Thiếu stylist chuyên nghiệp, kinh phí hạn chế, quan điểm thời trang rập khuôn khiến nhiều phim Việt bị chê về trang phục.
"Hương vị tình thân" là phim truyền hình Việt mới nhất bị chê về phục trang, nhất là của vai nữ chính tên Nam (Phương Oanh). Nhiều khán giả nhận định các bộ trang phục của cô được phối lộn xộn và gây khó chịu khi xem. Một ví dụ là ở phân đoạn với nhân vật Long (Mạnh Trường), Nam diện áo sơ mi cùng cà vạt không thắt tạo cảm giác xộc xệch khó hiểu.
Tạo hình của Phương Oanh trong cảnh đám cưới không đủ sang trọng, xét đến gia cảnh của chú rể. Mái tóc bết khiến diễn viên kém xinh hơn cả những ảnh ngoài đời của cô. Ngoài ra, cô thường mắc lỗi với váy áo nhăn, chọn phụ kiện thiếu hòa hợp. Trang phục của Mạnh Trường cũng bị chê là xuề xòa không hợp với địa vị của anh.
Sơ hở khi diễn viên tự chọn trang phục
Nam với gu thời trang lòe loẹt trong phim.
Theo lý giải của Phương Oanh, nhân vật ăn vận xuề xòa do cuộc sống còn khó khăn, còn phải trả nợ cho cha mẹ. Song, có thể thấy Nam có khá nhiều quần áo trong phim chứ không thiếu đồ. Vấn đề của nhân vật không phải nghèo khó mà là cách phối đồ rườm rà. Nếu muốn thể hiện sự giản dị, Phương Oanh hoàn toàn có thể diện các bộ trang phục gọn gàng hơn.
Việc Phương Oanh trực tiếp trả lời về tạo hình nhân vật, thậm chí đối đáp với khán giả trên mạng xã hội, là bề nổi của một vấn đề lớn hơn ở phim truyền hình Việt. Đó là hầu hết diễn viên phải tự chuẩn bị trang phục cho mình trong phim. Thông thường, ở tiền kỳ phim, họ sẽ làm việc với đạo diễn để nắm được tinh thần chung rồi chủ động sắm sửa quần áo, phụ kiện.
Cách làm này được duy trì trong nhiều năm qua, có lợi thế về mặt sản xuất nhưng hậu quả là chất lượng không ổn định. Việc thiếu một stylist xuyên suốt cho từng phim khiến hiệu quả thời trang trên màn ảnh khó đảm bảo. Một số phim như Tình yêu và tham vọng được đánh giá tốt khi diễn viên đầu tư lớn, có stylist riêng. Nhưng nhiều phim khác còn nhan nhản những bộ quần áo thiếu thẩm mỹ hoặc không phù hợp tính cách nhân vật.
Một cách phối trang phục bị chê của Phương Oanh trong Hương vị tình thân.
Chất lượng phục trang nhìn chung khá may rủi do phụ thuộc nhiều vào mức độ đầu tư, am hiểu nhân vật cũng như khả năng xoay xở của diễn viên. Việc mỗi người tự lo phần mình cũng dẫn đến sự thiếu đồng bộ, xuyên suốt giữa các nhân vật. Đó là chưa tính tới hiệu ứng chung về mặt hình ảnh khi đứng trước máy quay, bối cảnh. Hiếm có tác phẩm nào được khen nổi trội về tổng thể trang phục, chứ chưa nói đến việc tạo ra hay dẫn đầu xu thế.
Đến nay, kinh phí vẫn là thách thức lớn của phim Việt. Nhà sản xuất chưa thể đầu tư lớn cho mảng trang phục. Còn với diễn viên, tiền chi cho quần áo có thể trở thành bài toán khó. Vợ diễn viên Công Lý cho biết phải bỏ ra đến 300 triệu đồng mua đồ hiệu cho chồng trong phim "Hướng dương ngược nắng". Số tiền này có thể còn lớn hơn cát-sê của anh và không phải diễn viên nào cũng có thể đầu tư mức tương tự cho một vai diễn.
Ở Hàn Quốc, các phim truyền hình giống như bữa tiệc thời trang nhờ sự tài trợ mạnh tay của nhãn hàng. Độ thu hút đến từ các tác phẩm có thể giúp tên tuổi thương hiệu nổi tiếng hơn.trở. Các nhà sản xuất phim truyền hình cũng có ngân sách lớn để thuê đội ngũ stylist chuẩn bị trang phục tỉ mỉ. Quần áo không chỉ đẹp mắt mà còn phải phù hợp với hoàn cảnh, biến chuyển tâm lý nhân vật và không gian xung quanh.
Gu thẩm mỹ chưa tinh tế
Nhã Phương trong Cây táo nở hoa.
Các ê-kíp phim Việt đều có ý tưởng về trang phục dựa trên tính cách nhân vật. Nhưng đáng tiếc là các suy nghĩ này còn khá sơ sài, dừng lại ở bề nổi hay rập khuôn. Ở "Hương vị tình thân", Nam được định hướng ăn mặc xuề xòa do là kỹ sư điện nước.
Tuy nhiên, một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng không phải cứ là kỹ sư thì phải theo phong cách này. Nhiều người nói hình tượng nàng kỹ sư này quá khác với những người ngoài đời họ gặp. Trên thực tế, cách ăn vận của Phương Oanh là của một cô nàng lỗi mốt chứ không phải do nghề nghiệp của cô.
Cách đây không lâu, Nhã Phương từng gây bàn tán với gu thời trang trong Cây táo nở hoa. Theo nữ diễn viên, nhân vật được cố tình cho mặc lòe loẹt để hợp với tính cách đồng bóng, khó ưa. Nhưng điều này có vẻ bị được đẩy cao quá mức, khiến cô quá cường điệu so với ngoài đời. Phần mái tóc của cô Báu trong phim lại quá thời thượng so với quần áo.
Chưa cần bàn tới phim cổ trang vốn là địa hạt dễ gây tranh cãi, các phim Việt bối cảnh hiện đại cũng còn nhiều sơ sót trang phục, đặc biệt khi thoát khỏi "vùng an toàn" là bối cảnh công sở, gia đình. Năm 2018, "Hậu duệ mặt trời" bản Việt bị khán giả chỉ ra hàng loạt lỗi về trang phục, tư thế, quân hàm của quân nhân. Khi remake lại từ bản Hàn, các nhà làm phim đã giữ nguyên nhiều chi tiết của bản gốc mà không điều chỉnh cho hợp với Việt Nam.
Bộ Quốc phòng từng lên tiếng về các sai sót về lễ tiết, quân phục trong series. Bộ phim này thất bại vì khoác cái áo quá lớn của người tiền nhiệm ở nhiều góc độ, trong đó có phục trang. Trong tương lai, khi phim truyền hình Việt ngày càng thu hút, việc đầu tư cho trang phục chắc chắn sẽ là một yêu cầu quan trọng để có thêm nhiều tác phẩm nổi bật, mở rộng đề tài đến nhiều khu vực ngành nghề trong xã hội.
Theo Zing