Malaysia thừa nhận có nhận tín hiệu "vật thể lạ" giống máy bay ở Malacca

13/03/2014 02:49

Ông Rodzali Daud thừa nhận radar quân sự nước này đã phát hiện tín hiệu vật thể lạ giống máy bay ở phía bắc eo biển Malacca...


Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia Seri H. Hussein và Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman đã chủ trì cuộc họp báo vừa diễn ra tại Sepang (Malaysia) chiều 12-3.



Cuộc họp báo diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng

Bộ trưởng Hussein cho biết “cuộc tìm kiếm máy bay mất tích đã và đang diễn ra ở cả hai khu vực eo biển Malacca và Biển Đông với sự tham gia của 12 quốc gia, 42 tàu và 39 máy bay trong phạm vi 27.000 dặm vuông” (tính đến ngày 12-3-2014).

Ông nói vẫn hy vọng vào sự sống sót của hành khách cho dù vẫn chưa biết chiếc máy bay MH370 ở đâu. Các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm máy bay và hộp đen.

Chỉ huy trưởng lực lượng không quân hoàng gia Malaysia Rodzali Daud chính thức thừa nhận radar quân sự nước này đã phát hiện tín hiệu vật thể lạ giống máy bay ở phía bắc eo biển Malacca cách xa hàng trăm dặm so với địa điểm mà máy bay mất tín hiệu (ở biển Đông).

Ông Rodzali Daud thừa nhận có tín hiệu vào lúc 2g15 sáng ngày thứ bảy 8-3-2014 (giờ địa phương) – tức khoảng 45 phút sau khi MH370 biến mất khỏi màn hình theo dõi không lưu giữa hai nước Malaysia và Việt Nam.

Ông Daud nhấn mạnh rằng các thông tin cần phải được chứng thực và đó là lý do tại sao Malaysia chậm công bố thông tin.

Bộ trưởng Hussein tuyên bố cuộc tìm kiếm ở cả hai khu vực eo biển Malacca và biển Đông vẫn tiến hành vì “Chúng tôi không chắc chắn. Và khi không chắc chắn thì chúng tôi vẫn phải chờ đợi”.

Bộ trưởng Hussein bác bỏ thông tin cho rằng đã phát hiện có thi thể trôi trên biển. Ông cho biết cuộc mở rộng tìm kiếm đang tiến hành.

Cuộc họp báo diễn ra trong bầu không khí gần như hỗn loạn vì quá đông phóng viên truy vấn giới chức Malaysia. Họ tỏ ra bức xúc vì những thông tin mà họ cho rằng có sự bưng bít về đường đi cuối cùng của máy bay.

Thế nhưng Bộ trưởng Hussein không thừa nhận là ông đã quá “dè sẻn” thông tin cho báo giới. Ông nói ông đã nỗ lực để trả lời các câu hỏi của báo chí. Ông phủ nhận việc hỗn loạn và mâu thuẫn các nguồn tin. Ông nói các chuyên gia vẫn đang phân tích tín hiệu thu được từ hệ thống radar chính và phụ.

Các quan chức Malaysia viện dẫn sự “không chắc chắn” của mình là lý do của việc không cung cấp nhiều thông tin.

Một nữ phóng viên truyền hình đưa tin trực tiếp từ Sepang
Cảnh sát có mặt để bảo đảm an ninh cho cuộc họp
Các phóng viên dồn dập đặt câu hỏi khiến không khí gần như hỗn loạn
Bộ trưởng Seri H. Hussein và Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman thay phiên trả lời trong họp báo 12-3
Tổng giám đốc điều hành Hãng hàng không Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahyain tại cuộc họp báo chiều 12-3

Chiều 12-3, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng đã đến kiểm tra công tác tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị mất tích tại Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại Ủy ban Quốc gia TKCN.

Ông Tỵ khẳng định, phía Malaysia vẫn chưa có thông báo kết luận thông tin liên quan đến máy bay mất tích nên việc tìm kiếm vẫn được Việt Nam tiến hành. Nhưng sẽ giảm bớt tần suất và mở rộng vùng tìm kiếm ra hai bên của hướng bay của chiếc Boeing 777 mất tích. Cùng với đó việc tìm kiếm trên bộ cũng được tăng cường.

Theo cục Hàng không trong đêm 11 và sáng 12-3, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu phía Malaysia xác nhận thông tin của Reuter ngày 11-3-2014 và CNN ngày 12-3-2014 về tín hiệu ra đa quân sự bắt được ở Malacca. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa nhận được khẳng định chính thức từ cơ quan hữu quan của Malaysia.

Sáng 12-3, các máy bay AN26 và CASA của Việt Nam tiếp tục tìm kiếm mở rộng về phía Nam, Đông Nam mũi Cà Mau. Ngoài ra, các máy bay của Singapore cũng tiếp tục tìm kiếm tại khu vực FIR Hồ Chí Minh. Trong ngày 11-3-2014  Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho 2 máy bay IL-76 và TU-154 của Không quân Trung Quốc tham gia bay tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia. Trong ngày hôm nay, máy bay IL-76 đã vào khu vực FIR Hồ Chí Minh tìm kiếm.

Trong khi đó, Sở chỉ huy TKCN Cục hàng không cho biết ngày 12-3-2014, Malaysia đã tạm dừng tìm kiếm máy bay nghi mất tích trong vùng biển Việt Nam và chuyển lực lượng tìm kiếm ở eo biển Malacca. Phía Malaysia đề nghị Việt Nam phát hiện được nghi vấn thì thông báo.

Trong ngày tìm kiếm thứ năm, các máy bay AN 26, thủy phi cơ DHC 6 và trực thăng Mi 171 của Việt Nam vẫn không phát hiện được gì nghi vấn. Khu vực rừng U Minh và đất liền Cà Mau cũng được tìm kỹ trong những ngày qua.

Được biết, ngày 12-3, một người mang quốc tịch New Zealand làm việc trên giàn khoan dầu khí trên vùng biển Vũng Tàu gửi thư điện tử tới Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết việc đã nhìn thấy một máy bay bốc cháy trước khi rơi xuống biển. Một máy bay AN26 đã được điều đến khu vực trên để kiếm nhiều giờ nhưng không phát hiện được gì.

Trước đó, ngày 12-3, một máy bay của Vietnam Airlines từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội cho biết đã bắt được tín hiệu SOS trên khu vực Đà Nẵng. Tuy nhiên tín hiệu này chỉ phát 1 lần và các chuyến bay khác qua khu vực này và hệ thống radar không ghi nhận được. Có ý kiến cho rằng có thể tín hiệu phát ra từ thiết bị gắn trên tàu biển nào đó.

 TRUNG NGHĨA - TUẤN PHÙNG(Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Malaysia thừa nhận có nhận tín hiệu "vật thể lạ" giống máy bay ở Malacca