“Có một đặc trưng khá nổi bật và tương đồng ở cả 2 nhóm là: ở khu vực đô thị, tuổi và học vấn càng cao thì tỷ lệ các cặp mẹ chồng nàng dâu có mâu thuẫn cũng cao hơn” – tác giả nhận định.
Nghiên cứu của tác giả Lê Ngọc Lan (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) được thực hiện ở 2 nhóm khách thể: 202 mẹ chồng và 400 nàng dâu, trong đó có 178 nàng dâu đang sống chung và 222 người sống riêng. Các đối tượng được khảo sát hiện sống ở tỉnh Thái Bình và tỉnh Bắc Ninh.
Theo khảo sát, có 62,6% mẹ chồng cho rằng vấn đề khó khăn nhất với các nàng dâu khi mới về nhà chồng là nhà đông người, kinh tế khó khăn; 29% mẹ chồng tự nhận mình khó tính trong thời gian đầu có con dâu.
Tuy nhiên, với các nàng dâu, khó khăn lớn nhất khi mới về nhà chồng là lối sống gia đình có nhiều khác biệt (64,5%); 32,7% cho rằng nhà đông người, kinh tế khó khăn; 28,3% cho rằng khó khăn là do công việc chưa ổn định.
Trong thời gian đầu về làm dâu, hầu hết các mẹ chồng và nàng dâu đều đồng ý rằng mẹ chồng là người tích cực hướng dẫn con dâu về nếp sống gia đình.
Về vấn đề quản lý tài chính, 41,7% mẹ chồng dưới 60 tuổi là người quản lý chung toàn bộ ngân quỹ chi tiêu của gia đình.
33,3% mẹ chồng dưới 60 tuổi là người quản lý, các con đóng góp một phần. Chỉ có 11,7% gia đình có mẹ chồng dưới 60 tuổi nhưng các con lo và quản lý toàn bộ chi tiêu.
Với gia đình có mẹ chồng trên 70 tuổi, 40,7% con dâu là người quản lý chi tiêu chung, mẹ chồng đóng góp một phần; 35,2% do các con lo và quản lý toàn bộ chi tiêu trong gia đình.
Tác giả nghiên cứu nhận xét: Vai trò là người quản lý tài chính trong gia đình của mẹ chồng có xu hướng giảm theo sự gia tăng độ tuổi của mẹ chồng.
Ngoài ra, số mẹ chồng làm công việc có thu nhập có tỷ lệ là người quán xuyến ngân quỹ chi tiêu của gia đình cao hơn so với mẹ chồng không làm việc tạo thu nhập.
Địa vị kinh tế của con dâu cao hơn địa vị kinh tế của mẹ chồng ở đa số các gia đình hiện nay. Theo thông tin từ mẹ chồng, nếu coi quỹ chi tiêu của gia đình là 10 phần, mức độ đóng góp trung bình của con dâu là 3,8 phần, mức độ đóng góp trung bình của mẹ chồng là 2,2 phần. Theo thông tin từ con dâu, mức độ đóng góp trung bình của con dâu là 4,5 phần, mức độ đóng góp trung bình của mẹ chồng là 1,9 phần.
Về mối quan hệ tinh thần giữa mẹ chồng nàng dâu, khoảng 1/3 số con dâu được hỏi cho rằng không hợp tính với mẹ chồng. Nhưng con số này từ phía mẹ chồng chỉ có 9,5%. Tuy nhiên, 85,9% mẹ chồng cho rằng con dâu không thể hiện tình cảm như bà mong muốn.
“Có một đặc trưng khá nổi bật và tương đồng ở cả 2 nhóm là: ở khu vực đô thị, tuổi và học vấn càng cao thì tỷ lệ các cặp mẹ chồng nàng dâu có mâu thuẫn cũng cao hơn” – tác giả nhận định.
Các lĩnh vực gây ra mâu thuẫn trong mối quan hệ này thường là: thói quen sinh hoạt hằng ngày, cách nói năng, cách dạy các cháu.
Trước những mâu thuẫn này, khoảng 40% cho biết, cách giải quyết là mẹ con nhường nhịn và tôn trọng nhau. Trong khi đó, 27,6% con dâu và 24,1% mẹ chồng cho rằng cách giải quyết là con dâu luôn phải nghe theo mẹ chồng hoặc người lớn tuổi.
Khi được hỏi về các đức tính con dâu ưng ý nhất ở mẹ chồng, 66,3% con dâu nói rằng đó là sự quan tâm, yêu thương các cháu. Ngược lại, 37,7% mẹ chồng cho rằng con dâu có tính vô tâm; 18,2% không ngăn nắp, gọn gàng; 16,9% thiếu tôn trọng bố mẹ chồng.
Theo Gia đình