Các cơ quan chức năng cần chủ động thông tin chính thống để định hướng dư luận nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi thông tin sai trái, bịa đặt trên internet và mạng xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Quy định "Về việc các cấp ủy, tổ chức đảng phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Để hiểu rõ hơn về quy định này, phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Nhang, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.
- Việc bảo đảm an toàn cho người tham gia góp ý, người phản ánh, cung cấp thông tin theo quy định này và trách nhiệm quản lý, bảo mật những thông tin đã tiếp nhận và đang xác minh, giải quyết được thực hiện thế nào, thưa đồng chí?
- Ngày 27.7.2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Quy định số 07-QĐi/TU "Về việc các cấp ủy, tổ chức đảng phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Theo quy định này, nhân dân có thể góp ý với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức, trong đó có các hình thức công khai rộng rãi tại các cuộc họp. Việc bảo đảm an toàn cho người tham gia góp ý, người phản ánh, cung cấp thông tin, trách nhiệm quản lý, bảo mật những thông tin đã tiếp nhận và đang xác minh, giải quyết được thực hiện theo quy định của Luật Tố cáo 2011 và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo. Theo đó, luật xác định trách nhiệm chính trong bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Đồng thời cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ và các nội dung cơ bản về bảo vệ người tố cáo như bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ tại nơi công tác, nơi làm việc, nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.
- Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rất nhiều hình thức công khai, giám sát, góp ý, song chưa nói rõ về mạng xã hội. Xin đồng chí giải thích rõ hơn?
- Sử dụng mạng xã hội để mở rộng và kết nối thông tin giữa các cơ quan chính quyền với người dân đang là xu hướng được nhiều quốc gia áp dụng. Gần đây, nhiều đường dây nóng về y tế, giáo dục, giao thông, cải cách hành chính hay các trang mạng xã hội của một số cơ quan, tổ chức nhà nước ra đời nhằm tiếp nhận phản hồi, góp ý của người dân đã được dư luận đánh giá cao. Chính từ kênh kết nối này, nhiều sự việc được chính quyền biết và giải quyết kịp thời, hợp lòng dân. Do đó, mạng xã hội có thể coi là một kênh giám sát, góp ý dư luận xã hội hiệu quả, từ đó giúp cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe những ý kiến tham gia góp ý của nhân dân và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống, nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay trên một số trang mạng xã hội xuất hiện không ít thông tin sai trái, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước; xúc phạm đến danh dự các đồng chí cán bộ, đảng viên đã và đang giữ các trọng trách cao trong hệ thống chính trị, trong lực lượng vũ trang. Do đó, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nâng cao nhận thức và biết sàng lọc thông tin. Các cơ quan chức năng cần chủ động thông tin chính thống để định hướng dư luận, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm đấu tranh ngăn ngừa, đẩy lùi thông tin sai trái, bịa đặt trên internet và mạng xã hội.
- Quy định của Tỉnh ủy không yêu cầu phải công khai bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... của đảng viên tại nơi cư trú. Vì sao tỉnh không đặt ra vấn đề này trong khi vai trò giám sát của nhân dân ở nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên đang công tác rất quan trọng?
- Theo quy định, mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng 1 bản cam kết, chương trình hành động, kế hoạch tu dưỡng hằng năm. Bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cá nhân về các nội dung trên gửi về cấp ủy cơ sở nơi cán bộ, đảng viên sinh hoạt và công tác trước ngày 31.1 hằng năm để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Các quy định, hướng dẫn của Trung ương không yêu cầu phải công khai các bản đăng ký này tại nơi cư trú. Tuy nhiên với Quy định 76 của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú thì cấp ủy nơi đảng viên cư trú có thể tiếp nhận thông tin giám sát của nhân dân về sự gương mẫu, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú. Nếu cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện chưa tốt, chưa gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú thì qua phiếu lấy ý kiến hằng năm, chi ủy, đảng ủy cơ sở có thể phản ánh với chi ủy, cấp ủy nơi đảng viên công tác về vấn đề này.
Nhân dân ở nơi cán bộ, đảng viên cư trú cần giám sát, góp ý có thể liên hệ với cấp ủy, tổ chức đảng nơi đảng viên đang sinh hoạt, công tác để tìm hiểu, trao đổi… Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho nhân dân.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRUNG THU(thực hiện)