Mặt trái của điện thoại

05/02/2018 13:30

Nghe xong điện thoại từ cô giáo chủ nhiệm, chị Duyên lo lắng: “Em Đạt sử dụng điện thoại trong giờ học, mời chị đến trường nhận lại điện thoại và trao đổi tiếp”.

Chị Duyên không thể hiểu được vì sao con trai chị lại đổ đốn ra như vậy. Nó vốn là một học sinh giỏi, ngoan, luôn nghe lời bố mẹ. Từ trước đến nay nó chưa làm vợ chồng chị phiền lòng bao giờ. Vậy mà đùng một cái, chị bị mời đến trường vì chuyện con làm việc riêng trong giờ học thì thấy thật xấu hổ.

Thi đỗ vào cấp ba với số điểm khá cao, đi học xa nhà gần chục cây số, Đạt xin bố mẹ mua cho cái điện thoại để tiện liên lạc những khi cần thiết. Vợ chồng chị Duyên, anh Thành thấy con nói cũng có lý. Ngoài việc sắm cho cậu con trai cái xe đạp điện như một phần thưởng về thành tích thi cử, anh Thành còn bàn với vợ nhượng lại cái iPhone 5 đã lỗi thời của mình để con có cái liên lạc. Làm vậy vừa là cách anh chị động viên con lại vừa giám sát được con. Anh Thành không muốn con trai phải thua bạn kém bè bởi thời đại công nghệ, cả thế giới trong lòng bàn tay, không thể để con “mù thông tin“ được. Đạt hứa hẹn đủ điều với bố mẹ, rằng con sẽ chăm học, sẽ chỉ dùng điện thoại để nghe và gọi.

Không ngờ có điện thoại xịn, Đạt mày mò, nghiên cứu các tính năng, ứng dụng của máy và cài đặt nhiều trò chơi điện tử. Đạt thiết lập ngay tài khoản Facebook, thường xuyên lên mạng để “chém gió”, tán gẫu với bạn bè. Chiếc điện thoại thông minh có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với Đạt. Hễ rời sách vở ra là Đạt ôm lấy cái điện thoại, mắt dán vào màn hình. Chố nào có wifi thì Đạt lướt Facebook, chỗ nào không vào mạng được thì Đạt chơi game. Đang từ học sinh giỏi suốt 9 năm liền mà vừa rồi tổng kết kỳ1 lớp 10 Đạt không được học sinh tiên tiến. Anh Thành ngỡ ngàng, chị Duyên thì buồn rầu, cả hai không hiểu lý do vì sao con mình lại học hành sa sút như vậy. Lúc đầu anh chị cứ nghĩ chương trình lớp 10 khó hơn, cứ tưởng con mới chuyển cấp nên chưa thể bắt nhịp với môi trường học tập mới nên cũng không gây áp lực cho con. Nhiều khi chị Duyên để ý theo dõi thì thấy ở phòng riêng Đạt vẫn bật điện, thức khuya. Chị cứ đinh ninh rằng con mình biết lo bài vở, tự giác học tập nên chị cũng mừng thầm. Chị không ngờ rằng đêm nào Đạt cũng lướt Facebook hoặc chơi game trên máy điện thoại. Thậm chí Đạt bật điện, trùm chăn, ôm điện thoại mà bố mẹ không hề hay biết.

Hôm nay, gặp cô giáo chủ nhiệm của Đạt, chị Duyên mới biết con nghiện điện thoại đến như vậy. Cô kể chính Đạt tâm sự với cô rằng bố mẹ ở phòng riêng nên Đạt làm gì cũng không ai biết. Nhiều đêm Đạt thức cùng với điện thoại đến 2 -  3 giờ sáng nên ngồi học ở lớp cứ mắt nhắm mắt mở, chỉ muốn gục mặt xuống bàn. Chị giận con nhưng cũng tự trách mình vô tâm, chưa sát sao với con, quá tin tưởng con nên để con sa vào những trò giải trí tốn thời gian, hại mắt, ảnh hưởng đến việc học. Biết trước cơ sự thế này, chị chỉ mua cho con cái điện thoại “cục gạch” thôi.

Sau khi bị bố mẹ tịch thu điện thoại, Đạt không bất bình theo kiểu phá phách, kêu gào như những đứa trẻ nghiện điện thoại mà gia đình phải đưa đi cai nghiện nhưng trở nên lầm lì, chẳng nói chẳng rằng. Đạt vẫn lướt Facebook và chơi game trên máy vi tính mỗi khi bố mẹ vắng nhà. Thấy tình hình không tiến triển, chị Duyên bàn với anh Thành cắt luôn mạng internet. Không còn nguồn giải trí yêu thích, Đạt cứ như người mất hồn, không muốn giao tiếp với ai. Thấy con có triệu chứng của bệnh trầm cảm, chị Duyên và anh Thành hốt hoảng đưa con đến bác sĩ tâm lý để khám. Bác sĩ khuyên anh chị phải “cai” điện thoại cho con một cách từ từ, không thể dứt ra đột ngột như vậy. Anh chị không ngờ mặt trái của công nghệ hiện đại lại có tác hại nguy hiểm như vậy.

TRẦN THỊ LÀNH

(0) Bình luận
Mặt trái của điện thoại