Những năm gần đây, trên đồng ruộng tỉnh ta xuất hiện ngày càng nhiều máy gặt đập liên hợp. Máy gặt đập liên hợp đã khẳng định tính ưu việt của nó.
Máy gặt góp phần giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho sản xuất nông nghiệp
Cố chờ máy gặt Hơn 3 giờ chiều, trên cánh đồng của thị trấn Gia Lộc có nhiều người đang chờ máy đến gặt cho gia đình mình. Bác Nguyễn Thị Tú ở khu 6, thị trấn Gia Lộc cho biết: "Gia đình tôi chỉ có 2 người già, cấy 5 sào ruộng. Do tuổi cao sức yếu nên chúng tôi chủ yếu đi thuê. Vừa qua, tôi đã thuê người gặt được 3 sào, công gặt 180 nghìn đồng/sào. Sau khi gặt xong lại phải nhờ người mang về. Thuê máy tuốt lúa mất thêm 60 nghìn đồng/sào. Trong những ngày thuê, tôi phải nấu cơm, nước phục vụ cho thợ gặt, vừa tốn kém mà lại mất nhiều thời gian. Hôm nay có máy gặt đến, thấy công thuê rẻ hơn nên tôi cố chờ đến lượt nhà mình”.
Đang nhanh tay bốc từng bao thóc lên xe mang về, chị Nguyễn Thị Nhu ở xã Hùng Thắng (Bình Giang) cho biết: "Trước đây, nếu gặt 1 sào ruộng tôi phải mất 1 buổi chiều, sau đó chồng con lại phải phụ giúp mang lúa về nhà. Ban ngày đi gặt, buổi tối thuê máy suốt. Mùa vụ nào tôi cũng phải làm đến 9-10 giờ tối mới xong việc. Đã thế, nhà cửa cũng bừa bộn vì rơm rạ. Từ vụ xuân vừa qua, tôi đã chuyển sang thuê máy gặt, thấy hiệu quả hơn nhiều. Tôi hợp đồng với chủ máy trước. Máy gặt đến khu vực nào có ruộng của nhà tôi thì tôi mang bao đợi sẵn ở đó. Mỗi sào ruộng tôi chỉ phải trả 160 nghìn đồng”.
Ai cũng nhận thấy hiệu quả của máy gặt mang lại nên việc thuê máy gặt cũng trở nên khó khăn. Chị Phạm Thị Vui ở thị trấn Gia Lộc cho biết: "Chồng tôi thường xuyên đi làm ăn xa. Tôi ở nhà vừa trông con, vừa làm ruộng. Con bé, không có thời gian nên tôi phải thuê máy gặt. Tuy nhiên, tôi đã đợi ở đây từ chiều mà vẫn chưa thuê được vì họ chưa gặt đến cánh đồng này".
Hiện nay, đang vào mùa gặt rộ. Nhu cầu của người dân lớn, trong khi số lượng máy trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn ít nên các chủ máy gặt phải làm việc hết công suất. Anh Bùi Quý Hiển ở thôn Bùi Hạ, xã Lê Lợi (Gia Lộc) cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, tôi đã làm được hơn 45 mẫu. Hiện nay tôi đã nhận hàng chục mẫu nữa. Công việc không chỉ bó hẹp trong huyện mà tôi còn nhận việc ở cả những huyện khác như Tứ Kỳ, Bình Giang... Để máy hoạt động hết công suất, tôi phải bố trí 3 người thay nhau điều khiển, 2 người đứng đằng sau để thay bao. Có nhiều hôm tôi phải làm đến 8-9 giờ đêm mới được nghỉ”.
Đa dạng các loại máyTheo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 220 máy gặt đập liên hợp, tăng 80 chiếc so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 200 chiếc so với cuối năm 2008. Trong đó có 95 máy mua theo Dự án hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015. Một số huyện, thị xã có nhiều máy gặt đập liên hợp là: Bình Giang 50 chiếc, Chí Linh 30 chiếc, Thanh Miện 20 chiếc... Khoảng 37 nghìn ha lúa, chiếm 57% diện tích lúa của tỉnh, được thu hoạch bằng máy. |
|
Máy gặt được đưa vào tỉnh ta từ năm 2008. Tuy nhiên số lượng máy hạn chế do giá thành lớn và nhiều người chưa biết về hiệu quả của máy. Từ năm 2012, khi tỉnh thực hiện “Dự án hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015” thì số lượng máy tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 người được mua máy theo dự án. Ngoài mua theo chính sách hỗ trợ, nhiều nông dân trong tỉnh còn tự bỏ tiền ra mua. Đồng chí Đào Xuân Điển, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Giang cho biết: “Huyện hiện có 50 chiếc máy gặt đập liên hợp, trong đó chỉ có 16 chiếc được mua theo đề án hỗ trợ của tỉnh. Phần còn lại tự người dân bỏ tiền ra mua. Mặc dù một chiếc máy gặt có giá thành khá lớn nhưng do hiệu quả kinh tế mang lại cao như: giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian, sản phẩm làm ra sạch nên nhiều người đã mạnh dạn vay vốn hoặc nhiều người cùng chung nhau tiền để mua máy”. Trên địa bàn huyện Thanh Miện hiện cũng có 20 chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động, trong đó chỉ có 9 chiếc được hỗ trợ lãi suất theo chính sách của tỉnh.
Thị trường máy gặt đập trên địa bàn tỉnh ta đa dạng, phong phú, tạo cơ hội cho người dân lựa chọn phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế. Các loại máy gặt đập chủ yếu do Nhật Bản và Trung Quốc sản xuất. Máy gặt của Nhật Bản công suất 35 mã lực giá trên 300 triệu đồng, ưu điểm là gặt được ở những ruộng nhỏ, thường xuyên phải rẽ, cua nhiều. Loại 60 mã lực có giá trên 500 triệu đồng. Các loại máy của Nhật Bản còn có ưu điểm là tốn ít nhiên liệu (khoảng 15 nghìn đồng/sào ruộng), gặt được cả ở những ruộng lầy lội, lúa được tuốt sạch. Máy Trung Quốc đầu nổ (1.1) có ưu điểm là giá rẻ, chỉ 120 triệu đồng/máy, tốn ít nhiên liệu, nhưng lại chỉ gặt được ở ruộng khô, thóc tuốt không sạch. Loại máy World Group có giá 280 triệu đồng, có nhiều ưu điểm như gặt được dưới trời mưa, khi lúa còn sương, gặt sạch... Các loại máy Trung Quốc có tuổi thọ ngắn hơn, chỉ từ 2-3 năm là phải thay các chi tiết của máy, còn các loại máy Nhật Bản từ 3-4 năm mới phải thay. Ông Nguyễn Danh Bắc, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tây Đô (thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng), đơn vị chuyên cung cấp các loại máy gặt cho nông dân trên địa bàn tỉnh cho biết: Từ năm 2008 đến nay, công ty đã bán được 200 chiếc máy gặt, riêng từ đầu năm đến nay công ty bán được 70 chiếc. Trong đó máy của Nhật Bản chiếm 60%, còn lại là máy Trung Quốc. Công ty hiện đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân khi mua máy. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để tăng số lượng máy gặt trên địa bàn tỉnh.
Với hiệu quả thực tế và nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều máy gặt hơn nữa trên đồng ruộng để giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
THANH HÀ