Luyện 5 cung - Làn điệu chèo thăm thẳm trữ tình

05/03/2017 08:56

Theo nhà nghiên cứu chèo Hoàng Kiều thì các làn điệu dân ca đều xuất phát từ lời ca, chính xác hơn là từ ca dao và thơ được phổ nhạc vào, chứ không phải từ nhạc rồi soạn giả điền lời ca. Như thế là ca từ trong chèo cổ ra đời trước nhạc. Trong trổ mở đầu của làn điệu Luyện năm cung có câu thơ Đào lý một cành tơ trúc phím loan. Các nghệ nhân lấy luôn câu hát Đào lý một cành trong bài làm tên làn điệu nên có thêm tên gọi Đào lý một cành. Làn điệu Luyện năm cung ban đầu được hình thành từ bài thơ có 5 khổ thơ trữ tình được kết cấu: Trổ mở đầu, Trổ thân bài, Trổ nhắc lại… cho đủ 5 trổ.<br>



Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương trải lòng qua khúc hát Luyện năm cung "Tưng bừng ngày hội non sông"


Nếu như trong hệ thống "Đường trường", có làn điệu Đường trường trên non, Đường trường phải chiều, Đường trường thu không… hoặc hệ thống hát sắp có Sắp qua cầu, Sắp song loan, Sắp dựng, Sắp chờ, thì chỉ có một làn điệu Luyện năm cung. Bởi vì Luyện năm cung nằm trong hệ thống bài ca lẻ.

Giới chuyên môn chia các làn điệu chèo thành hai loại: chuyên dùng và đa dùng. Chuyên dùng là chỉ dùng cho một số nhân vật trong các vở diễn nào đó. Ví như trong vở Quan âm Thị Kính, có điệu Kể hạnh, Ru kệ, Ba than, mang nét dáng nhà chùa. Hay trong vở Kim Nham có điệu hát Con gà rừng, Lới lơ, Hát xuôi hát ngược… dành cho vai Xúy Vân. Còn các làn điệu đa dùng được dùng trong nhiều vở diễn, có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng thế nào chăng nữa, các làn điệu đó đều phải phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng nhân vật.

Luyện năm cung thuộc loại đa dùng. Nó xuất hiện trong cảnh múa hát tưng bừng khi mùa màng bội thu, hay xóm làng vào hội, hoặc ngợi ca non sông đất nước thanh bình. Kể cả màn đồng ca hoành tráng trước khi khép vở. Nó lại có ưu thế trong bài ca lẻ, dùng cho đơn ca nam hay nữ. Làn điệu này có thế mạnh về tự sự, giãi bày nỗi niềm thân phận. Mô tả cảnh quê hương đổi mới, ruộng đồng hoa trái sum sê. Các soạn giả có thể đưa vào ca khúc những tên làng, tên đất, tôn vinh những ngành nghề hay gửi gắm nỗi lòng, tâm sự của mình với cuộc sống, sự tươi mới vui say của con người trước sự đổi mới đi lên của đất nước.

Luyện năm cung thuộc loại đa dùng. Nó xuất hiện trong cảnh múa hát tưng bừng khi mùa màng bội thu, hay xóm làng vào hội, hoặc ngợi ca non sông đất nước thanh bình.


Trong trường hợp cụ thể của một vở diễn, các tác giả có thể dùng cho nhân vật khắc khoải mong chờ, man mác buồn: con mong mẹ, vợ đợi chồng, âu lo nhớ thương… Ở trạng thái tình cảm này thì thường hát chậm rãi. Nghe kỹ ra, nó phảng phất âm điệu bài hát chầu văn, một hình thức tín ngưỡng dân gian… Thế nhưng khi diễn tả niềm vui phơi phới, tự hào của con người trước cảnh đẹp của quê hương đất nước, sự chuyển mình của dân tộc đi lên trên con đường đổi mới thì cần đẩy nhanh tiết tấu cho phù hợp, nhất là khi đạo diễn dàn dựng tốp múa  hát đông người.

Làn điệu Luyện 5 cung trong chèo cổ là bài hát mẫu dùng làm giáo trình giảng dạy ở trường nghệ thuật. Người ta đã biên soạn bài hát trích trong vở chèo cổ Trương Viên, cảnh Thị Phương và mẹ chồng chạy giặc, bị lạc vào rừng, được bà Tiên dạy đàn hát để kiếm sống, tìm chồng…

Về hình thức, điệu hát bắt nguồn từ bài thơ lục bát (6-8) biến thể. Ví dụ như trong bài Phảng phất Côn Sơn của tôi, trổ mở đầu  được thể hiện bằng 3 câu thơ bốn chữ, nối tiếp là câu 8 chữ: Ngàn áng mây hồng/Trôi lướt tầng không/Qua những đồi nương/Một vùng ngàn tía muôn hương phô bầy.

