Những ngày qua người dùng Internet trên khắp thế giới phải gánh chịu tình trạng tốc độ tồi tệ và nguyên nhân là một cuộc tấn công có quy mô lớn .
Giới chuyên gia Internet tiết lộ, đây có thể là cuộc chiến trả đũa nhau giữa một tổ chức chống thư rác và một hãng lưu ký (hosting).
Hiện tại, các vụ tấn công này mới chỉ ảnh hưởng đến các dịch vụ web thông thường nhưng giới chuyên gia dự báo trong những ngày tới, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn và các hệ thống mạng của ngân hàng và thư điện tử sẽ bị ảnh hưởng.
Ít nhất 5 lực lượng “cảnh sát Internet” cấp quốc gia đã được huy động để điều tra những cuộc tấn công này.
Spamhaus, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở đặt tại London và Geneva chuyên hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử ngăn chặn thư tác và các loại nội dung không được phép khác đã thiết lập một “danh sách đen” các máy chủ được coi là đang bị sử dụng để thực thi các hành vi mờ ám. Mới đây, Spamhaus đã quyết định chặn các máy chủ của Cyberbunker, một công ty hosting của Hà Lan với lý do những máy chủ này đang chứa chấp “đủ thứ độc hại” ngoại trừ nội dung khiêu dâm trẻ em và những tài liệu liên quan đến khủng bố.
Sven Olaf Kamphuis, phát ngôn viên của Cyberbunker đã tuyên bố Spamhaus đang lạm dụng vị trí của mình và những tổ chức như thế này không nên được trao quyền quyết định cái gì được phép hay không được phép đưa lên mạng Internet.
Theo tố cáo của Spamhaus, Cyberbunker đang hợp tác với các tổ chức tội phạm ở Đông Âu và Nga để tiến hành những cuộc tấn công quy mô lớn này.
Phát biểu với hãng tin BBC, ông Steve Linford, Tổng giám đốc của Spamhaus cho biết quy mô của các cuộc tấn công “lớn chưa từng thấy”.
“Chúng tôi đã bị tấn công trong suốt khoảng hơn 1 tuần nay. Nhưng chúng tôi sẽ trở lại. Chúng không thể hạ gục được chúng tôi. Các kỹ sư đang phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ bởi các cuộc tấn công kiểu này có khả năng làm tê liệt bất cứ hệ thống mạng nào”.
Ông Steve Linford còn tiết lộ, 5 cơ quan chống tội phạm mạng của các quốc gia khác nhau đã điều tra và phát hiện ra rằng những kẻ tấn công vẫn sử dụng biện pháp tuy cũ nhưng rất hiệu quả là “Tấn công từ chối dịch vụ phân tán” (DDoS) với khả năng gây “ngập lụt” mục tiêu bị tấn công bằng một lượng truy cập giả mạo vô cùng lớn và khiến mọi nỗ lực truy cập bình thường không thể thực hiện được nữa. Trong trường hợp này, hệ thống phân giải tên miền (DNS) trên các máy chủ của Spamhaus là nạn nhân.
Cũng theo ông Linford, các cuộc tấn công này dữ dội đến mức nó có thể đánh sập toàn bộ hệ thống mạng, cơ sở hạ tầng mạng Intenet của chính phủ Anh. "Nếu bạn chuyển hướng các cuộc tấn công này vào Downing Street (khu vực tập trung các cơ quan thuộc chính phủ Anh), họ sẽ mất khả năng truy cập Internet ngay lập tức", ông Linford cho biết.
Hiện nay, các cuộc tấn công đang đổ về một lượng truy cập lên tới 300 gb/s trong khi nếu cần hạ gục các ngân hàng lớn nào đó, những kẻ tấn công chỉ cần đến khoảng 50gb/s.
Arbor Networks, một hãng bảo mật chuyên chống tấn công DDoS cũng thừa nhận họ “chưa từng thấy một cuộc tấn công nào lớn như thế này trong lịch sử Intenet toàn cầu”.
"Vụ tấn công DDoS lớn nhất mà chúng tôi từng chứng kiến là 100 gb/s vào năm 2010 nhưng với mức 300 gb/s như hiện nay thì quả là khó tưởng tượng mức độ nghiêm trọng”, Dan Holden, giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu an ninh của hãng nói, “Mức độ thiệt hại và ảnh hưởng còn phụ thuộc vào hạ tầng mạng của từng quốc gia”.
Spamhaus ước tính chỉ có một số quốc gia có hệ thống hạ tầng mạng tốt mới có thể đương đầu được với các cuộc tấn công. Nhiều hãng Internet lớn trên thế giới trong đó có cả Google đang tích cực hỗ trợ Spamhaus nhằm “chia lửa” của các đợt tấn công.
"Điều lạ nữa là trong các đợt tấn công này, chúng không nhắm vào một mục tiêu cụ thể nào mà thay vào đó là đánh vào bất cứ hệ thống nào mà chúng cảm thấy có thể hạ gục được”, ông Linford cho biết.
Hiện Spamhaus có hơn 80 hệ thống máy chủ trên khắp thế giới.
Lam Giang(Infonet)