Mảnh giấy bạc là tiểu thuyết của nhà báo Nguyễn Thị Thu Thủy, hiện công tác ở Báo Vĩnh Phúc, Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới xuất bản. Tác phẩm viết về đề tài tình báo quân sự. Nhân vật chính là đại tá Phan Mạc Lâm và đồng đội, từng hoạt động dưới quyền Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đã có lần Đại tướng vỗ vai ông và nói với mọi người có mặt: "Đất nước mình đã thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trong chiến công chung có công sức của anh em chúng ta. Đảng và nhân dân luôn nhớ đến chiến công của những người lính tình báo". Mảnh giấy bạc chính là một cách vinh danh những người chiến sĩ đặc biệt ấy.
Tiểu thuyết đã dựng lại bối cảnh nhân dân cả nước ta phải chịu nhiều hy sinh xương máu trong cuộc đấu tranh giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám 1945, tiến hành hai cuộc kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Các nhân vật nói chung đều có thực, tuy tác giả có hư cấu một số tình tiết. Ngoài nhân vật chính Phan Mạc Lâm, còn có nhiều thế hệ cán bộ ngành này như Cao Pha, Bùi Huy Bê, Nghiêm Xuân Hiếu, Lê Văn Tiến, Nguyễn Duy Căn, Huỳnh Đức Nghĩa… Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài xuất hiện ở nhiều trường hợp có tính chất bước ngoặt của cuộc chiến đấu. Nhân vật phản diện có Hương, Quế, nhiều tình báo, tướng lĩnh, giặc lái Mỹ. Chúng gài gián điệp ở ngay Hà Nội trong vai y tá, người sửa xe đạp vỉa hè…
Chương I mở ra khá hấp dẫn. Một chiến sĩ tình báo bị thương phải nằm điều trị, nhưng hằng ngày vẫn dịch tài liệu từ bọn giặc lái bị bắt, có lần trao đổi trực tiếp bằng ngoại ngữ với cán bộ của cơ quan, trước mặt người nữ y tá xinh đẹp ngày đêm chăm sóc người bệnh. Rồi một lần, ông kín đáo luồn "mảnh giấy bạc" vào trong áo gối. Hành vi ấy không qua mắt người nữ y tá. Ngay sau đó, ông được tăng liều thuốc ngủ và "mảnh giấy bạc" lọt ra ngoài. Tài liệu đặc biệt ấy được đưa cho người sửa xe đạp ngoài phố. "Thời gian chưa đầy mười lăm phút. Chừng ấy cũng đủ để thị hoàn thành nhiệm vụ". Đến chương cuối cùng của cuốn sách thì cái nút của câu chuyện được cởi ra. Các chiến sĩ quân báo đã ra tay. "Mảnh giấy bạc" thực chất là một thông tin giả do cơ quan quân báo cố tình sắp đặt làm lạc hướng phán đoán của tình báo Mỹ. Đó là một "trận đánh", ta đã giành thắng lợi, được thể hiện trong chiến dịch 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972.
Các chương khác của tiểu thuyết đã bám sát các sự kiện trong cuộc đời chiến sĩ quân báo Phan Mạc Lâm, từ lúc là thanh niên mới lớn cho đến khi là cán bộ già dặn, năng động trong tổ chức quân báo cách mạng. Nhiều chân dung kẻ thù, nhất là giặc lái Mỹ có tên tuổi, lần đầu tiên được mô tả, khẳng định rõ sự mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ ta và vạch rõ sự nham hiểm của giới cầm quyền Mỹ đối với các binh lính dưới quyền họ. Các tù binh Mỹ đều cảm phục cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Những trang nói về cuộc rải thảm B52 thật hồi hộp, căng thẳng và chứng tỏ sự sáng suốt của Trung ương đã đập tan ý đồ đen tối của giặc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.
Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng tiểu thuyết, song với nguồn tư liệu phong phú, tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Thủy là một đóng góp vào nền văn học cách mạng và kháng chiến, nhất là đề tài tình báo quân sự, cho đến nay vẫn còn ít được đề cập đến.
VƯƠNG BẠCH