“Mạnh Thường Quân” của nhiều nông dân nghèo

04/08/2013 15:52

Đến bây giờ danh tiếng về y đức của lương y Phạm Khắc Tỉnh đã vượt qua “lũy tre làng” thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo (Chí Linh) bay tới mọi miền của đất nước.



Lương y Phạm Khắc Tỉnh thường xuyên khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo

Ông nổi tiếng không chỉ bởi y thuật chữa được nhiều bệnh nan y mà còn được biết đến bởi tấm lòng giúp đỡ mọi người, nhất là nông dân nghèo. Chẳng thế từ lâu, người ta hay gọi ông là “Mạnh Thường Quân” của những nông dân nghèo.

Gian nan dựng nghiệp


Mặc dù bây giờ ông Phạm Khắc Tỉnh đã có cuộc sống đủ đầy, viên mãn, con cái trưởng thành nhưng trên gương mặt ông vẫn còn những nét phong trần, sương gió, dấu ấn của những năm tháng gian nan dựng nghiệp.

Trở về từ chiến trường, với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông Tỉnh không ngại khó khăn, bươn chải mưu sinh bằng nhiều nghề. Những sóng gió, khó khăn trong cuộc sống không làm ông nản chí mà lại trở thành động lực, khát vọng để ông vươn lên làm giàu, lập nghiệp trên chính mảnh đất cằn quê hương. Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Tỉnh hướng vào trồng cây ăn quả, chiết ghép cây giống. Ông lên tận Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội để học hỏi, tìm hiểu kiến thức về cây trồng. Nhờ ham học hỏi, ông đã trở thành “chuyên gia” về chiết ghép cây giống và trở thành địa chỉ tin cậy về cung cấp cây ăn quả ở trong tỉnh lúc bấy giờ. Đến năm 1993 - 1994, phong trào trồng cây vải ở Chí Linh phát triển mạnh, người dân xoay sang trồng vải, khiến cho công việc sản xuất, kinh doanh cây giống của ông gặp khó khăn. Là một người nhạy bén, năng động, khi việc làm cây giống ăn quả không thuận lợi ông đã chuyển dần sang trồng cây cảnh và nghề chữa bệnh đông y. Tích cóp, học hỏi, đầu tư, đến nay trong vườn cây cảnh của ông có trên 500 chậu cây cảnh lớn nhỏ như sanh, si, lộc vừng, vạn tuế, phi lao… Mỗi cây đều được ông chăm chút, tạo dáng, tạo thế độc đáo. Trong đó, nhiều cây có trị giá từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Những năm cây cảnh được giá, vườn cây cảnh của ông lên tới hàng chục tỷ đồng.

Sẵn gia đình có nghề làm thuốc gia truyền, ông mở nghề chữa bệnh đông y. Ông Tỉnh nghĩ muốn làm nghề gì cũng đều phải giỏi và muốn giỏi thì phải học, tìm thầy giỏi để học. Ông theo học tại Trường Cao đẳng y học Tuệ Tĩnh (nay là Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam), rồi tiếp tục học hỏi khắp nơi về những bài thuốc hay, những cây thuốc quý . Cơ duyên trong nghề khi ông gặp được một thầy thuốc gốc Hoa giỏi y thuật. Ông đã được thầy truyền cho nhiều bài thuốc hay và đã giúp ông trong việc hành nghề chữa bệnh đông y sau này. Bây giờ, ông đã có thể chữa được nhiều bệnh về xương khớp, hen suyễn, đại tràng, dạ dày… Đặc biệt, ông giỏi chữa bệnh gút, một loại bệnh khá phổ biến hiện nay. Tiếng lành đồn xa, hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi như Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau và thậm chí có bệnh nhân từ Trung Quốc, Hồng Công cũng đến chữa và đã khỏi bệnh, trong đó có Trung tướng Trần Hanh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Hay có bệnh nhân quê ở Thủy Nguyên, TP Hải Phòng bị bệnh gút hành hạ hơn 15 năm đã đi khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi, thậm chí sang nước ngoài  để chữa bệnh nhưng không khỏi. Bệnh nhân này đã được lương y Phạm Khắc Tỉnh chữa khỏi bệnh gút sau nửa năm điều trị.

