2 máy bay chiến đấu Su-27 của quân đội Trung Quốc có mang theo tên lửa không đối không khi thực hiện cú tiếp cận bất thường đối với máy bay của Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu của Nhật Bản trên biển Hoa Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, vấn đề là quy tắc của luật pháp quốc tế về hoạt động trên không “không rõ ràng” nên có thể nói Hiệp định phòng ngừa sự cố giữa Nhật Bản và Trung Quốc là tối cần thiết trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động của không quân ở Hoa Đông kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hoá quần đảo Senkaku.
Ông Onodera lên tiếng chỉ trích: “Đây là hành động tiếp cận không bình thường, một hành vi nguy hiểm dễ phát sinh sự cố ngẫu nhiên”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã báo cáo sự việc trên với Thủ tướng Shinzo Abe và nhận được chỉ thị là “tiếp tục duy trì tư thế sẵn sàng đối phó” với tình hình hiện nay.
Theo mô tả, hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc ngày 24-5 đã bám sát và tiếp cận từ đằng sau máy bay của ASDF với khoảng cách từng chiếc một là 50 m và 30 m.
Máy bay Trung Quốc không bắn súng cảnh cáo và cũng không phát sóng vô tuyến khi xuất kích khẩn cấp nên có thể coi đây là hành động uy hiếp đối với máy bay của ASDF.
Ông Onodera cho rằng, hoạt động của ASDF là một trong những “nhiệm vụ giám sát được thực hiện thường xuyên” và vị trí xảy ra sự cố tiếp cận máy bay giữa hai bên xảy ra ở “địa điểm hoàn toàn khác với vùng biển và vùng trời được xác định trong cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung”.
Liên quan đến cách đối phó của máy bay chiến đấu của ASDF, “thông thường trong tình huống giám sát đặc biệt, máy bay sẽ phát tín hiệu cảnh báo và máy bay của ADSF lần này đã thực hiện những phản ứng cần thiết”.
Năm 2013, số lần máy bay chiến đấu của ASDF xuất kích khẩn cấp để xua đuổi máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận Nhật Bản tại Hoa Đông lên tới 415 lần, tăng hơn so với năm 2012 khoảng 36%.
Tuy Chính phủ Nhật Bản đã ký thỏa thuận phòng ngừa sự cố trên biển với Nga nhưng chưa hề có khuôn khổ nào tương tự với Trung Quốc.
Một quan chức SDF cho biết: “Hành tung của máy bay Trung Quốc khó xác định hơn của Nga.” Ngoài ra, cựu Giảng viên trường Sĩ quan Lực lượng phòng vệ trên bộ, ông Kenichi Nishimura cho biết: “Việc không để cho máy bay Trung Quốc tiếp cận với vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhật Bản cần nhanh chóng lập các cứ điểm giám sát tuần tra ở chuỗi đảo Nansei mà trước tiên là đảo Ishigaki”.
TTXVN