Do làm tốt công tác dự phòng nên các ca dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở tỉnh ta đạt tỷ lệ thành công 100%...
Tỷ lệ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể thành công gần 100%
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giúp bà mẹ nhiễm HIV có cơ hội làm mẹ của những đứa con không bị nhiễm HIV. Việc phát triển mạng lưới rộng khắp của chương trình này ở tỉnh ta đã mang lại hạnh phúc cho nhiều người cha, người mẹ bị nhiễm HIV.
Có thể thành công 100% nếu dự phòng tốtChị Nguyễn Thị Hồng ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) mang thai ở tháng thứ 5 mới phát hiện chồng nghiện ma túy. Tuy nhiên, chị không ngờ rằng anh bị nhiễm HIV và lây truyền sang cho vợ. Mãi đến khi chuyển dạ, vào bệnh viện xét nghiệm chị mới biết mình bị nhiễm HIV. Được sự động viên, hỗ trợ tư vấn, chăm sóc kịp thời của các cán bộ y tế và gia đình nên chị đã lấy lại tinh thần để chăm sóc và thực hiện các biện pháp dự phòng cho con. Mặc dù phát hiện và điều trị dự phòng muộn nhưng do tuân thủ điều trị tốt nên con trai chị đã không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Con trai chị hiện đã được 8 tháng tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh. Cảm động vì may mắn có con khỏe mạnh như những gia đình bình thường khác, chồng chị đã tự nguyện đăng ký điều trị nghiện ma túy bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, quyết tâm từ bỏ ma túy để chăm lo gia đình.
Vợ chồng anh Phạm Văn Bích và chị Hoàng Hải Yến cùng nhiễm HIV và tham gia hoạt động trong một nhóm hỗ trợ người có HIV trên địa bàn huyện Kinh Môn. Anh Bích cho biết: Vợ chồng tôi khao khát có một đứa con khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV từ lâu. Do hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực người có HIV nên vợ chồng tôi hiểu rõ về chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hơn nữa, qua tham khảo ý kiến của các bác sĩ, cán bộ ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, vợ chồng tôi đã quyết định có con và được hướng dẫn cách điều trị dự phòng rất kỹ lưỡng từ khi bắt đầu mang thai đến giai đoạn điều trị theo phác đồ dự phòng lây truyền mẹ con; các biện pháp an toàn khi chuyển dạ và sinh con; tư vấn dinh dưỡng khi mang thai và nuôi trẻ sau sinh. Sau sinh, con tôi còn được cấp một phần sữa ăn thay thế sữa mẹ trong 6 tháng đầu... Đến nay, cháu đã được gần 1 tuổi, qua xét nghiệm cháu không bị nhiễm HIV.
Trên đây là 2 trong tổng số 6 trường hợp điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đều thành công tại phòng khám ngoại trú ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh năm 2013.
Bác sĩ Đinh Thị Thúy Vân, Phó Trưởng khoa Khám bệnh và Tư vấn cho biết, từ năm 2013, bệnh nhân điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được chuyển về điều trị tại phòng khám. Trong 6 trường hợp khoa tiếp nhận thì có 4 trường hợp đang điều trị thuốc kháng vi-rút ARV và chủ động có thai, 2 trường hợp còn lại phát hiện nhiễm HIV trong thai kỳ. Thông thường, tỷ lệ điều trị dự phòng thành công có thể đạt từ 97-98%. Năm 2013, 100% các trường hợp tham gia điều trị dự phòng đều may mắn có kết quả xét nghiệm âm tính.
Để bà mẹ mang thai được dự phòng sớmHoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện được triển khai tại tỉnh ta từ năm 2008. Mỗi năm trong tỉnh có từ 10 - 15 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Song hiện nay, vẫn còn không ít phụ nữ mang thai nhiễm HIV nhưng lại không biết mình đã nhiễm bệnh hoặc phát hiện khi quá muộn có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị dự phòng. Nguyên nhân chủ yếu do sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS khiến những người có nguy cơ cao không muốn làm xét nghiệm. Nhiều phụ nữ nhiễm HIV được phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và chuyển dạ, vì vậy rất khó khăn trong việc tư vấn, chăm sóc, theo dõi và điều trị dự phòng...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tuy chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã bị các tổ chức quốc tế cắt nguồn hỗ trợ nhưng tỉnh ta vẫn tiếp tục phát triển mạng lưới ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trước đây, hoạt động này chỉ đặt ở các khoa sản của Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn, Kim Thành và Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. Khoảng 2 năm gần đây, hoạt động này được triển khai ở tất cả các trạm y tế, Trung tâm Y tế của 12 huyện, thị xã, thành phố. Tất cả các trạm y tế đều thực hiện việc tư vấn cho bà mẹ mang thai về chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Với bà mẹ có nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu máu ngay tại trạm và gửi lên Trung tâm Y tế để xét nghiệm nhanh. Việc điều trị dự phòng cho 2 mẹ con sẽ được triển khai tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Qua 7 năm triển khai chương trình, kết quả điều trị dự phòng ngày càng cao. Đặc biệt, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm máu khô, chỉ 4-6 tuần sau sinh trẻ có thể có kết quả xét nghiệm khẳng định có bị lây nhiễm HIV hay không.
Để loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 mà Việt Nam đã cam kết thì công tác tuyên truyền phải được quan tâm thực hiện từ cấp cơ sở và bằng những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng như phụ nữ mang thai, tạo cơ hội cho họ tiếp cận sớm các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng không còn kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có phụ nữ mang thai và coi việc xét nghiệm HIV bình thường như mọi xét nghiệm thông thường khác.
* Tên người nhiễm HIV đã được thay đổi.Trẻ có thể bị lây truyền HIV trong thời gian mang thai, khi chuyển dạ, sinh con, trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Trong đó, nguy cơ cao nhất là vào giai đoạn chuyển dạ, đẻ và cho con bú. Vì vậy, việc phát hiện sản phụ nhiễm HIV sớm là vô cùng cần thiết để phòng ngừa nguy cơ lây truyền. Nếu phát hiện nhiễm HIV, sản phụ sẽ được tư vấn về sức khỏe trước khi mang thai, được khám sức khỏe định kỳ cho cả mẹ và thai nhi trong suốt thời kỳ mang thai, được cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và sữa cho bé ít nhất đến 6 tháng tuổi. |
|
MINH HẠNH