Mạnh tay xử lý vi phạm đê điều

17/06/2021 10:04

Nhờ sự tích cực vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhiều vi phạm đê điều được phát hiện sớm, xử lý kịp thời.


Lực lượng chức năng tháo dỡ công trình vi phạm của hộ ông Nguyễn Văn Thuệ ở thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ)

Phát hiện sớm, xử lý ngay

Thanh Hà là một trong những địa phương có số km đê dài và khu vực bãi sông rộng. Nhiều năm trước, ở các bãi sông thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở lại đây, các vụ vi phạm đê điều giảm mạnh. Đây là một trong số ít địa phương làm tốt công tác quản lý đê điều, ít để phát sinh các vi phạm. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, toàn huyện phát sinh 4 trường hợp vi phạm đê điều. Trong đó có 2 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, san tản đất để làm bãi nuôi rươi, cáy; 1 vụ hạ cốt đất trong hành lang bảo vệ đê và 1 trường hợp dựng nhà tạm mái tôn. Lực lượng chức năng đã tham mưu UBND huyện xử phạt 2 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 60 triệu đồng. "Đến nay, các vi phạm đê điều trong huyện đều được xử lý dứt điểm, không còn vụ việc tồn đọng. Phát hiện ngay vi phạm là yếu tố then chốt để xử lý nhanh, dứt điểm các vi phạm đê điều", ông Đỗ Chu Hùng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Thanh Hà nói.

Khoảng giữa tháng 4, qua tuần tra, kiểm soát tuyến đê hữu sông Thái Bình, cán bộ Hạt Quản lý đê huyện Tứ Kỳ phát hiện gia đình ông Nguyễn Văn Thuệ ở thôn An Định, xã An Thanh xây nhà trông coi trái phép rộng gần 16 m2 ở khu vực ngoài bãi sông. Ngay sau khi phát hiện, Hạt Quản lý đê huyện đã phối hợp UBND xã An Thanh tháo dỡ công trình vi phạm. Trước đó, Hạt Quản lý đê huyện đã phối hợp tháo dỡ 1 lán tạm rộng gần 10 m2 ở ngoài bãi đê hữu sông Thái Bình của hộ ông Phạm Văn Dịnh (cùng thôn An Định). Đây là 2 trong 14 vi phạm đã được lực lượng chức năng phát hiện sớm và xử lý dứt điểm ngay từ đầu.

Ông Phạm Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã An Thanh thừa nhận các công trình vi phạm không chỉ ảnh hưởng đến an toàn đê điều mà còn làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật. Trước đây, một số trường hợp vi phạm kéo dài, khó xử lý dứt điểm do còn tình trạng nể nang, ngại va chạm. Nhưng nay, các vi phạm đều được phối hợp xử lý dứt điểm ngay sau khi phát hiện. Nhận thức của người dân về Luật Đê điều cũng được nâng cao nên số vụ vi phạm đã giảm nhiều so với trước.


Hạt Quản lý đê huyện Thanh Hà đã xử lý dứt điểm tất cả 4 vi phạm phát sinh từ đầu năm đến nay 

Vi phạm giảm

Theo Chi cục Thủy lợi, từ đầu năm đến nay, trong tỉnh đã phát sinh hơn 50 trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, giảm khoảng 10 vụ so với cùng kỳ năm trước. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là làm đường dốc lên đê, xây tường bao, làm lều lán ngoài bãi sông... Hạt Quản lý đê các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm gần 40 trường hợp vi phạm, đạt khoảng 80%. Với các vi phạm còn lại, lực lượng chức năng tiếp tục đôn đốc, xử lý.

Để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, thời gian qua, Hạt Quản lý đê cấp huyện thường xuyên cử lực lượng tuần tra, kiểm soát các tuyến đê. Nhiều trường hợp vừa có dấu hiệu vi phạm đã được lực lượng chức năng phát hiện, yêu cầu dừng ngay. Trước mỗi mùa mưa bão, Hạt Quản lý đê cấp huyện yêu cầu người dân, doanh nghiệp ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều. Chính quyền địa phương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các vụ việc. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật đê điều cho người dân, tạm dừng các hoạt động trong mùa mưa bão theo quy định.

Ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh khẳng định: "Thời gian qua, các vụ việc được xử lý dứt điểm, không kéo dài và ít phức tạp hơn trước. Có được kết quả này là nhờ chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và lực lượng chức năng. Đặc biệt, chính quyền nhiều nơi đã thực sự vào cuộc xử lý vi phạm, không còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm như trước".

Số lượng vi phạm đê điều trong tỉnh giảm mạnh qua từng năm cho thấy sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân đến công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều ngày càng được nâng cao. Dù vậy, vẫn còn số ít trường hợp vi phạm chưa được xử lý, đặc biệt là vi phạm ở các bến bãi kinh doanh vật liệu ngoài bãi sông. Những vi phạm này diễn ra ở nhiều địa phương và tồn tại trong nhiều năm. Việc xử lý gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Thời gian tới, UBND tỉnh và ngành chức năng cần quan tâm xử lý dứt điểm các vi phạm trên để bảo đảm an toàn công trình đê điều.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay xử lý vi phạm đê điều