Mảng bám răng là một mảng mỏng bám cặn trên mặt răng và dính vào mặt răng hoặc các mặt cứng trong miệng. Mảng bám màu là các chất màu bám lên răng.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng là việc tích tụ và hình thành các mảng bám trên răng. Các mảng bám hình thành lâu và không được loại bỏ có thể gây một số tác động tiêu cực như sâu răng, hôi miệng, viêm nha chu.
Quá trình hình thành mảng bám
Tất cả các bề mặt trong miệng đều được phủ một lớp màng glycoprotein. Trong những giờ đầu, chúng có tác dụng bảo vệ răng, làm trơn bề mặt, ngăn tổ chức bề mặt không bị khô. Tuy nhiên, lớp màng này lại cung cấp tổ chức nền cho vi khuẩn bám lên. Ở vùng tổ chức mềm, vì các tế bào biểu mô liên tục bong ra nên lớp màng này bị phá hủy. Ở vùng tổ chức cứng (răng), màng này không bị bong và vi khuẩn liên tục tích tụ tạo mảng bám răng. Mảng bám răng tiếp tục phát triển do sự sinh sôi của các vi khuẩn đã dính trên mảng bám và sự bám lên của các vi khuẩn khác.
Sau đó, những vi khuẩn không bám được lên màng vô khuẩn mà bám lên các vi khuẩn đã có trên mảng bám răng... hình thành mảng bám răng trưởng thành. Vậy nên, việc không chải răng hoặc chải răng không đúng cách sẽ dẫn đến hình thành mảng bám trên răng.
Dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng
Nguyên nhân và yếu tố gây mảng bám răng
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố gây mảng bám răng, trong đó có nguyên nhân hàng đầu là thực phẩm và đồ uống không tốt cho răng miệng như chứa quá nhiều đồ ngọt, chứa nhiều phẩm màu và gây dính trên răng sẽ có thể khiến việc hình thành mảng bám diễn ra nhanh chóng. Theo một nghiên cứu từ Học viện nha chu Hoa Kỳ (AAP), việc tiêu thụ rượu thường xuyên cũng có thể làm đảo lộn sự cân bằng của các vi khuẩn lành mạnh trong miệng khiến hình thành và xuất hiện của các mảng bám trên răng.
Do việc vệ sinh răng miệng không đúng cách, khi những phần thức ăn còn sót lại trong khuôn miệng không được loại bỏ kịp thời sẽ hình thành các mảng bám trên răng.
Việc sử dụng tăm thay cho chỉ nha khoa, làm cho các kẽ răng không được làm sạch một cách tối ưu. Ngoài ra, với thói quen không tốt cho sức khỏe là hút thuốc lá, khiến sức khỏe răng miệng bị giảm sút nghiêm trọng như hơi thở có mùi, răng ố vàng, hình thành mảng bám.
Phụ nữ mang thai với sự thay đổi nội tiết tố, nên miệng có nhiều khả năng phát triển và hình thành mảng bám trên răng hơn. Vì vậy, điều quan trọng là phải chú ý hơn đến việc vệ sinh răng miệng khi mang thai, để mảng bám tích tụ trên răng không biến thành cao răng.
Mảng bám không được loại bỏ dẫn đến các bệnh răng miệng
Vệ sinh răng miệng đúng cách là phương pháp phòng mảng bám. Theo khuyến cáo, cần chải răng 2 lần mỗi ngày, 1 lần trước khi đi ngủ, 1 lần sau khi thức dậy và mỗi lần chải răng ít nhất 2 phút, để có thể làm sạch răng miệng hiệu quả nhất.
Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm và tránh sử dụng bàn chải đánh răng kém chất lượng như cứng, phần lông bàn chải dễ xù. Thay bàn chải ít nhất 3 tháng 1 lần. Xoay bàn chải ở góc 45 độ so với hàm răng để dễ dàng đưa bàn chải đến bên dưới đường viền nướu. Thời gian đánh răng nên kéo dài ít nhất 3 phút. Tập trung đánh răng trên mọi bề mặt của hàm răng, để có thể loại bỏ mảng bám hiệu quả. Dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ chân răng. Hạn chế ăn uống các loại thực phẩm có chứa nhiều đường, tinh bột, nhất là các loại bánh snack dính răng. Thăm khám nha sĩ 4-6 tháng/lần cùng với việc vệ sinh răng miệng, làm sạch mảng bám răng chính là cách loại bỏ tới 90% nguy cơ các bệnh răng miệng nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết có mảng bám răng hay không?
Tất cả mọi người đều có mảng bám, đó là vì các loại vi khuẩn liên tục hình thành trong miệng. Những vi khuẩn này sẽ lợi dụng những mẩu vụn thức ăn cũng như nước bọt để phát triển. Mảng bám khi kết hợp cùng các acid trong khoang miệng, khi đó, lớp men răng bị phá hủy và sâu răng được hình thành. Mảng bám không được loại bỏ còn có thể gây kích ứng nướu quanh răng bạn, dẫn đến viêm nướu (đỏ, sưng và chảy máu nướu), bệnh nha chu và mất răng.
Theo Sức khỏe và Đời sống