Làng nghề chiếu cói Thanh Kỳ, xã An Thanh (Tứ Kỳ) từng nổi tiếng khắp vùng với sản phẩm chiếu thủ công bền, đẹp. Thế nhưng 5 năm trở lại đây, tình hình sản xuất chiếu cói của làng nghề gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ mai một.
Gia đình bà Phan Thị Lụa là một trong số ít hộ dân giữ được nghề chiếu cói ở Thanh Kỳ
Chỉ còn 10 hộ làm nghề
Ðường vào thôn Thanh Kỳ nay đã đẹp hơn nhiều. Những con đường lổn nhổn sỏi đá trước đây giờ đều được bê tông hóa. Trước đây, nếu chỉ đi tới đầu làng đã thấy người người làm chiếu, nhà nhà làm các sản phẩm thủ công từ cói thì hiện nay, tìm mỏi mắt mới thấy một số hộ dân làm mặt hàng này. Hỏi thăm mãi tôi mới tìm gặp được bà Phan Thị Lụa (50 tuổi), một trong số ít hộ ở thôn còn giữ nghề dệt chiếu. Gặp khách ngay ngoài cổng nhà, bà Lụa hồ hởi trò chuyện nhưng tay thì vẫn thoăn thoắt thu gom những bó cói đã được phơi khô ngoài sân.
Người dân Thanh Kỳ dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp từ 1,1 m đến 1,6 m, gồm chiếu trơn và chiếu hoa. Nguyên liệu chính làm chiếu là cói. Sợi cói đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ Thanh Kỳ đã trở thành những chiếc chiếu mềm mại, sặc sỡ. Nhờ có uy tín từ sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản phẩm chiếu cói nơi đây vẫn có những khách hàng tìm đến tận gia đình để đặt hàng theo ý mình. Chẳng hạn như chiếu có chữ song hỷ, hoa ở bốn góc cho những cặp vợ chồng mới cưới hay chiếu có chữ thọ màu sắc trang nhã để trải tại các đình thờ, chùa chiền, dùng trong việc cúng lễ...
Theo lời kể của bà Lụa, trước kia trong làng lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười bên những khung dệt. Người đặt chiếu, mua chiếu đến tận nhà lấy, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ai ai cũng tất bật làm cả ngày lẫn đêm để có hàng kịp giao. Nay cả làng chỉ còn 10 hộ giữ nghề làm theo kiểu chờ khách đặt hàng. 5 năm trước, cả thôn có khoảng 50 ha trồng cói, đay, nhưng đến nay không còn hộ nào trồng. Lò in chiếu của thôn cũng dừng hoạt động. Vì thế, người làm chiếu phải nhập nguyên liệu, in họa tiết từ những nơi khác. Ðiều làm bà Lụa trăn trở là người làm chiếu ngày càng ít đi, nguy cơ làng nghề mai một, thậm chí mất hẳn là thấy rõ. Các con của bà Lụa đều đi làm trong các doanh nghiệp nên chỉ còn vợ chồng bà làm nghề.
Ngày nay, số hộ làm ít đi do trên thị trường xuất hiện nhiều loại chiếu được dệt công nghiệp cạnh tranh với các sản phẩm chiếu dệt thủ công. Một đôi chiếu được dệt bằng máy mẫu mã đẹp chỉ từ 150.000- 200.000 đồng/đôi. Trong khi đó, sản phẩm chiếu cói Thanh Kỳ được dệt bằng tay, độ bền cao nhưng giá từ 200.000- 400.000 đồng/đôi, tùy vào kích thước.
Thị trường tiêu thụ chậm nên nhiều người bắt đầu thờ ơ với nghề làm chiếu. Hầu hết thanh niên đi làm công ty, chỉ còn một số người già làm chiếu. Nhà nào có người đến đặt hàng thì làm, không thì để khung dệt nằm trơ. Bà Phạm Thị Đán (58 tuổi) cho biết: "Mỗi tháng, cố gắng lắm tôi mới dệt được 10 đôi, lãi hơn 800.000 đồng. Với số tiền này không đủ chi phí sinh hoạt gia đình nhưng vì yêu nghề và muốn lưu giữ nghề ông cha để lại nên tôi vẫn tiếp tục làm chiếu”.
Cần tìm hướng đi mới
Mặc dù sản xuất chiếu từ lâu, nhưng đến nay cả làng nghề lại chủ yếu làm thủ công nên năng suất thấp. Người dân ở Thanh Kỳ chưa mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất chiếu cói, tâm lý ngại đầu tư vì thiếu vốn, thu nhập thấp... Người dân chưa chủ động liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là những rào cản để phát triển làng nghề.
Theo bà Phạm Thị Đán, để làm ra một chiếc chiếu bền đẹp mất nhiều công sức và chi phí. Người làm chiếu phải qua các công đoạn như phơi, ngâm, giãi, nhuộm cói rồi lại tiếp tục phơi, sau đó mới tới mắc đay và dệt chiếu. Việc phơi cói hết sức vất vả, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. “Cói mua về hãy còn xanh, bà con phải đem phơi cho trắng. Vào mùa hè, thời tiết đẹp, cói phơi cũng cần phải tới chục nắng. Còn nếu vào mùa đông, trời âm u, phơi cói phải mất đến 20 ngày”, bà Đán chia sẻ.
Vất vả tiếp nữa là khâu dệt chiếu hay còn gọi là giật chiếu. Nếu ở các công đoạn khác, người làm chiếu có thể làm một mình thì khâu này luôn phải làm 2 người. Một người đưa cói vào khung và một người dệt. Công việc bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối mới hoàn thành được một đôi chiếu, trừ chi phí, tiền công mỗi người chỉ được 80.000- 100.000 đồng.
Theo ông Phạm Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã An Thanh, năm 2005, dệt chiếu cói Thanh Kỳ được công nhận là làng nghề truyền thống. Dù được công nhận là làng nghề nhưng người làm nghề chưa được đầu tư kinh phí để phát triển, nhân rộng, không có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Vì thế, người dân loay hoay tìm thị trường nhưng không có kết quả. "Chính quyền đã động viên nhân dân duy trì làng nghề nhưng vẫn không tránh khỏi nguy cơ mai một. Địa phương mong muốn các cấp quan tâm, hỗ trợ khung dệt, cải tiến phương pháp, tìm đầu ra sản phẩm… Tổ chức các buổi hội thảo để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần vực dậy làng nghề", ông Nhuận nói.
Khi xã hội đã thêm những lựa chọn chiếu tre, chiếu trúc, hàng ngoại nhập tràn lan theo thị hiếu và guồng quay lợi nhuận, thì hàng Việt với những làng nghề truyền thống bao đời, nếu thiếu một định hướng bảo tồn và phát triển cả về văn hóa và thương mại sẽ dần mai một. Hình ảnh Thanh Kỳ vào mùa nắng, khắp mọi nẻo đường đâu đâu cũng thấy chiếu, hộp cói phơi với đủ màu sắc và những con đường làng trải đầy chiếu hoa nay đã lùi vào quá khứ.
THẢO NGUYỄN