Tôi đã đọc nhiều bài thơ hay viết về mẹ và mỗi lần đọc một bài thơ như thế, lòng không khỏi xúc động nghẹn ngào.
Tôi đã đọc nhiều bài thơ hay viết về mẹ và mỗi lần đọc một bài thơ như thế, lòng không khỏi xúc động nghẹn ngào. Lần này cũng vậy, bắt gặp bài thơ "Viết cho ngày của mẹ" của nhà thơ Võ Miên Trường, cảm xúc trong tôi lại dâng trào. Hình ảnh mẹ trong bài thơ vừa gần gũi, thân thuộc như muôn nghìn bà mẹ Việt Nam khác, vừa mang những nét riêng độc đáo.
Bài thơ là lời gan ruột của người con đối với mẹ. Thấm thía nỗi gian nan vất vả của mẹ, lời thơ cất lên nghẹn ngào, xa xót: "Oằn lưng mẹ gánh gian nan/Lệch vai trĩu những lầm than cuộc đời". “Oằn lưng”, “Lệch vai” là những từ không thể nào miêu tả chính xác hơn nỗi vất vả của mẹ. Cặp lục bát mở đầu tái hiện hình ảnh người mẹ gồng mình gánh hết, nhận hết những gian nan, cơ cực của cuộc đời để dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Có người mẹ nào nuôi con mà không trải qua những vất vả hy sinh thầm lặng? Nhưng đối với người mẹ này, sự vất vả chịu đựng đầy nhẫn nại lại cụ thể hơn trong dáng vẻ: “Oằn lưng”, “Lệch vai”. Ở đây, sức chịu đựng của mẹ là vô cùng. Dường như những lầm than, cơ cực chỉ chờ để chất lên đôi vai gầy của mẹ, đến nỗi mẹ “đánh rơi” tuổi thanh xuân lúc nào không hay. Từ “đánh rơi” được nhà thơ sử dụng khá đắt để nói về sự hy sinh của mẹ. Nhờ cách dùng từ này mà sự hy sinh của mẹ bỗng vơi nhẹ đi phần nào.
Khổ thơ thứ hai cho ta hình dung cụ thể hơn tình thương con của mẹ: "Con đau khi mẹ nghẹn ngào/Vương trong mắt đục giọt nào còn loang/Giọt nào đẫm gánh đa đoan/Giọt nào thương nhớ gởi ngàn xa xăm"… Điệp từ “Giọt nào” như khắc họa rõ hơn sự thương yêu chắt từ lòng mẹ. Trong giọt nước mắt của mẹ có tình thương và nỗi lo mỗi khi con trái gió, trở trời. Những lúc ấy, mẹ luôn bên con, chăm chút cho con trong từng hơi thở; có cả những nhớ thương một thời của mẹ, nỗi nhớ ấy được nén lại cất kỹ trong lòng, bởi đối với mẹ, con là tất cả, vì con, mẹ đã hy sinh tình yêu, hạnh phúc của bản thân, chỉ mong con khôn lớn nên người; có những vất vả không thể đong đếm của mẹ cho con, vì con... Những động từ mạnh được dùng đắc địa “trĩu”, “đẫm”… càng tô đậm hơn những gian nan chồng chất lên đôi vai gầy của mẹ…
Mẹ vất vả là thế, hy sinh là thế nhưng trong mắt của con, mẹ vẫn “đằm nét tươi”. "Dẫu chùng chân mỏi gối" gương mặt của mẹ vẫn rạng ngời hạnh phúc bên con: "Một đời dẫu đến trăm năm/Chùng chân mỏi gối vẫn đằm nét tươi". Thời gian dù nghiệt ngã cũng không thể xóa nhòa dung nhan và hình hài của mẹ. Điểm nổi bật nhất đối với người mẹ này là lòng nhân hậu. Tấm lòng nhân hậu của mẹ không chỉ đối với con mà trải khắp cuộc đời này. Lòng nhân hậu của mẹ là tấm gương để cho con, cho mọi người soi vào.
Câu thơ "Bôn ba trên cánh đồng người/Bàn chân tứa máu gai đời… mẹ ơi" cho ta càng hiểu hơn sự hy sinh của mẹ. Mẹ rời quê về làm dâu xứ người. Những cơ cực của những ngày "Bôn ba trên cánh đồng người" ấy được tác giả gói gọn trong cụm từ "Bàn chân tứa máu gai đời". Bàn chân là cách nói hoán dụ chỉ nỗi vất vả khôn cùng của mẹ. Những chông gai của cuộc đời mẹ đã trải và chịu đựng để tồn tại, để nuôi con, che chở cho con trên mỗi bước đường đời. Nhưng thật trớ trêu, đến khi mẹ "Dang đôi cánh thiên thần" về trời, mà con chưa đền đáp được "một phần cù lao", một phần công ơn của mẹ. Công lao của mẹ như trời, như biển làm sao có thể đáp đền? Luôn ý thức về điều đó, người con trong bài thơ day dứt, xót xa vì chưa làm gì báo hiếu cho mẹ, chưa làm gì để mẹ vui mà mẹ đã từ giã cõi đời? Hai tiếng “Mẹ ơi” đặt sau dấu chấm lửng, nằm ở cuối khổ thơ như một tiếng nấc nghẹn ngào, khi nhà thơ thấm thía những nỗi đau cùng với nỗi vất vả gian truân không thể cất thành lời của mẹ.
Bài thơ kết thúc trong niềm đau xót khôn nguôi: "Mẹ dang đôi cánh thiên thần/Con chưa đáp được một phần cù lao". Người mẹ càng vĩ đại càng lớn lao bao nhiêu, người con càng thấy mình tầm thường, nhỏ bé bấy nhiêu. Nói ra những lời gan ruột ấy, hẳn là nhà thơ cũng vơi nhẹ phần nào nỗi canh cánh bên lòng vì chưa đáp đền được một phần công ơn của mẹ.
Bài thơ "Viết cho ngày của mẹ" của nhà thơ Võ Miên Trường là một trong những bài thơ hay về người mẹ. Bài thơ đã góp thêm một tình cảm, một tiếng nói rất riêng, thể hiện lòng biết ơn của con đối với mẹ. Sự chân thành cùng với niềm yêu kính mẹ trải dọc suốt tác phẩm, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Bài thơ được viết theo thể lục bát ngọt ngào uyển chuyển, dịu dàng như một khúc ru, đưa người đọc vào một thế giới riêng ngập tràn cảm xúc, để mỗi khi đọc bài thơ này, tình cảm thiêng liêng được lắng lại rồi lan tỏa như một bài ca bất tận về tình mẹ.
NGUYỄN THỊ BÌNH
Viết cho ngày của mẹ Oằn lưng mẹ gánh gian nanLệch vai trĩu những lầm than cuộc đời Tuổi xuân mẹ cũng một thời Vì con - không biết đánh rơi lúc nào Con đau khi mẹ nghẹn ngào Vương trong mắt đục giọt nào còn loang Giọt nào đẫm gánh đa đoan Giọt nào thương nhớ gởi ngàn xa xăm Một đời dẫu đến trăm năm Chùng chân mỏi gối vẫn đằm nét tươi Bôn ba trên cánh đồng người Bàn chân tứa máu gai đời... mẹ ơi Trăng vàng trải bóng muôn nơi Mẹ đem nhân hậu trải phơi giữa trần Mẹ dang đôi cánh thiên thần Con chưa đáp được một phần cù lao... VÕ MIÊN TRƯỜNG |