Mạng xã hội - con dao 2 lưỡi. Bài 2: Hậu quả khôn lường

10/08/2017 08:09

Thông tin trên thế giới ảo nhưng đã trở thành hệ lụy thật. Đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng cũng chỉ vì những thông tin thất thiệt...




Vụ bắt giữ người trái phép, đốt xe ô tô do nghi ngờ thôi miên bắt cóc trẻ em xảy ra ở thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc
 (Thanh Hà) là hậu quả của những tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội. Ảnh do cơ quan công an cung cấp


Những thông tin đưa lên mạng xã hội (MXH) có thể đơn giản chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, hiếu thắng, sự bông đùa của ai đó hoặc là phục vụ một mục đích cá nhân nào đó, nhưng với cộng đồng thì nó lại là căn nguyên của những lo sợ, sự xáo trộn hay tổn thất rất lớn.

"Câu like"

Mấy ngày qua, người dân phường Thanh Bình (TP Hải Dương) hoang mang trước tin đồn có 2 thanh niên bắt cóc một đứa trẻ đang chơi trước cửa nhà ở khu dân cư Bình Lộc. May mắn đúng lúc đó, anh trai cháu bé phát hiện nên hai đối tượng đi xe máy bỏ chạy. "Câu chuyện được truyền từ người này sang người khác, rồi được chia sẻ trên MXH nhưng thực tế không có chuyện đó", một người dân sống cạnh nhà cháu bé bị đồn bắt cóc khẳng định.

Trước đó, Công an tỉnh đã triệu tập chủ 2 tài khoản Facebook đưa thông tin thất thiệt việc xảy ra bắt cóc trẻ em trên địa bàn tỉnh lên MXH. Ngày 26.6, tài khoản Facebook "Thu Hoai" của Đàm Thị Hoài (sinh năm 1989, trú tại khu 2, phường Thạch Khôi, TP Hải Dương) làm nghề bán hàng online đăng tải nội dung xảy ra bắt cóc trẻ em tại phường Thạch Khôi.

Ngày 14.7, tài khoản Facebook "Anh Lan" của Trần Thị Lan Anh (sinh năm 1988, trú tại khu 5, phường Hải Tân, TP Hải Dương) đăng tải xảy ra vụ việc bắt cóc trẻ em ở gần nơi mình ở. Đại tá Bùi Xuân Hùng, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) khẳng định không có các vụ việc bắt cóc trẻ em xảy ra như trên mạng đăng tải thời gian gần đây. Tại cơ quan công an, cả 2 chủ tài khoản Facebook cho biết chỉ nghe người khác kể lại hoặc đăng để mọi người nâng cao cảnh giác mà không nghĩ đến hậu quả.

Nhiều người cho rằng không loại trừ khả năng chủ những tài khoản Facebook tung tin giật gân để "câu like" với mục đích đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng. Không ít người bày tỏ sự hoang mang, lo sợ khi mỗi ngày lên mạng lại bắt gặp những thông tin tiêu cực khiến họ không biết đâu là thực, đâu là ảo. "Để thu hút lượt xem cho kênh thông tin của mình, người ta không từ thủ đoạn nào, thậm chí việc làm của họ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hàng nghìn người", anh Phạm Đăng Trường, Chủ tịch Câu lạc bộ IT TP Hải Dương chia sẻ.

Ngày 22.7, nhiều người dân lo lắng trước thông tin, hình ảnh máy bay rơi tại sân bay Nội Bài từ một tài khoản Facebook. Sự việc này khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh điều tra. Kết quả cho thấy chủ tài khoản đã hành động với mục đích "câu like" nhằm phục vụ cho việc bán hàng online của mình. Ngày 14.7, clip về một chủ quán trà đá ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) dùng nước rửa chân pha trà cho khách cũng gây bức xúc trong dư luận. Thực chất, đây là màn dàn dựng, chiêu trò nhằm "câu like" cho Facebook từ một cửa hàng làm tóc.

Không chỉ tung tin giả để "câu like", nhiều người còn lợi dụng MXH để triệt hạ lẫn nhau trong kinh doanh. Nhiều cửa hàng đang kinh doanh hiệu quả bỗng chốc bị loan tin trên mạng là "doanh nghiệp ma" khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. MXH từng chứng kiến “chiến dịch” kêu gọi “tẩy chay” một hãng đồ uống do sản phẩm bị tố có ruồi hay bài trừ các sản phẩm có hình ảnh một cô ca sĩ làm đại diện sau nghi án cô này là “người thứ ba” phá vỡ hạnh phúc của gia đình một đại gia.

