Là nơi ghé lại dọc đường du lịch, điểm dừng chân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ấn tượng ban đầu cho du khách.
|
Các điểm dừng chân góp phần quảng bá sản phẩm địa phương. Trong ảnh: Du khách mua hàng tại điểm dừng chân 559 ở thị xã Chí Linh
|
Để làm tròn vai trò của mình, các điểm dừng chân luôn phải đổi mới cho phù hợp nhu cầu du khách và sự thay đổi của thị trường.
Tạo sự thoải mái11 giờ trưa, điểm dừng chân 559 tại Hoàng Tân (Chí Linh) bước vào giờ cao điểm. Các xe ô tô du lịch lần lượt xếp hàng trong sân. Các đoàn khách được nhân viên hướng dẫn vào các khu vực ăn uống đã được bố trí sẵn. Tuy có đông người đến trong cùng một lúc nhưng nhà hàng không quá ồn ào và lộn xộn. Những khách đã ăn xong được bố trí bàn uống nước hoặc vào mua sắm trong khu bán hàng đặc sản. Chị Đỗ Mai Hương (Hà Nội) đang trên đường đi vịnh Hạ Long vui vẻ cho biết: “Đồ ăn ở đây hợp khẩu vị với khách đi đường dài. Nhà hàng và khu vực vệ sinh rất sạch sẽ nên ăn uống cảm thấy yên tâm. Trên đường về, nếu còn dừng chân ở đây, tôi sẽ mua một số sản phẩm về làm quà cho người thân”.
Chỉ là điểm du khách lưu lại trong thời gian ngắn ở dọc đường nhưng các điểm dừng chân đóng vai trò quan trọng làm nên sự thành công của chuyến đi. Được đón tiếp chu đáo, lịch sự ở các điểm dừng chân giúp du khách cảm thấy dễ chịu, có ấn tượng tốt đối với vùng đất mình sẽ tới. Được nghỉ ngơi, ăn uống phù hợp sẽ giúp du khách bớt mệt mỏi trên chặng đường dài. Vì thế, các điểm dừng chân là một mắt xích không thể thiếu để phát triển du lịch một cách đồng bộ và toàn diện.
Ở Hải Dương hiện nay có 17 nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh điểm dừng chân du lịch, tập trung ở thị xã Chí Linh và TP Hải Dương, nằm trên quốc lộ 5, 18 và 37. Đây là những nơi trung chuyển giữa các điểm du lịch thuộc 3 thành phố: Hà Nội, Hạ Long và Hải Phòng; gần đó có khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nổi tiếng của Hải Dương. Có thể nói, ở miền Bắc, Hải Dương là địa bàn thuận lợi để phát triển hoạt động của các điểm dừng chân. Đây cũng là một nét riêng của ngành du lịch tỉnh bởi khách của các điểm dừng chân có thể đến từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái... và thường đông vào mùa lễ hội đầu năm hoặc mùa nghỉ mát giữa năm.
Để thu hút các đoàn khách du lịch dừng lại nghỉ ngơi, mua sắm, các điểm dừng chân đều phải xác định đối tượng khách hàng, tạo dấu ấn riêng mà mục đích cuối cùng vẫn là tạo sự thoải mái, dễ chịu cho du khách. Anh Tống Hoàng Tuấn, chủ điểm dừng chân 559 tại Chí Linh cho biết: “Đối tượng chúng tôi hướng tới là các đoàn khách du lịch nội địa đi theo tour tới Quảng Ninh và Hải Phòng. Tiêu chí xây dựng các điểm dừng chân là phải sạch sẽ từ khu nghỉ ngơi, nhà hàng, nhà bếp tới khu nhà vệ sinh; giá cả phải hợp lý, đồ ăn an toàn vệ sinh và chào đón khách thân thiện, chu đáo. Dù là khách đoàn hay khách lẻ khi dừng lại đều được đón tiếp, uống nước miễn phí. Gần 100 nhân viên phục vụ ở đây được đào tạo bài bản về các kỹ năng bán hàng, giao tiếp và chăm sóc khách hàng”.
