Tỉnh dậy sau mấy ngày hôn mê, Tuấn đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn ra xung quanh và nhận ngay ra mái đầu lấm tấm bạc của mẹ đang gục xuống ngực mình.
Tỉnh dậy sau mấy ngày hôn mê, Tuấn đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn ra xung quanh và nhận ngay ra mái đầu lấm tấm bạc của mẹ đang gục xuống ngực mình. Bà thiếp đi trong lúc vẫn nắm lấy tay Tuấn, những giọt nước mắt còn vương trong lòng bàn tay, mát lạnh. Tuấn khẽ cựa mình, cố nhớ lại những gì đã xảy ra. Anh rờ bàn tay lên gương mặt hốc hác của mẹ làm bà thức giấc:
- Con, con tỉnh rồi sao?
- Mẹ… đây là đâu vậy?
- Ơn trời, con tỉnh rồi. Mẹ... mẹ mừng quá!
Nước mắt lại tuôn trào làm nụ cười của bà Phúc méo xệch.
- Mẹ đừng khóc, con có làm sao đâu.
- Ừ, con không làm sao cả. Tỉnh dậy là tốt rồi. Để mẹ đi gọi bác sĩ.
Tuấn chưa kịp nói gì thì bà Phúc đã nhanh nhẹn chạy ra ngoài. Ngay sau đó, mấy cán bộ y tế vào thăm khám cho anh. Cô bác sĩ trẻ vừa cúi xuống giường bệnh, Tuấn đã nhoẻn cười hỏi thăm tình hình cậu thanh niên cùng bị tai nạn với mình hôm đó có bị nặng lắm không. Cả bác sĩ và người nhà đều không ngờ Tuấn trải qua 4 ngày hôn mê mà khi vừa tỉnh dậy đã nhớ lại được tất cả. Họ vui mừng cho bà Phúc biết chấn thương phần đầu nhưng không hề ảnh hưởng đến bộ não của Tuấn. Chỉ cần điều trị tích cực một thời gian là anh sẽ được ra viện và trở về nhà mà không lo để lại di chứng.
Quả là một kỳ tích!
Hôm đó, Tuấn đang đi làm thì gặp người thanh niên nọ lang thang trên vỉa hè với ánh mắt thất thần và vẻ mặt vô cùng căng thẳng. Có vẻ như cậu ta đang có điều gì đó bất ổn. Tuấn đi xe chầm chậm dưới lề đường, vẫn không thôi để ý đến những hành động, cử chỉ lạ lùng của cậu thanh niên. Đi được một quãng, cậu thanh niên ngồi xuống chiếc ghế đá. Nhưng chỉ được vài phút cậu ta lại đứng lên đi đi lại lại, miệng không thôi lẩm bẩm điều gì đó. Tuấn dừng xe, dắt lên vỉa hè để tiện quan sát. Anh đồ rằng người thanh niên kia nhất định có điều gì đó mờ ám bởi trông điệu bộ anh ta bồn chồn, lấm lét như một tên trộm. Vừa lúc đèn xanh ngã tư bật lên. Các phương tiện giao thông đi lại như mắc cửi. Người thanh niên đứng vụt dậy, lao thẳng ra đường trước mũi chiếc xe khách đang mát chân ga sau kỳ đèn đỏ. Nhanh như cắt Tuấn rượt theo túm được cổ áo người thanh niên kéo ngược trở lại. Chiếc xe không phanh kịp, trượt lên chân của người thanh niên nọ. Tuấn bị ngã đập đầu vào vỉa hè, máu lênh láng chảy nhưng đôi tay anh vẫn giữ chặt người thanh niên. Cả hai được đưa đến bệnh viện kịp thời. Do bị va đập mạnh nên Tuấn ngất đi và bị hôn mê sâu. Cuộc phẫu thuật thành công cho cả hai, nhưng người thanh niên thì bị cắt cụt một bên chân trái.
