Chương trình thời sự trên vô tuyến đã phát được một lúc mà vẫn không thấy bà Lương sang xem. Chả là bà "nghiện" xem chương trình này như người ta nghiện ăn trầu thuốc. Không tối nào bà vắng mặt ở nhà tôi, dù mưa hay gió rét. Từ hồi bố mẹ tôi còn sống vẫn mở một lối đi thông giữa hai nhà qua hàng rào trồng cây râm bụt phủ đầy dây tơ hồng vàng chóe. Sau ngày bố mẹ tôi mất, mối thâm tình giữa bà với gia đình tôi vẫn như xưa.
Bây giờ bà Lương già hơn trước nhiều lắm, bước đi chậm chạp, run rẩy hơn. Tôi nhắc vợ: "Em chạy ù qua xem bà có ốm đau gì không mà giờ này không thấy sang". Vợ tôi "vâng" một tiếng, quay vào buồng mặc thêm chiếc áo khoác cho khỏi lạnh, rồi rảo bước sang nhà bà Lương. Chừng vài phút sau, tôi nghe tiếng vợ tôi gọi giật giọng: "Anh Mạnh ơi! Bà Lương bị cảm". Tôi vội lao sang. Thì ra vừa vào đến cửa, vợ tôi đã nghe tiếng bà Lương rên hừ hừ. Vợ tôi bước lại gần, đưa tay đặt lên trán bà. Người bà Lương nóng như lò than. Tôi mắc màn, đắp chăn cho bà rồi quay ra khép bớt cửa sổ, cửa ra vào cho bớt gió. Vợ tôi tất tưởi chạy về bật bếp ga luộc quả trứng gà. Xong xuôi lại cầm đèn pin ra vườn hái nắm tía tô, lá húng, rau răm... Trứng chín, vợ tôi đặt luôn nồi cháo lên và dặn: "Anh trông chừng nồi cháo. Em sang đánh cảm cho bà" lát sau cháo chín. Mùi cháo bay lên thơm phức. Chỉ ngửi thôi đã muốn ăn rồi. Vợ tôi cẩn thận còn đập thêm quả trứng gà nữa. Sau khi được đánh cảm, bà Lương có vẻ tỉnh hơn. Vợ tôi ân cần bón cho bà từng thìa cháo. Ăn xong bát cháo nhỏ, người bà Lương vã mồ hôi. Vợ tôi không quên lấy chiếc khăn tắm lau khô khắp người bà, bà Lương dần hồi sức. Bà thều thào: "Cám ơn hai cháu. Nếu hôm nay hai cháu không sang kịp thời, có lẽ bà nguy mất". Tôi nhẹ nhàng: "Có chi đâu hả bà. Con định thế này, nếu có điều gì không phải mong bà bỏ qua cho. Bấy lâu nay vợ chồng con coi bà như mẹ đẻ. Bà già yếu, mỗi lần thời tiết thay đổi lại ốm đau. Thấy bà ở một mình thế này thật tình chúng con chả yên tâm chút nào. Nếu bà không chê nhà chúng con chật hẹp, con mời bà sang ở với các con các cháu để tiện bề chăm sóc". Bà Lương xúc động. Đôi mắt già nua chớp chớp liền mấy cái: "Cám ơn các cháu đã quan tâm tới bà. Nhưng như thế thì phiền các cháu quá. Bà còn đủ sức để xoay xỏa được. Các cháu đừng ngại". Vợ tôi vội đỡ lời: "Vậy vợ chồng con không dám ép. Nhưng từ nay, buổi tối con cho cháu Linh sang đây học bài rồi ngủ luôn với bà cho vui". Bà Lương gật đầu: "Thế thì bà đồng ý cả hai tay".