2 điểm dừng chân ở Chí Linh và TP Hải Dương của Doanh nghiệp tư nhân thương mại Minh Anh lại hướng tới đối tượng khách nước ngoài. Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc doanh nghiệp cho rằng, điều quan trọng nhất để có điểm dừng chân thành công là phải tạo được uy tín với khách hàng bằng thái độ phục vụ, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Các điểm dừng chân phục vụ khách du lịch đều phải làm hài lòng “khách hàng kép” là du khách và các công ty lữ hành tổ chức tour. Đối với khách nước ngoài, các điểm dừng chân đều phải có nhân viên biết sử dụng ngoại ngữ để tiếp đón, hướng dẫn, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ cho du khách. Các mặt hàng trưng bày, các món ăn phục vụ cũng phải phù hợp với đối tượng này.
Ngoài việc giúp du khách nghỉ ngơi, thư giãn giữa hành trình, các điểm dừng chân còn có các gian hàng bán các sản phẩm đặc sắc của địa phương như bánh đậu xanh, bánh gai, kẹo lạc, đồ gỗ Đông Giao, một số mặt hàng lưu niệm... Qua đó, các làng nghề, món ăn đặc trưng của địa phương được quảng bá tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Luôn đổi mớiLà một mắt xích hỗ trợ du lịch nên để tồn tại được, các điểm dừng chân luôn luôn phải đổi mới cùng sự phát triển của ngành công nghiệp không khói này.
Doanh nghiệp tư nhân thương mại Minh Anh là một trong những đơn vị đầu tiên ở Hải Dương xây dựng điểm dừng chân vào năm 1993. Bà Phạm Thị Hà nhớ lại: “Tôi nảy ra ý định làm điểm dừng chân khi có người quen làm công ty lữ hành than phiền là đi từ Hà Nội đến Hải Phòng mất 3-4 giờ mà không có điểm dừng cho khách nghỉ. Điểm dừng chân đầu tiên tôi đặt ở khu vực ngã tư Máy Sứ (TP Hải Dương) rất đơn giản, chỉ là nơi để khách ngồi nghỉ, đi vệ sinh và bán bánh đậu, bánh gai. Điểm dừng chân này có diện tích nhỏ mà lượng khách ngày một đông nên phải chuyển sang những địa điểm khác. Từ năm 2001, công ty mở thêm một điểm dừng chân ở ngã ba Bến Tắm (thị xã Chí Linh). Quy mô các điểm này liên tục phải mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung nhiều mặt hàng mới để đáp ứng nhu cầu ngày một cao và đa dạng của khách”. Hiện nay, điểm dừng chân tại Chí Linh của doanh nghiệp mỗi năm đón khoảng 800.000 lượt khách đi tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. Song điểm dừng chân ở quốc lộ 5, khu vực huyện Cẩm Giàng có lượng khách sụt giảm nên công ty đang nghiên cứu hướng phát triển, gắn với tuyến đường 5 mới được thông xe.
Điểm dừng chân 559 ở thị xã Chí Linh bắt đầu hoạt động từ năm 2002 nhưng đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thị trường. Theo ông Tống Hoàng Tuấn, bên cạnh những sản phẩm chủ yếu là đồ ăn, sắp tới công ty sẽ đưa vào bán thêm chổi chít Mật Sơn, một sản phẩm đặc trưng của vùng núi Chí Linh. Nếu thuận lợi, công ty sẽ nghiên cứu giới thiệu thêm một số mặt hàng khác của địa phương. Hướng tới đối tượng khách du lịch tham quan Côn Sơn - Kiếp Bạc sau khi đi du lịch Quảng Ninh, công ty đang xây dựng thêm một khu du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu ăn nghỉ cao cấp hơn ở phía sau điểm dừng chân hiện tại. Khi đó, điểm dừng chân này sẽ góp phần giữ chân du khách tới tham quan các di tích của Hải Dương.
Trong 1-2 năm gần đây, do kinh tế khó khăn, lượng khách du lịch sụt giảm khiến các điểm dừng chân cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để sàng lọc những đơn vị chưa đáp ứng tốt nhu cầu du khách, và những điểm muốn tồn tại được cần đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ.
VIỆT HÒA