Biết tin Tuấn đã hồi tỉnh, người nhà anh thanh niên qua thăm. Họ mang theo một bịch hoa quả và một chiếc phong bì đến để tạ ơn cứu mạng con mình. Tuấn và bà Phúc nhất định trả lại chiếc phong bì. Trao đi, đẩy lại, không ai chịu nhường ai, cho đến lúc bà Phúc phải gắt lên:
- Ông bà đừng làm vậy. Hãy dùng số tiền này thêm thắt cho cháu, chúng tôi tuy nghèo nhưng vẫn đủ tiền chạy chữa cho con. Chỉ cần các cháu nhanh chóng hồi phục, được ra viện là tôi vui rồi.
Bà mẹ cậu thanh niên sụt sịt khóc. Bà kể rằng cậu con trai bà đang học năm thứ 3 đại học thì bị lũ bạn rủ rê, đam mê cá độ bóng đá. Lần cá độ nào nó cũng thua liểng xiểng. Nó tìm đủ mọi cách xoay tiền, kể cả về nhà lấy trộm đồ của cha mẹ để bán đi. Của nả trong nhà dần dần bị nó tẩu tán gần như chẳng còn thứ gì có giá trị. Gần đây, cô người yêu của nó lại đòi chia tay. Nó buồn nản, bỏ học đi lang thang. Gia đình ở quê xa nên cũng chẳng biết mà tìm cách động viên nó. Nào ngờ, trong lúc quẫn bách, nó nghĩ quẩn. Ơn cứu mạng này họ không dám quên.
Mẹ con Tuấn lặng người khi nghe câu chuyện bi đát của gia đình cậu thanh niên. Càng nghe, bà Phúc càng thấy ánh mắt và giọng nói của người mẹ này có gì đó quen quen như đã từng gặp ở đâu đó mà bà chưa thể nhận ra. Thương cảm với hoàn cảnh của cặp vợ chồng nọ nhưng bà Phúc cũng chẳng có gì hơn để giúp họ ngoài những lời động viên, chia sẻ ân tình. Nỗi đau khổ làm đôi vai họ trĩu xuống. Cầm đôi bàn tay xương xương của bà mẹ cậu thanh niên, bà Phúc nhẹ nhàng đặt chiếc phong bì vào đó và hạ giọng:
- Ông bà cầm lấy, coi như gia đình tôi đã nhận số tiền này. Giờ tôi xin biếu lại ông bà để chạy chữa cho cháu. Con dại cái mang, ông bà đừng giận. Đây là tấm lòng của mẹ con tôi. Xin được tặng lại cho cháu.
- Ấy chết, ấy chết. Gia đình em mang ơn cháu, mang ơn bà. Lẽ nào bà làm vậy. Chúng em không dám…
- Bà cứ cầm lấy cho cháu Tuấn vui lòng!
- Phải đấy, bác cầm lấy lo cho em. Chắc là em ấy đau lắm. Khi nào có thể cháu sẽ qua thăm em. Bác nhận đi. Mẹ con cháu chỉ có tấm lòng thôi.
Bà mẹ cậu thanh niên òa khóc. Bà Phúc nhón tay gạt mấy sợi tóc lòa xòa trước trán và lau nước mắt cho người mẹ ấy. Vô tình, bà nhìn thấy vết sẹo tròn, nhỏ trên trán người mẹ. Bà ôm lấy đôi vai bà ấy, mặc cho nước mắt mình cũng tuôn rơi.
Đêm hôm đó, bà Phúc trằn trọc mãi bên giường bệnh của con mình. Hình ảnh bà mẹ đau khổ với vết sẹo nhỏ cứ trở qua trở lại trong đầu bà. Giọng nói ấy cứ ám ảnh tâm trí, khiến bà không sao chợp mắt nổi. Ngồi ngắm cái đầu quấn đầy băng trắng của con trai, lòng bà không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến cuộc sống sau đây của chàng trai nọ. Cậu ta còn quá trẻ, lại bị tật nguyền như vậy, làm sao để gánh gánh nặng mưu sinh cho chính bản thân mình? Cũng chỉ vì những đam mê nhất thời mà cậu ta đánh mất đi tất cả. Tuổi trẻ, tình yêu và cả một phần thân xác của mình nữa. Gia đình họ rồi sẽ ra sao? Cậu ta rồi sẽ chấp nhận thực tế phũ phàng này như thế nào?