Tuổi già như ngọn đèn dầu mong manh trước gió. Dạo này bà Lương đau ốm luôn. Gã hàng xóm liền kề có cái tên là Thâm, từ ngày mua được ngôi nhà nông choèn ở mặt đường phía bên kia vẫn ấp ủ giấc mộng "mở mang bờ cõi" về phía sau. Nếu toại nguyện thì ngôi nhà gã đang ở sẽ tăng giá trị lên vài tỷ đồng nữa. Vì vậy gã rất cay cú muốn mua nhà bà Lương, dẫu có đắt thêm vài ba trăm triệu cũng chẳng sao. Gã thường xuyên vào ra thậm thụt nhà bà Lương. Nhân lúc vợ chồng tôi đi làm, gã mò sang nói với bà Lương: "Dạo này con trông cụ có vẻ kém sắc lắm. Chắc ăn uống kham khổ quá đây mà. Con đề nghị thế này: Cụ cứ bán quách ngôi nhà này cho con lấy tiền bồi dưỡng tẩm bổ. Con chưa lấy đất, lấy nhà ngay đâu. Cụ đừng lo. Cụ cứ ở. Anh chị Mạnh và các cháu cứ sang chăm sóc cho cụ. Đất và nhà vẫn là của cụ. Bà Lương hỏi lại: "Chẳng lẽ anh chị bỏ tiền ra cho không tôi à?". Gã cười to: "Cụ ơi! Thời buổi này làm gì có chuyện cho không. Con mua đất của cụ là lo cho tương lai của các cháu sau này. Còn hiện tại, cụ cứ ở. Khi nào cụ về chầu tiên tổ, con mới dám lấy. Cụ nghĩ mà xem, lời con nói có hợp tình hợp lý không? Cụ vẫn có nhà ở, lại có tiền bồi dưỡng. Có khi cụ thọ thêm cả chục tuổi nữa không chừng. Nói nhỏ với cụ, tiền tỷ đấy. Nếu cụ đồng ý, ngay tối nay con mang tiền sang. Con mời thêm cả vợ chồng anh Mạnh nữa". Bà Lương kiên quyết: "Tôi xin anh đừng nói chuyện mua bán ở đây". Gã hiểu rằng chỉ có thể nói chuyện với vợ chồng tôi, người thân duy nhất của bà Lương, mới may ra xoay chuyển được tình thế. Tiếc thay, mấy năm trước, vợ gã với vợ tôi đã chửi nhau một trận tơi bời khói lửa. Từ đó hai bà vợ "cạch" mặt nhau. Chả biết bụng dạ vợ gã nghĩ sao chứ vợ tôi hễ nhắc đến vợ chồng nhà Thâm đã muốn "lộn ruột". Vài ba lần Thâm đi lại qua cửa nhà tôi như có công việc gì. Nhìn thấy tôi, gã mau mắn chào, hỏi dăm ba câu chuyện xã giao lấy lòng. Một hôm gã vỗ vai tôi tỏ vẻ thân mật: "Ông Mạnh này. Cánh mình là đàn ông, chuyện của các bà vợ ta cứ vứt quách nó vào sọt rác. Chứa những thứ ấy trong đầu chỉ tổ mệt!. Nói xong gã cười khơ khớ. Gã hỏi: "Con Thảo nhà ông đang học đại học năm thứ ba hả? Khá tốn kém đấy! Tôi biết. Tôi biết. Lại còn sau này ra trường tìm kiếm công ăn việc làm nữa chứ. Bỏ rẻ cũng phải tiền trăm. Trăm đây là trăm triệu ấy. Mà hoàn cảnh nhà ông vợ chồng ba cọc ba đồng thì...". Gã bỏ lửng. Tôi hiểu đằng sau câu nói tưởng như than vãn, tưởng như cảm thông kia là điều kiện gì. Đúng là giọng lưỡi con buôn. Gã làm như ai cũng tối mắt khi nhìn thấy tiền. Từ lâu gã đã đánh tiếng nhắn nhe với tôi: Nếu tác động được bà Lương bán nhà, gã sẽ thưởng cho tôi cả trăm triệu. Dù có túng thiếu, dù phải thắt lưng buộc bụng" tôi cũng không bao giờ làm thế.
