Trời rét đậm, rét hại sớm hơn trung bình nhiều năm, lại kéo dài cộng thêm tâm lý chủ quan của một số nông dân đã khiến nhiều diện tích mạ bị chết...
Mạ dược ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) bị chết rải rác vì đợt rét đậm, rét hại vừa qua
Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh, đợt rét vừa qua kéo dài từ ngày 15-12-2013 đến 1-1-2014, trong đó 10 ngày có rét hại. Rét đậm, rét hại xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này xảy ra ngày 20-12 tại thị xã Chí Linh, ở mức 6,6 độ C. Đợt rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại cho mạ chiêm xuân.
Nhiều nông dân không chống rét cho mạRét kéo dài đã ảnh hưởng xấu diện tích mạ dược trà xuân sớm không được quan tâm bảo vệ chu đáo. Huyện Ninh Giang có 150 ha mạ trà xuân sớm, chủ yếu là các giống X21, Xi 23, P6. Rét kéo dài đã ảnh hưởng xấu tới 15 ha mạ P6 do giống này chịu rét kém. Bà Hà Thị Lan Anh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang cho biết: “Một số xã như Đông Xuyên, Hồng Thái thực hiện tốt việc chống rét cho mạ bằng biện pháp che phủ ni-lông. Tuy nhiên, nông dân ở một số địa phương không chống rét nên mạ bị ảnh hưởng”.
Tại xã Hồng Dụ (Ninh Giang), hơn 1 ha trong tổng số 5 ha mạ đã gieo bị chết rét. Theo ông Nguyễn Đình Tại, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, dù HTX đã tuyên truyền để nông dân chống rét cho mạ nhưng vẫn có khoảng 30% số hộ không che phủ ni-lông. Mạ bị chết còn do một số nông dân vẫn rắc lân khi trời rét đậm, mạ chưa ngồi đã rắc tro bếp, dược mạ chưa ráo; gieo không đúng lịch thời vụ... HTX đã khuyến cáo bà con cho nước vào ruộng mạ vào ban đêm, ban ngày rút nước, phơi dược mạ nhưng nhiều hộ không thực hiện.
Tại xã Đồng Tâm (cùng huyện Ninh Giang), nhiều nông dân không che phủ ni-lông nên cũng có diện tích mạ bị chết. Chị Vũ Thị Khơi ở thôn Me cho biết: “Nhà tôi gieo mạ làm hai đợt để cấy 8 sào nhưng số mạ còn sống chỉ đủ cấy 2 sào. Mạ của các hộ xung quanh cũng chết rất nhiều”. Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Tâm, xã có khoảng 5-6 mẫu mạ dược, chủ yếu là các giống Xi23, X21, P6. Từ đầu vụ, HTX đã tuyên truyền trên đài truyền thanh các biện pháp chống rét cho mạ, triển khai về các đội sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay có đội không có hộ nào che ni-lông cho mạ.
Cần gieo mạ sân thay thếHuyện Thanh Miện có 70 ha mạ trà sớm, chủ yếu là các giống lúa X21, X23, tập trung ở các xã có chân ruộng trũng như Ngũ Hùng, Lê Hồng, Đoàn Kết, Tiền Phong... Những diện tích mạ gieo theo từng luống nhỏ được che phủ ni-lông nên hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, đa số các nông dân không che phủ ni-lông nên mạ bị vàng lá, lá bị lụi. "Nhà tôi gieo 15 kg thóc giống P6, X21 nhưng có tới 80% diện tích bị ảnh hưởng nặng do trời rét đậm. Tôi lo khi thời tiết ấm hơn, số mạ này khó có thể phục hồi vì hầu hết đều bị héo lá, thân mạ cũng chuyển sang màu đen, không thể sinh trưởng được. Chúng tôi đã chuẩn bị thóc để gieo mạ trên sân thay thế mạ dược”, chị Nguyễn Thị Ngoan ở thôn My Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) nói.
Nông dân thôn My Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) làm khung để che ni-lông cho mạ trong đợt rét vừa qua
Xã Ngũ Hùng hiện có khoảng 6,5 ha mạ dược. Ông Nguyễn Văn Duấn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: “Trời rét đậm kéo dài làm mạ sinh trưởng chậm. Thông thường, mạ gieo sau nửa tháng sẽ phát triển được 1,5-2 lá nhưng hiện nay hầu hết các diện tích mạ đều chưa có lá, thậm chí còn bị lụi mầm. Tỷ lệ mạ bị chết chỉ khoảng 15-20%, nhưng gần như toàn bộ diện tích gieo mạ sớm đều bị ảnh hưởng và rất khó phục hồi”.
Ở nhiều địa phương khác, trời rét đậm, rét hại cũng làm mạ dược bị chết rải rác. Nhiều diện tích mạ không che phủ ni-lông bị vàng lá, lụi lá. Theo bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích mạ chết rét không nhiều. Tuy nhiên, để bảo đảm đủ mạ gieo cấy, nông dân cần gieo mạ sân ở trà xuân muộn để cấy bù cho diện tích mạ chết.
Trời rét đậm, rét hại kéo dài cũng ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng cây rau giống. Anh Nguyễn Đức Huy, chủ một cơ sở gieo cây giống ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) cho biết: "Tôi che phủ ni-lông chống rét cho cây giống vào ban đêm, sau đó bỏ ni-lông ra vào ban ngày khi có nắng. Tuy nhiên, do nhiệt độ xuống quá thấp nên mặc dù đã che phủ cẩn thận nhưng nhiều cây giống vẫn bị lụi lá. Thông thường, sau một tháng gieo, cây giống đã có thể cho ra bầu nhưng đến nay phải chăm sóc và chờ cho cây sinh trưởng thêm". |
PV