Nhiều tháng qua, anh Phạm Văn Trường không biết tin tức gì về vợ là chị Nguyễn Thị Thuy (sinh năm 1976, đang làm việc tại Ả-rập Xê-út).
Bố con anh Trường bên ngôi nhà cấp 4 xuống cấp
Anh Trường (41 tuổi, ở khu dân cư An Thái, thị trấn Phú Thái (Kim Thành) đã nhiều lần phản ánh với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông (Tranconsin) có trụ sở tại Hà Nội, nơi đưa vợ anh sang Ả-rập Xê-út lao động và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhưng hằng ngày bố con anh vẫn phải chờ đợi trong phấp phỏm mà không biết vợ mình hiện nay ra sao.
"Đem con bỏ chợ"Anh Trường cho biết: Qua giới thiệu của họ hàng, chúng tôi được biết Tranconsin tuyển lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út với chi phí thấp nên đã dành toàn bộ số tiền tích cóp được để lo cho chuyến đi. Ngày 14 - 9 - 2012, vợ tôi bay. Bình thường khi tới nơi, công ty hoặc nhà chủ nơi lao động đến làm việc phải cử người ra đón, hướng dẫn, làm thủ tục nhưng riêng vợ tôi không ai đến đón. Vợ tôi gọi điện thoại về thông báo tình hình như vậy. Tôi chỉ biết khuyên vợ cứ ở sân bay để đợi người đến đón, chứ nếu lạc không biết đâu mà tìm. Vợ tôi ăn chực nằm chờ ở sân bay để đợi người đến đón nhưng không thấy đâu. Đến ngày 16 - 9, vợ tôi được đưa đến trại tập trung. Chiều 22 - 9, vợ tôi mới được chủ nhà đến đón. Qua việc này, tôi thấy công ty thiếu trách nhiệm.
Theo lời kể của anh Trường, kể từ khi vợ anh đến làm việc, chủ nhà mới cho gọi điện thoại về nhà 3 lần. Lần thứ nhất sau một tuần làm việc, lần thứ 2 là sau một tháng và lần thứ 3 là khoảng ngày 12 - giêng năm 2013. “Qua mấy lần điện thoại về, vợ tôi phàn nàn nhà chủ thu hết đồ cá nhân, máy điện thoại và chỉ được điện bằng số điện thoại của chủ nhà. Khẩu vị ăn không phù hợp và thường xuyên phải làm quá giờ, nhiều hôm vợ tôi chỉ được nghỉ 5 tiếng. Thời gian nói chuyện điện thoại không nhiều nhưng vợ tôi có thái độ rất hoảng sợ. Khi tôi hỏi có bị xâm phạm thân thể không thì vợ tôi vội vàng nói có rồi cúp máy, không kịp giải thích gì”, anh Trường kể.
Bức xúc hơn, 5 tháng nay, anh Trường không biết tin tức, không liên lạc được với vợ mình. Quãng 3 tháng trước, anh đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Tranconsin và có đơn gửi lên Cục Quản lý lao động ngoài nước nhờ can thiệp, giúp đỡ. Nhưng ngày qua ngày, anh Trường chờ đợi trong vô vọng.
Người nhà loĐến thăm gia đình anh Trường ở khu An Thái, thị trấn Phú Thái, chúng tôi tận mắt được thấy hoàn cảnh hiện tại của gia đình anh. Anh Trường cùng mẹ anh và hai con sống trong ngôi nhà cấp bốn xuống cấp, chật chội. Đồ đạc trong nhà đơn sơ. Cuộc sống của bốn người trông vào khoản thu nhập 3 triệu đồng từ công việc bảo vệ của anh nên rất khó khăn. Anh Trường cho biết: “Năm 1997, tôi không may bị tai nạn lao động dẫn đến cụt tay nên sức yếu. Cũng vì cuộc sống khó khăn nên tôi mới phải để cho vợ đi xuất khẩu lao động những mong có tiền để lo cho con cái ăn học. Nhưng từ khi vợ đi đến nay đã hơn 10 tháng, chủ mới chỉ gửi về cho gia đình tôi chưa được 3 tháng lương. 3 lần lĩnh tiền mới được 14 triệu đồng, trong khi theo hợp đồng, 10 tháng vợ tôi làm việc, gia đình phải được nhận 60 triệu đồng”.
Sau nhiều lần ý kiến với công ty và Cục Quản lý lao động ngoài nước để mong ngành chức năng và lãnh đạo công ty can thiệp, mãi đến ngày 22 - 7, ông Phạm Đức An, Giám đốc Tranconsin mới có buổi làm việc với gia đình anh Trường. Trong buổi làm việc đó, anh Trường yêu cầu công ty nhanh chóng đưa vợ anh về nhà an toàn; phải thanh toán đủ lương các tháng chị Thuy đã làm; bảo đảm sức khỏe cho chị Thuy, nếu chị Thuy gặp vấn đề gì về sức khỏe công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trong biên bản làm việc ngày 22 - 7, ông Phạm Đức An cam kết: Bảo đảm quyền lợi về thu nhập của người lao động cho đến khi người lao động về nước theo hợp đồng với mức lương là 1.100 RS/tháng. Cử cán bộ sang Ả-rập Xê-út để giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh của người lao động, tiến hành đưa lao động về nước trong tháng 8 - 2013 và không quá ngày 30 - 9 - 2013. Các vấn đề phát sinh khác (nếu có) sẽ được giải quyết khi lao động về nước. Người lao động về nước an toàn là vấn đề ưu tiên hàng đầu giữa các bên. Người lao động sẽ liên lạc về nhà trước ít nhất 1 tuần và công ty chịu trách nhiệm về sức khỏe của người lao động trong thời gian ở Ả-rập Xê-út. Ngoài ra, công ty còn tạm ứng cho gia đình anh Trường số tiền 20 triệu đồng. “Mấy bố con tôi rất nóng ruột, mong ngóng từng ngày. Chẳng biết có chuyện gì xảy ra với vợ tôi không? Công ty có thực hiện đúng cam kết không?”, anh Trường lo âu.
Đề nghị cơ quan chức năng giúp gia đình anh Trường, chị Thuy sớm được đoàn tụ.
VIỆT CƯỜNGAnh Trường cho biết: Hợp đồng lao động ký kết quy định rõ một số khoản như: Người lao động với tư cách là người giúp việc gia đình được nhận mức lương hàng tháng là 1.100 riyals (đơn vị tiền tệ của Ả-rập Xê-út, tương đương khoảng 6 triệu VNĐ) và nhận lương vào cuối tháng. Người lao động được nghỉ ít nhất tám tiếng/ngày và được nghỉ phép 15 ngày/năm. Chủ lao động phải hỗ trợ người lao động trong việc gửi hoặc nhận thư từ phía gia đình và gửi tiền lương về cho gia đình, cho phép người lao động gọi điện về nhà mỗi tháng một lần; chủ lao động hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình chủ sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt theo pháp luật nước sở tại nếu có hành động gây thương tích về thể xác và tinh thần cho người lao động... |