Trong nhiều năm qua, lương y Phạm Khắc Tỉnh luôn đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh và Trung ương. Tháng 5-2013, ông là một trong những cá nhân được vinh danh là nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh. Cuối năm 2012, ông được vinh dự nhận “Thương hiệu truyền thống và báu vật gia truyền nổi tiếng Việt Nam” lần thứ I tại Hà Nội do Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức.

Giúp người không kể công

Biết tiếng ông hay giúp người, nhất là người nghèo khó nhưng khi chúng tôi đề nghị ông kể chuyện này, ông Tỉnh lắc đầu bảo “Mình giúp đỡ người khác xuất phát từ tấm lòng, kể ra lại mang tiếng kể công”. Biết không thể đề nghị ông kể chuyện này, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Thi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Kim Điền để tìm hiểu chuyện giúp người của ông Tỉnh. “Ông Tỉnh giúp đỡ người nghèo đã từ lâu rồi nhưng giúp đỡ nhiều và có hiệu quả là từ khoảng 10 năm nay. Mỗi năm, ông Tỉnh nhận giúp đỡ từ 4 hộ trở lên. Hình thức giúp đỡ rất đa dạng, từ giúp đỡ về tiền, cây giống, cây cảnh đến tư vấn cách làm ăn và chữa bệnh không lấy tiền...", ông Thi nói. Ông Thi đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến một số hộ gia đình đã được ông Tỉnh giúp đỡ thoát nghèo vươn lên trở thành khá giả.

Ông Phạm Khắc Tình, cùng thôn Kim Điền là một hộ khó khăn tiêu biểu được ông Tỉnh giúp đỡ. Năm 2007, ông Tình bị bệnh xơ gan, điều trị khắp nơi, tốn kém tiền của mà bệnh không khỏi. Thấy gia cảnh ông Tình như vậy, ông Tỉnh cắt thuốc cho ông điều trị, cơ bản không lấy tiền. Chữa khỏi bệnh cho ông Tình, ông Tỉnh thấy gia đình ông Tình có nghề làm hương nhưng chỉ làm thủ công, không phát triển được. Ông đã cho gia đình ông Tình vay vốn mua 3 máy làm hương, trị giá 50 triệu đồng, ông còn đầu tư mua nguyên liệu làm hương trị giá 60 triệu đồng. Có máy, có nguyên liệu dồi dào, nghề làm hương của gia đình ông Tình ngày càng phát triển. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Tình còn lãi mấy chục triệu đồng. “Có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình tôi mãi không quên ơn bác Tỉnh”, ông Tình xúc động nói.

Gia đình ông Lê Hồng Tú, 68 tuổi, thôn Phượng Sơn cùng xã Hưng Đạo cũng được ông Tỉnh giúp đỡ nhiệt tình. Ông Tú có con trai là anh Lê Hồng Tài bị bệnh dạ dày, chữa nhiều nơi không khỏi. Ông Tỉnh đã bốc thuốc điều trị khỏi bệnh cho anh Tài. Thấy anh Tài làm nghề đào giếng, công việc bấp bênh, ông Tỉnh đã cho anh Tài vay 200 triệu đồng mua ô-tô tải loại nhỏ. Có xe, anh Tài chuyên chở dịch vụ, công việc thường xuyên hơn, thu nhập ngày càng cao, mỗi năm trừ chi phí anh Tài lãi được hơn 100 triệu đồng. Sau 3 năm mua xe kinh doanh dịch vụ vận tải, đời sống gia đình anh Tài đã trở lên sung túc, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Ông Tú tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ của anh Tỉnh, gia đình tôi sẽ không thể có được như ngày hôm nay”.

Ông Nguyễn Văn Thi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Kim Điền cho biết thêm, không chỉ giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, ông Tỉnh còn là “Mạnh Thường Quân” của nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác trong và ngoài địa phương. Ông đã tài trợ kinh phí cho nhiều hoạt động của các hội, đoàn thể của xã như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh; đóng góp tiền để làm đường giao thông nông thôn, tặng cây cảnh cho các đình, đền, chùa hay tổ chức những hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, người nghèo...

Tôi chợt nghĩ nếu mỗi làng quê đều có “Mạnh Thường Quân” như lương y Phạm Khắc Tỉnh thì tốt đẹp biết bao...

VIỆT CƯỜNG

(0) Bình luận
“Mạnh Thường Quân” của nhiều nông dân nghèo