Vào một đêm giá rét, bà Lương bị tai biến nên liệt nửa người. Từ đó vợ chồng tôi và các con thay nhau chạy đi chạy lại như con thoi. Hết việc nhà mình lại qua nhà bà Lương đỡ đần cơm nước giặt giũ thuốc thang như đối với người mẹ đẻ. Mọi người trong xóm tấm tắc nói với bà Lương: "Cụ có người hàng xóm tốt bụng quá! Con đẻ có khi cũng chẳng chu đáo bằng". Vợ tôi khiêm tốn: "Trước đây, khi bà còn khỏe, vợ chồng cháu bận đi làm cả ngày, ba đứa con cháu một tay bà trông nom, tắm rửa. Có bà ở gần cũng yên tâm, khỏi lo trộm đạo. Nay bà đau yếu, vợ chồng cháu tự thấy phải có trách nhiệm". Gã Thâm cũng sang hỏi thăm. Gã mang nhiều quà lắm. Toàn loại quý hiếm. Gã thủng thẳng nói: "Bệnh của cụ nếu được đưa ra nước ngoài chữa chạy ít bữa khỏi ngay. Nếu được cụ đồng ý, ngay ngày mai con sẽ đưa cụ đi". Bà Lương cố ngẩng đầu lên hỏi: "Chắc không có điều kiện nào chứ? Hả anh Thâm!". Vợ gã đứng bên xun xoe: "Dạ thưa cụ. Cho đến giờ phút này, lời đề nghị của chúng con năm nào vẫn còn để ngỏ. Cụ có thể đồng ý bằng miệng cũng được. Có bà con ở đây làm chứng. Di chúc miệng vẫn có hiệu lực trước pháp luật". Bà Lương từ từ ngả hẳn đầu xuống gối: "Thì ra là thế đấy!". Không gian trong nhà im ắng. Bốn con mắt của vợ chồng nhà Thâm đăm đăm nhìn bà Lương. Vợ chồng gã chuẩn bị đón tin vui mà gã ấp ủ từ ngày về xóm này. Gã tin đứng trước tử thần ai chả sợ chết. Hơn nữa bà Lương đang sống dở chết dở bỗng nhiên được cứu sống chắc chả tiếc thứ gì. Gã "nhất cử lưỡng tiện", vừa mua được nhà, vừa được cái ơn đưa bà Lương đi nước ngoài chữa bệnh. Điều kiện vợ chồng gã đưa ra phần lợi hoàn toàn thuộc về bà Lương. Gã tin vào điều ấy như tin vào hai bàn tay của mình có mười ngón. Gã yên tâm chờ đợi. Tiếng bà Lương nhỏ, đều đều, nhưng rành rẽ: "Năm nay tôi ngót chín mươi tuổi, có về với tổ tiên cũng không ân hận điều gì. Chỉ thương nhà Mạnh, nào vợ chồng, nào con cái vất vả quá lâu vì bệnh tật của tôi. Tôi không đi chữa bệnh ở đâu hết. Anh Thâm đừng nói chuyện mua bán. Tôi đã có chủ ý từ lâu rồi". Cặp mắt mở to của gã hàng xóm đầy vẻ ngạc nhiên. Gã tưởng tai mình nghe nhầm. Trời ơi! Sao trên đời này lại có người chê tiền? Thật lạ. Không thể tin nổi.
