Mặc dù đã kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe cơ giới, nhưng trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện lại bị bỏ ngỏ...
Cán bộ Trạm Kiểm soát giao thông Hải Dương kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe trên quốc lộ 5
Ảnh: Thành Chung
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đang được thực hiện quyết liệt tại các tuyến quốc lộ trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc kiểm tra nồng độ cồn chưa được quan tâm trên các tỉnh lộ, đường huyện và đường giao thông nông thôn.
Kiên quyếtCùng đi với các chiến sĩ Trạm Cảnh sát giao thông Hải Dương chúng tôi mới thấy hết những khó khăn trong xử lý vi phạm nồng độ cồn. Khi phát hiện lái xe ô-tô hiệu Innova biển kiểm soát 30A-145.36 có dấu hiệu đã sử dụng rượu bia, lực lượng công an ngay lập tức đề nghị anh này xuống xe để kiểm tra nồng độ cồn. Lúc này, 5 người khác trên xe cũng xuống xe "hùa" cùng lái xe viện mọi lý do để xin không phải kiểm tra. Phải mất gần 30 phút, lực lượng chức năng mới thuyết phục được lái xe này chấp hành kiểm tra. Trước khi thổi, lái xe này còn uống vài chai nước với mục đích “pha loãng” nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra, lái xe Nguyễn Đình Long, sinh năm 1982 ở xã Hiệp Cát (Nam Sách) có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt số tiền 12,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng. Chiếc xe vi phạm cũng bị tạm giữ.
Trung tá Đỗ Quốc Tuấn, Trạm phó Trạm Cảnh sát giao thông Hải Dương cho biết: “Chế tài phạt tiền đối với vi phạm nồng độ cồn cao nên hầu hết các lái xe đều tìm đủ mọi cách để chây ỳ, trốn tránh kiểm tra. Do những người vi phạm có hơi men trong người nên đơn vị quán triệt các cán bộ, chiến sĩ phải vừa kiên quyết, vừa kiên nhẫn thuyết phục thì họ mới chịu chấp hành kiểm tra”.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), trong đợt cao điểm kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn từ ngày 15-12-2014 đến ngày 31-1-2015, đơn vị đã kiểm tra trên 7.000 lái xe, xử lý 147 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 693 triệu đồng. Tất cả các trường hợp trên đều bị tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe theo quy định. Đại úy Trần Hoài Nam, Đội trưởng Đội Tham mưu, tổng hợp (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh) cho biết: “Điểm mới trong đợt cao điểm này là lực lượng chức năng áp dụng phương pháp kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh”. Để kiểm tra được số lượng nhiều và không mất thời gian, các lái xe sẽ được kiểm tra nhanh trong hơi thở có cồn hay không. Nếu phát hiện lái xe đã sử dụng rượu bia thì cảnh sát giao thông mới yêu cầu xuống xe để đo xác định mức độ vi phạm, nếu không sử dụng thì sẽ được đi ngay”.
Từ nay đến hết tháng 2, bên cạnh việc đẩy mạnh tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, các đơn vị thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt tiếp tục tăng cường xử lý người điều khiển xe cơ giới vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ: 5, 18, 37 và 38B. Thời gian kiểm tra tập trung vào buổi trưa và chiều tối tất cả các ngày trong tuần.
Cần thực hiện đồng bộ Khác với kiểm tra, xử lý kiên quyết vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ, việc kiểm tra, xử lý lỗi vi phạm này tại các huyện, thị xã và thành phố rất yếu. Số lượng trường hợp bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn đến nay rất khiêm tốn. Thậm chí, có những địa phương từ đầu năm đến nay chưa xử lý trường hợp vi phạm nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. “Máy kiểm tra nồng độ cồn trang cấp cho lực lượng cảnh sát giao thông các huyện hiện đã cũ, không đáp ứng yêu cầu kiểm tra hiện nay. Để có kết quả chính xác, lực lượng chức năng phải yêu cầu người vi phạm ngậm ống thổi và thổi đúng kỹ thuật nên rất phiền phức. Nhiều người còn lý sự là mất vệ sinh nên không chấp hành”, một cán bộ cảnh sát giao thông huyện cho biết. Thực tế hiện nay việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn cũng rất phức tạp. Người vi phạm thường không tỉnh táo, chống đối quyết liệt, thậm chí còn lăng mạ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Vì vậy, còn hiện tượng lực lượng chức năng chưa xử lý quyết liệt đối với vi phạm này.
Điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia thường kéo theo nhiều vi phạm khác như: vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Để kiềm chế hiệu quả tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương cần tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với vi phạm nồng độ cồn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, khi việc sử dụng bia, rượu của mọi người sẽ thường xuyên và phổ biến hơn.
HẠO NHIÊN