Là trường huyện với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, từng đứng top cuối của huyện Nam Sách, nhưng giờ đây ngôi trường này khiến ngay cả những phụ huynh thành thị phải ngỡ ngàng.
Các bạn nhỏ của Trường Mầm non Thái Tân trình diễn thời trang |
Cô Vũ Thị Thu Làn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Tân chia sẻ, Thái Tân là một xã nghèo. Vì vậy, xuất phát điểm của trường là ngôi trường đứng top cuối của huyện với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Khi thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, hoạt động nổi bật mà trường là tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ.
Sân bóng cỏ nhân tạo trong sân trường
Trẻ được trải nghiệm làm vườn, chăm cây |
"Ví dụ, chúng tôi tận dụng các khoảng trống để xây dựng mô hình làm vườn, cô và trẻ sẽ cùng nhau trồng và trẻ có thể chăm sóc hàng ngày như tưới cây, nhổ cỏ và hái thu hoạch”, Hiệu trưởng Làn kể.
Cô giáo thu hoạch rau đay cùng với trẻ
"Bên cạnh đó, do có nhiều phụ huynh làm việc tại công ty gốm, nên nhà trường được công ty hỗ trợ các nguyên vật liệu để trẻ trải nghiệm. Với chủ đề về gia đình, chúng tôi sẽ cho học sinh làm các vật dụng trong gia đình. Hay chủ đề về các con vật thì cho trẻ có thể học tô màu tượng,...”, bà Làn nói và cho rằng để có được sự "lột xác" về cơ sở vật chất này, vai trò hỗ trợ của phụ huynh cũng như việc xã hội hóa là rất quan trọng.
Trải nghiệm làm gốm |
“Nhà trường đã kêu gọi sự hỗ trợ từ nguồn lực có sẵn từ địa phương. Kêu gọi xã hội hóa nhưng trường cũng không đặt nặng xã hội hóa từ tiền của phụ huynh mà kêu gọi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các nhà hảo tâm, có điều kiện sẵn sàng ủng hộ”.
“Trẻ thích thú với tất cả các hoạt động khi được luân phiên tổ chức thực hiện theo chủ đề chứ không phải lặp lại một cách liên tục”, bà Làn nói.
Theo báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, các trường đã chủ động và có nhiều sáng tạo, tập trung vào bố trí, khai thác và tận dụng triệt để không gian sẵn có để tổ chức các hoạt động cho trẻ; xây dựng các khu vực trải nghiệm, các góc thực hành kỹ năng với đồ dùng, đồ chơi, thiết bị mua mới hoặc tận dụng từ nguyên vật liệu phế thải, bảo đảm an toàn, đẹp mắt.
Những khoảng không gian chật hẹp như thế này trước đây để trống thì giờ đây nhà trường đã tận dụng để thiết kế nơi tổ chức hoạt động chơi câu cá cho trẻ |
Phụ huynh học sinh và cộng đồng tích cực phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện chuyên đề như hỗ trợ nguyên vật liệu, kinh phí và ngày công lao động để cải tạo môi trường.
Công tác xã hội hóa đã được quan tâm nhằm huy động kinh phí sửa sang cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, hỗ trợ tổ chức các hoạt động tập thể cho cô và trẻ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, diện mạo các trường mầm non đã được thay đổi. Qua đó, trẻ được tạo cơ hội tốt nhất để hoạt động, khám phá, trải nghiệm nhằm phát huy năng lực và tính năng động, sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu vui chơi theo đúng đặc điểm lứa tuổi.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Qua quan sát và tham gia các hoạt động của nhà trường, chúng tôi rất phấn khởi khi các trẻ mầm non mạnh dạn, tự tin, hào hứng tham gia các hoạt động. Kỹ năng của trẻ khi tham gia các hoạt động từ khi trồng cho đến thu hoạch vườn rau, tham gia các hoạt động trải nghiệm rất tốt”.
Ông Minh cho rằng đây là những kết quả nhìn thấy được từ chuyên đề này.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng tham gia thu hoạch rau cùng trẻ Trường Mầm non Thái Tân |
“Trẻ em mầm non thích nhất là hoạt động vui chơi. Quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tức là phải xuất phát từ nhu cầu hứng thú, khả năng và hướng đến sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng, không chỉ trong việc tăng cường, xã hội hóa nguồn lực mà còn là sự thống nhất với nhà trường về nội dung và phương pháp giáo dục trẻ", ông Minh khẳng định.
Để thực hiện các mục tiêu của chuyên đề, theo ông Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương và các cơ sở Giáo dục và Đào tạocó các giải pháp về xây dựng môi trường giáo dục; xây dựng kế hoạch giáo dục của trường; tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; đánh giá trẻ; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Nơi trẻ mầm non được trồng rau, trải nghiệm làm gốm |
Ông Minh cho hay, đề án sẽ tiếp tục được thực hiện hướng này và đi vào chiều sâu, rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, tiêu chuẩn và điều chỉnh cho phù hợp.
Theo Vietnamnet