Sáng hôm sau bà Phúc mang hộp sữa sang cho cậu thanh niên. Nhìn thấy bà, nó quay mặt vào tường, giả vờ ngủ. Cái chân cụt đến gối nằm bất động.
- Tôi đem cho ông bà hộp sữa. Ông bà cố mà ăn vào thì mới có sức chăm sóc cháu được.
- Bà, bà và cháu đã không nhận sự cám ơn của em, lại còn mang cho quà thế này, em thực lòng thấy ái ngại lắm.
- Bà đừng suy nghĩ gì cả. Phải tập trung mà lo cho cháu trước đã…
- Vâng, bà cho em xin. Chúng em đội ơn bà!
- Ơn huệ gì, cũng là việc nên làm thôi bà ạ. Thế quê nhà mình có gần đây không bà?
- Dạ, em là Quỳnh, cháu nó tên Luân. Nhà em ở mãi trong Đẫu, cách đây cả trăm cây số, tít xó đồi. Chắt chiu mãi mới nuôi được nó ăn học, ai ngờ…
Bà Quỳnh rấm rứt khóc. Cái tên Quỳnh loáng thoáng trong óc bà Phúc. Hình như trong ký ức bà cũng có một tên Quỳnh.
Những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, các cơ quan, công xưởng, trường học đều phải đi sơ tán mãi vào vùng đồi núi rậm rạp để hoạt động. Phúc đang học vỡ lòng cũng theo mẹ đi sơ tán cùng cơ quan. Cơ quan của mẹ Phúc chia nhau ở nhờ nhà dân mãi trong góc đồi âm u, rậm rạp, phần lớn là cọ, tre và mít. Trường học nằm sâu hơn, ở một góc quả đồi khá xa khác. Hằng ngày Phúc được mẹ gửi theo học lớp một cùng với các anh chị con của các nhà dân trong xóm. Mỗi sáng, mẹ dậy sớm, nấu cơm rồi nắm cho Phúc một nắm, lấy mo cau gói lại cùng ít muối vừng mang đến lớp. Bữa trưa, mỗi đứa lại tự bỏ cơm của mình ra ăn cùng nhau. Ăn xong, chúng rúc rích nằm chật trên những phên nứa của lớp học ăn sâu dưới lòng đất, chỉ trừ mỗi cái mái cọ nhô lên. Thỉnh thoảng kẻng báo động lại vang lên. Mỗi lần như vậy, cô trò lại chạy thật nhanh xuống hầm trú ẩn. Những chiếc hầm tăng xê, những giao thông hào chạy ngoằn ngoèo núp mình dưới tán lá cây đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần bọn trẻ khóc thét lên vì nghe tiếng bom cày đâu đó. Có lần cô giáo vì lo cõng một bạn bị ốm nên chạy chậm, bị sức ép của quả bom ném cách đó không xa ngất đi làm mặt lũ trẻ xanh lét như tàu lá. Sau mỗi trận báo động, thầy trò trở lại lớp học và vui chơi cho đến chiều các gia đình mới cử người đến đón con về.
