứu, hằng năm chúng ta đã tiêu tốn khoảng vài trăm tỷ đồng từ việc đốt vàng mã cho người cõi âm. Số tiền này nếu sử dụng đúng mục đích sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Nó có thể giúp xây dựng nhiều phòng học khang trang cho trẻ em nghèo, hỗ trợ cho hàng nghìn người nghèo có vốn để làm ăn, sinh sống… Tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và chùa đền mà còn lan sang nhiều công ty, xí nghiệp và cả cơ quan công quyền, trở thành một nghi thức không thể thiếu của các đơn vị xây dựng cầu đường và các công trình thủy điện trong buổi lễ động thổ, khởi công các công trình...
Hạn chế đốt vàng mã sẽ tiết kiệm tiền của, giảm nguy cơ hỏa hoạn trong các khu dân cư hoặc ở các ngôi chùa và giảm ô nhiễm môi trường. Trong dịp này các nhà chùa cần thường xuyên hướng dẫn, thuyết giảng cho Phật tử trong các buổi lễ để hạn chế dần tục đốt vàng mã. Phật tử và người dân thường xuyên đến chùa cũng nên có cái nhìn đúng đắn về tục đốt vàng mã để tránh lãng phí, tránh mê tín dị đoan.
HOÀNG ÂN(TP Hải Dương)