Sáng hôm sau chẳng biết từ đâu, đến chiều thì cả làng cả xã đều rộ lên cái tin: Bà Lương cho vợ chồng tôi thửa đất đang ở. Người khen bà Lương tốt bụng, ơn huệ phân minh. Người lại chê bà Lương gàn dở. Tự nhiên vợ chồng tôi bị lôi vào cuộc như một tác nhân chủ yếu. Dù điều này được dự tính từ trước nhưng cũng không khỏi gây cho vợ chồng nỗi bực bội trong lòng. Như mấy năm trước, vợ tôi lại chạy lên tầng hai, phóng ra ban công, hai tay chống nạnh như chiếc bình gốm cổ, chõ sang nhà Thâm, chửi đổng. Lần này cô vợ Thâm không ra mặt, nên cuộc chiến "đơn phương" cũng nhanh chóng kết thúc. Gã hàng xóm nhìn tôi, nhếch một bên mép, cười đểu: "Tôi biết tỏng ý đồ xấu xa của ông từ ngày tôi mới về xóm. Xin bái phục kê hoạch nằm vùng của đại ca. Đại ca cứ mạnh dạn giữ lấy. Khi nào cần tiền cho ba con vịt giời ăn học, chỉ cần gõ mạnh vào tường nhà tôi ba tiếng, miệng đọc câu thần chú: Vừng ơi! mở của ra. Thế là có tiền ngay. Tiền tỷ đấy, đại ca ạ". Tôi không thèm đáp lời gã.
Bà Lương nằm liệt giường như thế chừng một năm thì mất.Vì bà không có người thân nên xã đứng ra lo liệu tang ma. Mấy tuần sau, khi những ngọn cỏ xanh bắt đầu phủ trên nấm mộ của bà Lương thì tôi nhận được giấy của xã mời lên làm việc. Chị Đào, Phó Chủ tịch UBND xã, chờ tôi ở ủy ban theo giấy hẹn. Chị niềm nở tươi cười. Có lẽ nhìn vẻ mặt ngỡ ngàng đến căng thẳng vô cùng của tôi nên chị Đào bảo ngay: "Không có chuyện gì đâu, anh Mạnh ạ. ủy ban xã mời anh lên chỉ để thông báo một việc thôi". Tôi ngạc nhiên. Quái lạ, gia đình tôi làm gì có chuyện liên quan đến ai cơ chứ. Xưa nay gia đình tôi luôn chấp hành mọi quy định của xã. Tôi chợt nghĩ đến mới rồi vợ tôi đứng trên ban công nhà mình chửi đổng thiên hạ thối mồm mà thấy lòng ngao ngán. Đúng là đàn bà. Chẳng chịu suy nghĩ đắn đo trước sau gì hết. Bực lên là chửi vung tý mẹt. Thôi cứ xin lỗi vị đại diện ủy ban một câu. Nghĩ vậy tôi định mở lời. Bỏ mặc tôi ngồi nơi bàn tiếp khách, chị Đào bước lại tủ đựng hồ sơ rút ra một tập giấy đầy chữ. Chị Đào cẩn thận đọc lướt qua rồi trao cho tôi. Chị bảo: "Anh xem trước đi rồi ta sẽ trao đổi cụ thể". Cầm tập hồ sơ mỏng dính trong đầu tôi đã thoáng nghĩ đến gã Thâm. Có thể gã kiện tôi. Nhưng gã kiện vì lỗi gì nhỉ? Thấy tôi lưỡng lự, chị Đào giục: "Anh xem đi". Tôi cúi mặt xuống đọc. Thì ra đó là bản di chúc của bà Lương không biết bà nhờ ai viết trước khi bà ngã bệnh hai năm. Trong bản di chúc đó có chữ ký của người làm chứng, có chữ ký như giun bò và dấu điểm chỉ bằng ngón trỏ tay phải của bà Lương. Cuối cùng là xác nhận bản di chúc hợp pháp của công chứng địa phương. Nội dung của bản di chúc là bà Lương chuyển giao toàn bộ số đất thổ cư và tài sản trên đất của bà cho vợ chồng tôi thừa