Mạng xã hội được coi là ảo, nhưng tác động của nó đến đời sống lại rất thật.
Trong phiên họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội diễn ra ngày 8.5 vừa qua, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết tới đây các tài khoản mạng xã hội, bao gồm cả tài khoản mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… đều phải định danh. Việc này sẽ được đưa vào quy định của pháp luật khi sửa đổi Luật Viễn thông.
Lý do phải định danh tài khoản mạng xã hội được đưa ra là qua thực tiễn cho thấy, khi xảy ra các vụ án có liên quan, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu phải xác thực tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải làm rõ chủ tài khoản đó là ai. Tuy nhiên, có trường hợp xác định được, có trường hợp còn gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
Thông tin trên được đưa ra đã thu hút sự quan tâm của dư luận bởi gần đây các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội đang là vấn đề bức xúc. Rất nhiều tội phạm đã lập tài khoản trên Facebook, Zalo giả danh một số nhân vật cụ thể nhằm chiếm lòng tin của người khác, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ. Tại Hải Dương, có phụ nữ đã mất hàng trăm triệu đồng chỉ vì tin vào tình cảm và lời hứa của đối tượng người nước ngoài chuyên lừa đảo tình cảm phụ nữ thông qua việc nhắn tin, kết bạn và trò chuyện với nhau trên mạng xã hội Facebook. Có người mất tiền vì đối tượng sử dụng tài khoản trên mạng xã hội để rao bán cua, bán xe máy cũ, bán vé máy bay… sau đó ôm tiền của người mua và xóa tài khoản.
Mạng xã hội được coi là ảo, nhưng tác động của nó đến đời sống lại rất thật. Hiện nay, việc lập tài khoản mạng xã hội khá dễ dàng. Một số mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok hay Twitter đều không giới hạn số tài khoản mà một người có thể đăng ký. Chỉ cần đặt tên khác nhau, đăng ký với email khác nhau, người dùng có thể tạo cho mình nhiều tài khoản. Thậm chí với việc sưu tầm, lấy ảnh của các nhân vật nổi tiếng, người ta cũng có thể tạo cho mình một tài khoản với tên gọi, hình ảnh y hệt chính chủ. Để ngăn chặn tình trạng giả mạo, mạng xã hội Facebook hay Zalo… đã dùng biện pháp xác thực tài khoản cho các trang fanpage, OA bằng các thẻ tích xanh, tích vàng. Tuy nhiên, với tài khoản cá nhân, việc này vẫn chưa được nhiều mạng xã hội thực hiện.
Theo một số chuyên gia, việc định danh tài khoản mạng xã hội sẽ mang đến nhiều lợi ích. Đó là góp phần tạo dựng một môi trường số văn minh, lành mạnh, giúp hệ thống pháp luật được thực hiện một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Qua đó, góp phần xóa bỏ các nội dung xấu, sai trái, gây hại cho xã hội trên không gian mạng. Đồng thời cũng hạn chế thủ đoạn dùng trò câu kéo người dùng trên mạng xã hội thông qua các tài khoản ảo.
Định danh tài khoản mạng xã hội là cần thiết song theo nhiều người dự báo việc này sẽ vấp phải không ít khó khăn bởi khi đó người dùng mạng xã hội sẽ phải tiết lộ nhiều thông tin cá nhân hơn cho các nhà mạng. Đây là vấn đề khiến người ta lo lắng bởi một khi thông tin cá nhân bị lợi dụng thì người dùng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí cả việc bị rơi vào các trò lừa đảo khác. Tất nhiên, khó không có nghĩa là không làm.
Ngày 7.10.2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 85-QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội. Đây có thể coi là bước đầu tiên trong việc định danh tài khoản mạng xã hội đối với cán bộ, đảng viên. Ở phạm vi rộng hơn, một quy định mang tính pháp lý như đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là biện pháp hữu hiệu trong quản lý mạng xã hội và người sử dụng mạng xã hội hiện nay.
HOÀI ANH