Một sáng chủ nhật, hai anh em Phúc chơi loanh quanh gần chỗ mẹ làm việc. Cái Quỳnh ở xóm bên sang nhà bác ruột chơi cũng chạy sang chơi ô ăn quan cùng anh em Phúc. Chỗ chúng chơi, cạnh chiếc tăng xê mát lẹm bởi bóng cây mít già che kín nắng. Chúng chơi nhưng không dám cười nói to vì sợ ảnh hưởng đến công việc của mẹ và các cô, các chú khác. Đang hào hứng chia quân vào các ô thì một viên sỏi của Phúc rơi khỏi tay, lăn tòm xuống hầm. Phúc lò dò bước xuống hầm nhặt viên sỏi, ngẩng lên, nó nhìn thấy một mảnh vỏ ốc xinh xinh, lóng lánh gắn trên tường hầm. Nó reo lên gọi thằng anh xuống cạy mảnh vỏ ốc. Quỳnh nhanh chân đến trước. Nó lấy tay cạy miếng vỏ, Phúc gạt ra không cho Quỳnh cạy và bảo:
- Em nhìn thấy trước, nó là của em!
- Của tao, tao cạy được tao lấy.
- Của em…
- Của tao…
Vừa nói, Quỳnh vừa xô Phúc ngã ngồi xuống lòng tăng xê. Hăng tiết, Phúc bật dậy đẩy Quỳnh chúi đầu vào tường đất. Quỳnh khóc ré lên, một dòng máu tươi từ trán nó tứa xuống mắt, xuống miệng. Phúc há hốc mồm kinh ngạc và sau đó ôm mặt khóc thét lên y như chính nó mới là người bị thương vậy. Nghe tiếng trẻ con kêu khóc, mẹ Phúc và mấy chú chạy tới. Mẹ Phúc bế Quỳnh, bỏ mặc Phúc ngồi khóc ở góc hầm. Bữa đó, Phúc bị chú Trưởng vẽ cho một chiếc vòng tròn bằng phấn ngay cạnh miệng hầm, bắt đứng yên trong đó, không được ngồi, không được ra khỏi vòng khi chưa được phép. Mẹ làm công an nên cực kỳ nghiêm khắc, nhất định không cho Phúc ra khỏi vòng tròn. Không biết Phúc đứng như thế bao lâu, lúc nào mỏi quá, nó đứng lom khom, chống hai tay vào đầu gối, lúc thì co một chân lên áp vào chân kia làm trụ. Thời gian chậm chạp trôi đi. Hai mắt nó trĩu xuống, hai chân tựa hồ cứng đơ cả lại. Bụng nó réo ào ào như có thác lũ trong đó. Vậy mà nó vẫn không dám lên tiếng kêu ca vì sợ bị phạt nặng hơn. Có lần, Phúc đã được chứng kiến các chú công an phạt thằng Tý ăn trộm mít nhà cụ Lai. Thằng Tý cũng bị đứng trong vòng tròn, nhưng khi các chú quay đi làm việc thì nó ngồi ngay xuống. Cũng lại là chú Trưởng nhìn thấy và tặng nó thêm một suất ngồi khoanh tròn, lưng thẳng, cấm đứng dậy. Thằng Tý khiếp đảm, van xin và hứa không dám ăn trộm nữa mới được tha về. Khi chú Trưởng cho phép Phúc bước ra khỏi vòng tròn để vào ăn trưa thì nó không bước được nữa. Hai chân nó tê dại, nhức nhối. Lúc đó mẹ Phúc mới ra đưa nó về, rửa mặt, rửa chân tay cho nó. Hôm sau Phúc theo lũ bạn đi học. Quỳnh chờ sẵn ở cổng nhà nó, một tay cầm gióng mía đang róc dở, một tay cầm những thanh vỏ mía cứ thế nã vào mặt, vào đầu Phúc. Phúc đau quá nhưng không dám tránh. Thằng anh thương em, sấn lên định đánh Quỳnh. Nhưng nó vênh cái mặt quấn băng trắng trên trán lên bảo:
- Tại em mày đánh tao vỡ đầu, bây giờ tao phải đánh nó vỡ mặt.