kế. Tôi sững sờ: "'Thế này là thế nào? Tại sao việc lớn tày đình mà vợ chồng tôi hoàn toàn không biết chút gì hết?". Chị Đào giải thích: "Bà cụ Lương sợ vợ chồng anh từ chối nên đã nhờ tôi giữ hộ giấy tờ. Bây giờ tôi trả lại cho anh. Đây là bản di chúc đúng pháp luật. Anh chị cứ yên tâm sử dụng". Tôi lắc đầu: "Yên tâm thế nào được. Khi xưa tôi nghe rất rõ, bà Lương có ý nguyện trả lại xã thửa đất ấy sau khi bà mất. Nay bỗng nhiên chuyển sang tôi. Rồi khắp làng trên xóm dưới sẽ đồn rầm lên rằng vợ chồng tôi lợi dụng lòng tốt của bà Lương để chiếm đoạt đất đai. Không có chuyện này vợ chồng tôi đã đau đầu lắm rồi. Hẳn chị Đào chưa quên mấy năm trước, vợ tôi với vợ gã Thâm đã xảy ra trận đấu khẩu mấy ngày liền. Nếu không có chị trưởng thôn đến hòa giải thì chỉ có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng tôi chăm sóc bà Lương phần vì trả cái ơn trước đây bố mẹ tôi, sau đến vợ chồng tôi đã vay của bà. Phần nữa vì tình làng nghĩa xóm không thể bỏ nhau khi hoạn nạn. Thế thôi. Chứ không vì bất cứ điều kiện gì". Chị Đào có vẻ bất ngờ trước câu nói của tôi. Chị hỏi: "Vậy theo ý anh sẽ giải quyết thế nào với bản di chúc này?". Tôi không cần đắn đo, hỏi lại chị Đào cho chắc chắn: "Vừa rồi chị nói vợ chồng tôi có toàn quyền sử dụng thửa đất cũng như nhà ở của bà Lương phải không?". Chị Đào gật đầu: "Đúng vậy". Tôi tiếp lời: "Bây giờ tôi về bàn với vợ, hẹn chị sáng mai sẽ trả lời cụ thể. "Thuận vợ thuận chồng biển đông tát cạn mà chị". Chị Đào cười, nói vui: "Anh Mạnh nói cứ như sách".
Sáng hôm sau, tôi đến ủy ban xã rất sớm. Vẫn chị Đào đón tiếp tôi niềm nở. Không chờ chị Đào hỏi, tôi nói ngay: "Thế này chị Đào ạ. Lâu rồi xã ta không có nhà trẻ, toàn phải nhờ gia đình nhà dân, vừa chật chội, vừa nóng bức. Khổ các cháu quá. Gần đây tôi nghe nói trên cho xã ta một số tiền để xây nhà mẫu giáo, nhưng còn đất chưa biết lấy ở đâu ra. Tối qua vợ chồng tôi thống nhất rồi, nay tôi báo cáo với chị. Thửa đất thổ cư của bà Lương di chúc cho vợ chồng tôi, chúng tôi xin hiến đất cho xã xây dựng nhà mẫu giáo. Thủ tục giấy tờ phải làm như thế nào, mong chị hướng dẫn cụ thể". Chị Đào vui vẻ nói: "Giữa thời buổi tấc đất tấc vàng thế này mà anh chị hiến đất cho các cháu cả một thửa đất rộng, tấm lòng thơm thảo của anh chị thật đáng trân trọng. Thay mặt ủy ban xã, tôi cảm ơn anh chị nhiều lắm".
Bước ra khỏi văn phòng ủy ban, lòng tôi thanh thản vô cùng. Tôi chợt nghĩ đến gã Thâm với con mắt nhìn tôi "mang hình viên đạn". Và tôi cũng nhìn thấy một ngày không xa nữa, khi nhà mẫu giáo hoàn thành, tiếng trẻ bi bô tập hát, đọc thơ vang lên ríu rít như đàn chim non, làm ấm lòng bà con trong thôn.
TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN SỸ ĐOÀN