Ấn Độ đã không tham gia cùng Mỹ trong các hành động chống Nga, lại tranh thủ đẩy mạnh mua dầu thô "giá hời" của Moskva.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ tại Sochi, Nga vào tháng 5.2018
Trước thềm vòng 4 của cuộc đối thoại 2 + 2 Ấn Độ - Mỹ, nơi chứng kiến Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước gặp gỡ vào đầu tuần tới, Mỹ đã thất bại trong việc lôi kéo sự ủng hộ của Ấn Độ về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ấn Độ đã cố gắng điều chỉnh quan điểm của mình về cuộc xung đột, từ việc thể hiện sự lo lắng, lấy làm tiếc, sang kêu gọi tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra những cáo buộc của phương Tây về cái gọi là “vụ thảm sát ở thành phố Bucha”, Ukraine, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar hôm 6/4 và Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc Trimurti ngày 5.4 đã tiến thêm một bước khi “dứt khoát lên án” Moskva và kêu gọi một cuộc “điều tra độc lập” đối với các báo cáo truyền thông “đáng lo ngại sâu sắc” này.
Nhưng liệu thái độ đó có tạo ra sự khác biệt nào ở cuộc đối thoại 2 + 2 sắp tới hay không thì vẫn chưa chắc chắn.
Mỹ thất vọng
Mọi chuyện bắt đầu với việc Ấn Độ liên tục bỏ phiếu trắng các nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, dẫn đến việc Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã lên tiếng về "sự trung lập thân Moskva” của New Delhi.
Hôm 5.4 cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Biden, Brian Deese, nhận xét rằng Mỹ “thất vọng trước các quyết định của Trung Quốc và Ấn Độ” và hậu quả của việc hai nước “liên kết chiến lược rõ ràng hơn” với Moskva sẽ “quan trọng và lâu dài” ra sao.
Trong khi đó, ông Biden tỏ ra nhẹ nhàng hơn khi gọi cách tiếp cận của Ấn Độ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine là "hơi lung lay", xét về mặt hỗ trợ các hành động của Mỹ. Tương tự như vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng nhận ra những thay đổi gần đây trong lập trường của Ấn Độ và thừa nhận rằng mối quan hệ của Ấn Độ với Nga "không phải là điều mà News Delhi có thể cắt bỏ ngay lập tức."
Điều rõ ràng là giữa cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ thậm chí còn không có một vị đại sứ ở New Delhi. Ứng cử viên đại sứ Eric Garcetti của ông Biden vẫn chưa nhận được đủ số phiếu phê chuẩn tại Thượng viện và có khả năng bị thay thế bởi một ứng cử viên khác, được chấp nhận hơn.
"Gót chân Achilles"
Ngoài việc Ấn Độ bỏ phiếu trắng các nghị quyết của Liên hợp quốc về Ukraine, việc New Delhi mua dầu thô giảm giá của Nga đã trở thành “gót chân Achilles” mới không chỉ trong quan hệ song phương Ấn – Mỹ mà còn đối với sự tín nhiệm của Tổng thống Biden. Trước đó, Ấn Độ đều đã tuân thủ lệnh của Mỹ về ngừng nhập khẩu dầu từ Iran và Venezuela.
Nhưng lần này thì khác, bởi quốc gia bị trừng phạt là Nga - đối tác quốc phòng và chiến lược lâu dài nhất của New Delhi.
Ấn Độ lần này cũng bị hạn chế bởi thực tế có hơn 22.500 công dân của họ bị mắc kẹt giữa cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này chắc chắn đòi hỏi New Delhi phải phối hợp chặt chẽ với cả Moskva và Kiev.
Tất nhiên, với quan hệ đối tác quốc phòng chặt chẽ như vậy, Mỹ không thể mong đợi việc Ấn Độ lên án đường lối của Moskva. Điều khiến các nhà đối thoại Mỹ khó chịu là cách Ấn Độ bắt đầu tìm nguồn cung dầu và các mặt hàng khác từ Nga bằng cách sử dụng giao dịch hoán đổi đồng rupee – ruble. Điều này có thể mở ra những đường đứt gãy mới trong quan hệ Ấn – Mỹ.
Thực tế đó không chỉ đe dọa làm suy yếu chiến lược trừng phạt vốn đã mất uy tín của Mỹ mà về lâu dài có thể truyền cảm hứng cho những nước khác giảm sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ như một ngoại tệ mạnh nhất toàn cầu.
Ngoài ra, việc Ấn Độ gia tăng khối lượng nhập khẩu dầu từ Nga khiến đây trở thành một thành công nổi bật của Tổng thống Vladimir Putin. Ấn Độ mua hơn 13 triệu thùng dầu thô của Nga vào tháng 3 - so với tổng số 16 triệu thùng của cả năm ngoái, một con số có thể củng cố sức mạnh ý chí của Moskva trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Việc Ấn Độ mua nhiều dầu của Nga sẽ làm suy yếu biện pháp trừng phạt, vốn dựa vào các cơ chế tài chính thông thường.
"Dây thần kinh" nhạy cảm
Mặc dù tiềm năng của việc Ấn Độ mua dầu của Nga và sự hoán đổi đồng rupee – rúp có thể không bao giờ báo trước những thay đổi mang tính kiến tạo trong địa chính trị toàn cầu, nhưng các giao dịch hiện tại của họ đã chạm vào một "dây thần kinh" nhạy cảm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.
Sự “thách thức” của Ấn Độ trong việc mua dầu của Nga có thể được so sánh với vụ nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên của nước này vào tháng 5/1974, nơi Ấn Độ đã thách thức cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân do Mỹ dẫn đầu.
Mặc dù đúng là Australia, Anh, Canada và Mỹ đã ra lệnh cấm mua dầu của Nga, nhưng không nước nào trong số họ là những khách mua lớn.
Thực tế là Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, mua gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Nga. Rõ ràng, nhiệm kỳ của Tổng thống Biden không có lý do gì có thể khiến Bắc Kinh thay đổi quyết định khi nước này tiếp tục mở rộng nhập khẩu dầu của Nga.
Điều đặc biệt gây thất vọng cho nhiệm kỳ của Tổng thống Biden là 9 khách hàng lớn nhất tiếp theo của Nga đều là đồng minh của Mỹ, gồm Đức, Hà Lan, Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Anh. Ngoài Mỹ và Anh, tất cả các quốc gia này vẫn tiếp tục mua dầu của Nga, trong khi Đức và Hungary công khai phản đối bất kỳ sự cắt giảm vội vàng nào vì lo ngại điều đó có thể đẩy nền kinh tế của họ vào suy thoái.
Vì vậy, trong khi Mỹ cảm thấy khó thuyết phục các đối tác liên minh của mình ngừng mua dầu thô Nga, thì việc thuyết phục New Delhi dường như dễ hơn. Lý do là Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, nhưng lượng dầu nhập từ Nga chỉ chiếm chưa đến 1% tổng lượng, trong khi dầu nhập từ Mỹ chiếm hơn 7%.
Trên thực tế, điều thú vị là báo cáo gần đây của BBC cho rằng 55% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Mỹ và các đồng minh thân cận của nước này là Iraq, Saudi Arabia và UAE. Chính quyền Tổng thống Biden dường như hướng tới việc tước bỏ mọi quan hệ đối tác quốc phòng và kinh tế của Nga, do đó mối quan hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Moskva đang khiến nước này trở thành một "tài sản đảm bảo" cho việc thiết lập chương trình nghị sự của Mỹ.
Theo báo Tin tức