Để có một trổ hát hay, soạn giả phải chú ý tới sự gieo vần đúng chỗ. Chữ cuối cùng của câu thơ đầu bắt buộc phải là vần bằng, thanh huyền (hồng). Nếu viết mây xanh là thanh không, sẽ không sao hát được. Tương tự như thế, chữ thứ 6 của câu 8 phải là vần bằng, thanh không (hương), nếu viết là mùi, là thanh huyền, cũng không hát được…

Tiếp đến là trổ thân bài có khác đôi chút. Nó gồm những câu thơ 6 chữ, xen kẽ những câu 4 chữ, và 8 chữ: Nơi này Côn Sơn hoa lá chen dầy/Ríu rít ong bầy/Chao cánh đua bay/Tìm hoa cho đời mật sắc ngất ngây tình đời/Mênh mang đất trời… Nếu không đề tên làn điệu hát, bạn đọc ngỡ rằng đây là những câu thơ  tự do, có vần  điệu, giàu hình ảnh.

Đối với nhưng bài ca lẻ, trước khi vào bài Luyện năm cung, soạn giả thường viết những câu nói vần, hoặc ngâm sổng. Như thế giúp diễn viên có thời gian tạo cảm xúc để bắt vào câu hát. Xin lấy ví dụ bài hát trên, mở đầu bằng câu ngâm sổng như sau: Quê hương em đó/Hoa núi ngạt ngào/Đất hồng mở lối/Chim hót tầng cao/Vi vút rừng thông đọng nghìn con gió/Bao nhiêu hương đằm thắm dạt dào. Và bắt vào  hát trổ mở đầu: Ngàn áng mây hồng/Trôi lướt tầng không/Qua những đồi nương/Một vùng ngàn tía muôn hương phô bầy…

Đặc điểm làn điệu Luyện năm cung có 5 cung, 5 trổ hát, về giai điệu cơ bản không trùng lặp. Soạn giả có thể sử dụng ca từ một cách phóng khoáng, để miêu tả mà không bị gò bó vì thiếu chữ thiếu lời. Trong khi đó làn điệu Lới lơ, mỗi trổ hát chỉ là câu thơ lục bát (6-8), soạn giả phải lặp lại trổ hát nhiều lần, làm cho giai điệu có phần nhàm chán.

Tôi đã được dự một chương trình Liên hoan Chèo không chuyên toàn quốc lần thứ 2 tổ chức ở thị xã Chí Linh tháng 3.2016 và có trong tay một tài liệu thống kê rất thú vị: Trong số 100 ca khúc chèo được đăng ký ngẫu nhiên, trên phạm vi cả nước để tham gia biểu diễn, thì có 4% là điệu Du xuân, 5% làn điệu Tò vò, 11% làn điệu Quân tử vu dịch, 14% làn điệu Đào liễu, và 15% là làn điệu Chinh phụ. Trong khi đó có 18% bài ca theo điệu Luyện năm cung. Cũng là dễ hiểu bởi đây là một làn điệu hát trữ tình, không có những nốt nhạc quá cao nên được rất nhiều bạn yêu chèo chọn hát. Mặt khác một ca khúc lại có 5 đoạn, 5 cung, giai điệu phong phú khiến cho người nghe không bị nhàm chán. Hát trọn một bài chỉ khoảng 4-5 phút cả lưu không nên dàn dựng cũng phù hợp, nếu ngắn quá thì không miêu tả đầy đủ nội dung cần thiết.

Tôi có sở trường chọn làn điệu này để đặt lời mới cho những bài ca lẻ. Không chỉ vì Luyện năm cung có giai điệu trữ tình, sâu lắng, mà làn điệu này có thể diễn tả được nhiều lĩnh vực, không gian sự kiện trong đời sống. Chẳng hạn như một chút Phảng phất Côn Sơn, cảnh Mặc trầm Yên Tử, hoài niệm về Một thoáng Hải Dương, ngạo nghễ tự hào về Ngàn năm Thăng Long… rồi làng quê Thanh Hà rộn rã giữa khung cảnh vào Mùa vải chín.

Nghệ sĩ Ưu tú KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luyện 5 cung - Làn điệu chèo thăm thẳm trữ tình