Nhiều vụ việc đau lòng


Những thông tin thất thiệt đưa lên mạng hay những chiêu trò "câu like" rẻ tiền đã khiến nhiều người khốn đốn. Chỉ cần một chút nghi ngờ, ngay lập tức họ bị người dân đánh đập, thậm chí hủy hoại tài sản.

Vụ nghi ngờ thôi miên để bắt cóc trẻ em dẫn đến việc bắt người trái phép, đốt xe ô tô xảy ra tại thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc (Thanh Hà) tối 20.7 vừa qua khiến nhiều người sốc nặng. Anh Trịnh Mạnh Hải, giám đốc một doanh nghiệp đóng ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cùng lái xe đi ô tô về quê vợ ở xã Tân Việt (Thanh Hà) chơi. Trên đường về, anh Hải ghé vào cửa hàng bán đồ gỗ ở thôn Đồng Hởi để mua một số vật dụng. Trong lúc đang xem hàng, chủ cửa hàng thấy chóng mặt, mệt mỏi, nghĩ mình bị thôi miên nên đã hô hoán người đến cứu.

Lúc đầu chỉ có vài chục người nhưng sau đó đã có gần 1.000 người không hiểu sự tình thế nào lập tức bắt giữ anh Hải và người lái xe vì cho rằng họ thôi miên để bắt cóc trẻ em. Một số đối tượng quá khích đã kích động lật xe ô tô của anh Hải xuống ruộng rồi đốt. Vụ việc gây xáo trộn trong đêm khiến lực lượng công an phải rất vất vả mới ổn định được tình hình.

Sau gần 8 giờ giải quyết, công an mới đưa được các nạn nhân ra khỏi đám đông nhưng chiếc ô tô trị giá hơn 1 tỷ đồng của nạn nhân đã bị đốt cháy trơ khung. "Nghĩ lại vụ việc tôi vẫn thấy hoang mang, sợ hãi. Theo phản xạ, khi thấy trong người khó chịu, đầu óc choáng váng cộng với thông tin nhiều người đồn thổi trước đó có việc thôi miên, bắt cóc trẻ em nên tôi kêu mọi người đến hỗ trợ. Tôi không ngờ mọi việc diễn ra quá nhanh và quá phức tạp như thế", chị Lê Thị Hồng Quyên, chủ cửa hàng đồ gỗ nói.

Hai ngày sau, 2 phụ nữ lớn tuổi bán tăm ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng bị người dân vây đánh vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Theo kết quả xác minh của cơ quan công an, hai phụ nữ này là thành viên HTX Tình thương huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Trong khi đi bán tăm ở huyện Sóc Sơn, hai người phụ nữ hỏi một cháu bé có mua tăm không thì bị một người dân hiểu lầm là bắt cóc trẻ em nên hô hoán. Hàng chục người dân đã đánh trọng thương 2 phụ nữ. Trước đó không lâu, "cư dân mạng" cũng "biến" một người câm điếc ở Đồng Tháp thành kẻ bắt cóc trẻ em khi người này đội nón lá, dùng khăn che mặt có biểu hiện bất thường "hỏi không nói, gọi không thưa". Các vụ việc trên, cơ quan công an đều khẳng định không có chuyện thôi miên hoặc dụ dỗ để bắt cóc trẻ em.

Những thông tin bắt cóc trẻ em lan truyền chóng mặt trên MXH, nhiều clip, status được phát tán khiến người dân bất an, lo sợ, nhất là những gia đình có trẻ em. “Virus" lo sợ này lây lan nhanh chóng tạo thành một phản xạ phòng vệ bản năng của người dân, với tâm lý nghi ngờ bức xúc sẵn có cộng thêm sức mạnh đám đông đã gây ra các sự việc đáng tiếc như trên.

Thực tế, thông tin bắt cóc trẻ em chưa xuất hiện nhiều trên báo chí chính thống, nói vậy để thấy rằng thông tin chưa được kiểm chứng, thật giả lẫn lộn, có thể được một số người sử dụng MXH thiếu trách nhiệm đã thêm thắt để "câu like".

Thông tin trên thế giới ảo nhưng đã trở thành hệ lụy thật. Đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng cũng chỉ vì những thông tin thất thiệt và những nút like (thích), nút share (chia sẻ) vô cảm trên Facebook.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạng xã hội - con dao 2 lưỡi. Bài 2: Hậu quả khôn lường