Tình trạng dạy thêm, học thêm mùa hè này vẫn phổ biến ở nhiều nơi dù kín đáo hơn nhiều năm trước. Xóa bỏ tình trạng này vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi bắt đầu học thêm hè từ giữa tháng 6
"Học kỳ 3" nặng nềCó con trai vừa học xong lớp 1 Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP Hải Dương), hè này, vợ chồng anh P.V.P. ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) đã cho con đi học thêm 3 buổi vào các ngày thứ 3, 5, 6 do giáo viên của trường tổ chức. Anh P. cho biết: "Nhiều phụ huynh khác cũng cho con em tham gia các lớp học này với mong muốn giúp con em mình có thêm kiến thức và kết quả học tập tốt hơn”.
Nhiều học sinh tiểu học vừa thuộc mặt chữ như con trai anh P. chưa kịp có kỳ nghỉ hè đầu tiên trong đời học sinh đã ngay lập tức phải bước vào những lớp học thêm. Với các em, mùa hè chỉ là một học kỳ nữa nối tiếp năm học chính khóa.
Không chỉ có trẻ em ở thành phố mà nhiều trẻ ở các vùng nông thôn hiện nay cũng học thêm trong dịp hè. Chị N.T.H. ở thị trấn Ninh Giang có 2 con nhỏ, một cháu học lớp 2, một cháu học lớp 7. Từ ngày 2-7, chị đã cho con đi học ở trường vào ban ngày, cuối tuần lại học thêm 2 buổi ở nhà giáo viên. Như vậy, lịch học của con chị H. có số buổi chẳng kém lịch học chính khóa trong năm học là bao nhiêu.
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm ở nhà giáo viên hiện nay không công khai như trước mà bí mật hơn. Vào buổi tối, ở xung quanh nhiều nhà giáo viên thường diễn ra cảnh phụ huynh đứng chờ con rải rác ở một khoảng cách xa. Có những nơi phụ huynh phải thả con cách một đoạn để các cháu tự đi đến nhà giáo viên chứ không đưa tận cửa nữa. Nhiều giáo viên dặn học sinh không được nói với ai là đi học thêm mà chỉ được nói là đi học phụ đạo hoặc học nhóm. Điều đó cho thấy họ đều ý thức được đây là việc làm không được ủng hộ, thậm chí dạy thêm ở bậc tiểu học còn bị cấm nhưng vẫn tìm cách "lách" quy định.
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm không chỉ có quy mô nhỏ ở các lớp và tại nhà giáo viên mà còn có trường tổ chức dạy thêm rất sớm. Vừa bước vào kỳ nghỉ hè được nửa tháng, N.V.D. học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi cũng như hầu hết học sinh của trường đã tham dự các lớp học thêm được tổ chức tại trường. Các học sinh thường học thêm những môn của khối thi đại học mình dự định tham gia. "Ai cũng hỏi em đã nghỉ hè chưa nhưng em phải đi học từ giữa tháng 6 nên không kịp nghỉ ngơi, về quê thăm ông bà hay đi du lịch với gia đình", D. than thở.
Những sức épViệc cho con tham gia các lớp học thêm hiện nay đều trên danh nghĩa phụ huynh tự nguyện song đằng sau sự tự nguyện đó là những sức ép vô hình ít người dám vượt qua. Chị N.T.M. (30 tuổi) ở đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) đang cho con gái học lớp 3 Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đi học thêm 3 môn tiếng Anh, toán và tiếng Việt. Chị M. cho biết: “Mỗi tháng gia đình phải đóng hơn 1 triệu đồng tiền học thêm cho con. Không biết chất lượng các buổi học thêm đến đâu nhưng khi nghe giáo viên khen con nhà mình có nhiều tiến bộ thì ai cũng vui mừng”.
Tâm lý thấy những phụ huynh khác cho con đi học mà con mình ở nhà thì không yên tâm, sợ con thua kém bạn bè, sợ giáo viên có ấn tượng không tốt là những sức ép chính khiến không ít bậc phụ huynh đưa con đến các lớp học thêm. Tại những lớp học này, giáo viên vẫn là người dạy chính khóa cho học sinh nên các bậc phụ huynh thường không quan tâm đến chương trình học là gì, lớp học thêm có được cấp phép theo quy định hay không. Chị N.T.H. ở thị trấn Ninh Giang cho biết đối với các buổi học thêm tại trường, gia đình chỉ được thông báo cho con đến học, đóng 200.000 đồng/môn/tháng chứ không biết các lớp học có được cấp phép hay không. Chị H. cũng không nắm rõ nội dung chương trình học thêm của con ở lớp là gì.
Đối với học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, kể cả học sinh vừa trúng tuyển vào lớp 10 đều đi học thêm. Theo phản ánh của các em, nhiều môn học được dạy trước chương trình nên dù không có tính bắt buộc nhưng không học sinh nào "dám" ở nhà vì sợ sẽ không theo kịp chương trình khi vào năm học mới.
Chương trình học chính khóa của học sinh hiện nay khá nặng nề nên nếu không đi học thêm trong hè, cả phụ huynh và giáo viên đều lo lắng các em quên kiến thức, không theo kịp khi vào năm học mới. Lương của giáo viên còn thấp nên đa phần có nhu cầu dạy thêm để tăng thu nhập. Một nguyên nhân nữa khiến các bậc phụ huynh cho con đi học thêm trong hè là do kỳ nghỉ khá dài nên họ lo lắng việc con nghỉ ở nhà sẽ sa đà vào các thói quen không tốt như xem ti vi, chơi game trên máy tính và điện thoại.
Tình trạng tổ chức học thêm, dạy thêm trong dịp hè dưới nhiều hình thức đang gián tiếp tước đoạt đi mùa hè của học sinh. Tình trạng này khó được xóa bỏ chỉ bằng những lệnh cấm mà cần sự thay đổi sâu xa hơn như giảm tải chương trình học, tăng lương cho giáo viên và các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi quan niệm về việc học của con em mình.
ĐỨC VIỆT