Vừa nói, Quỳnh vừa tới tấp cầm vỏ mía đánh vào mặt Phúc. Nó đau đớn, ôm mặt khóc rồi bỏ chạy. Mẹ Phúc thấy con đau chỉ biết cắn chặt răng chịu đựng mà không hề mắng mỏ Quỳnh một câu nào. Mẹ lấy nước thuốc lào xoa lên những vết xước trên mặt Phúc. Nước thuốc lào xót đến tận ruột nhưng có tác dụng giảm đau, giảm sưng nên hôm sau Phúc vẫn tiếp tục đến lớp. Lần này, Quỳnh lại đón đường, lại cầm sẵn vỏ mía trên tay, chặn đường Phúc. Nó đang hành động thì thằng anh Phúc dắt chú Trưởng tới. Chú Trưởng thấy Quỳnh vẫn còn mang băng trên trán thì dắt trở về nói chuyện với bố nó. Tưởng như vậy Quỳnh sẽ sợ hãi mà không dám làm gì Phúc. Nhưng không, nhiều hôm khác Quỳnh vẫn đón đường hoặc nấp ở đâu đó lấy đất, đá ném vào người Phúc. Có hôm tới lớp rồi mà Quỳnh vẫn không buông tha, nó nắm cả nắm cát thả vào nắm cơm của Phúc. May mà sau đó cô giáo phát hiện ra nên Quỳnh không dám làm bậy nữa. Nhưng trên đường đi về, nó vẫn sẵn sàng vô cớ nắm tóc, giật túi xách của Phúc ném xuống đất rồi lấy chân giẫm đạp không thương tiếc. Xót con, mẹ Phúc phải đến tận nhà nói chuyện với bố mẹ Quỳnh, thưa chuyện với cô giáo, từ ấy Phúc mới được yên ổn. Hơn một năm sau, cơ quan rời khỏi nơi sơ tán về lại huyện. Phúc bặt tin Quỳnh từ đó.
Sau nhiều chắp nối, liên tưởng, ký ức như cuốn phim quay chậm hiện lên rõ ràng, mồn một. Giọng nói dẫu có thay đổi chút ít nhưng gương mặt kia vẫn còn những nét quen thuộc. Nếu như không có những trận đòn vỏ mía chắc giờ đây bà Phúc chẳng thể nhớ nổi một nét nào trên gương mặt ấy. Đã hơn bốn mươi năm trôi qua rồi còn gì. Phúc theo mẹ về nơi ở cũ và đi học trên huyện, chẳng có chút liên lạc nào với Quỳnh, mặc dù thỉnh thoảng mẹ con Phúc vẫn trở lại nơi sơ tán thăm bà con ngày trước đã cưu mang, đùm bọc, chở che mình.
Qua lời kể của bà Quỳnh, bà Phúc được biết họ chỉ có mỗi mụn con trai là cậu Luân này. Sau khi sinh con xong, bà Quỳnh bị một trận thương hàn và không sinh nở thêm lần nào nữa. Luân mất nhiều máu nên cơ thể còn yếu, tâm trí cũng chưa trở lại bình thường. Gia sản bà Quỳnh hầu như chẳng còn gì đáng giá. Những ngày Tuấn còn nằm viện, ngày nào bà Phúc cũng qua chơi thăm Luân. Bà tỉ tê đủ thứ chuyện trên đời, trừ kỷ niệm ngày xưa với mẹ cậu là bà không hề nhắc tới. Có lần bà còn tình nguyện trông nom Luân để bà Quỳnh về quê thăm nhà. Tuấn cũng thường xuyên ghé qua giường bệnh của Luân. Dần dà, Luân hoạt bát trở lại, nụ cười đã xuất hiện trên bờ môi u sầu của cậu ta. Nó tâm sự sẽ quay lại học nốt năm cuối đại học, ra trường sẽ đi làm ở một trung tâm dành cho người khuyết tật.
Tuấn được xuất viện trước. Hai ngày sau, mẹ con bà Phúc quay trở lại cùng với chiếc xe lăn làm quà cho Luân. Bà Quỳnh nước mắt rưng rưng, hết lòng cảm tạ mẹ con người đàn bà xa lạ có tấm lòng vàng đầy ân nghĩa.
Truyện ngắn của VŨ KIM LIÊN