Lũy tre tuổi thơ

08/08/2021 10:46


Tôi được sinh ra và lớn lên ở một làng quê xa thành thị nên mẹ vẫn hay đùa quê nội của tôi là “gần đê, xa đường nhựa”. Ngoài đê là dòng sông hiền hòa bồi đắp phù sa cho ruộng đồng màu mỡ. Lúa, ngô, khoai, sắn xanh tốt quanh năm và những đàn trâu, đàn bò gặm cỏ trên triền đê lộng gió đã trở thành hình ảnh in hằn trong ký ức tuổi thơ của tôi. Nhưng tôi vẫn yêu nhất những lũy tre làng đong đưa trong gió mỗi buổi sớm mai hay chiều tà. 

Cuộc sống hiện đại, tiện nghi ở thành phố dường như chưa tới được những vùng nông thôn hẻo lánh, xa xôi như ở đây. Không trò chơi điện tử, không internet, những trò chơi thú vị của bọn trẻ trong làng thường diễn ra bên lũy tre quen thuộc. Chúng tôi chơi bịt mắt bắt dê, chơi trốn tìm quanh các lũy tre, chơi ô ăn quan hay đánh chuyền cạnh đó vào những ngày cuối tuần, vào những ngày hè được nghỉ học hay bất cứ khi nào có dịp tụ tập.

Chúng tôi bứt lá tre làm thuyền, thả xuống máng nước xem thuyền của đứa nào chạy nhanh nhất. Gió nhẹ nhàng đưa những con thuyền xuất phát, lướt nhẹ trên dòng nước chẳng kém những con thuyền mà chúng tôi thấy trên ti vi. Những ngày trời nắng nóng, trong nhà lại mất điện, tôi chỉ muốn mau mau làm cho xong việc nhà để được tụ tập với đám bạn cùng xóm ngồi cạnh lũy tre hóng gió mát của thiên nhiên.

Bóng tre không mát như bóng cây nhãn hay bóng cây si, cây đa nhưng thỉnh thoảng, cơn gió mát ào tới, cành tre nghiêng ngả theo chiều gió, tôi cũng nghiêng người theo, tóc bay trong gió. Lúc ấy tâm trạng thật vô tư, tôi không lo nghĩ, những muộn phiền cũng tan đi theo gió.

Bọn trẻ con chúng tôi chỉ thích vui với lũy tre khi sáng sớm hay chiều muộn, chứ chẳng đứa nào dám bén mảng tới gần đó khi bóng tối đã bao trùm. Với những đứa trẻ ngang bướng, các bà, các mẹ vẫn thường dọa: “Ông ba bị đang nấp ở ngoài bụi tre đấy, không ngủ là ông ấy bắt đi bây giờ”. Mẹ cu Tít bên cạnh nhà tôi thường dọa nó mỗi khi nó ăn vạ vòi vĩnh: “Nếu con còn hư là mẹ để cho con ngáo ộp ở bụi tre bắt đi đấy”. Thế là Tít nín bặt, ánh mắt lấm lét liếc nhìn ra lũy tre xa xa.

Ác mộng của mỗi đứa trẻ chúng tôi lúc đó là bị mẹ bắt ra ngoài bụi tre đứng mỗi khi bị điểm kém hay không nghe lời, trốn mẹ đi bêu nắng hay vầy mưa. Lúc đầu, tôi thổn thức, hoang mang và sợ hãi mỗi khi nghe tiếng gió vi vu, thân tre va vào nhau cót két. Tôi ôm chặt một cây tre đã được bóc hết mo nang, tự dưng thấy mình có điểm tựa bình yên, vững chãi. Tôi phát hiện những chú chuồn chuồn kim đậu trên cành tre ngủ ngon lành mà tôi không nỡ bắt chúng. Lâu dần, tôi cũng quen, không còn thấy sợ nữa mà coi lũy tre như người bạn mỗi khi vui buồn.

Bây giờ cuộc sống ở nông thôn đã thay đổi nhiều, trẻ con dành nhiều thời gian cho những thú vui khác vì mạng internet đã phủ sóng khắp nơi, wifi hầu như nhà nào cũng có, các quán nét, quán game mọc lên rải rác. Bọn trẻ không thích thú với những trò chơi ngày xưa: chơi ô ăn quan, đánh chuyền… chỉ còn trong ký ức của tôi. Lũy tre vẫn vậy, vẫn lắc lư theo gió, vẫn thả những con thuyền tre xuống máng nước mặc cho chúng tôi có ở đó hay không. 

Hôm nay, trên đường đi chợ về, tôi thấy một đám người đang xúm lại quanh dãy tre làng. Người cắt, người chặt tre thành từng khúc. Tôi hoảng hốt chạy về hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao người ta lại chặt tre ngoài kia?”. Mẹ tôi bảo: “Dự án làm đường liên xã đang triển khai. Có người đã mua khu đất đó để kinh doanh nên người ta phải phá tre đi để xây nhà con ạ!”. “Trời ơi!...” - tôi thốt lên tiếc nuối. 

Tôi vội chạy ra khỏi nhà, đứng nhìn dãy tre làng từ xa, rơm rớm nước mắt. Lũy tre đã gắn liền với tuổi thơ tôi, nơi tôi và bạn bè cùng trang lứa có biết bao kỷ niệm êm đềm, nơi đã chia sẻ buồn vui cùng tôi và thấy tôi lớn lên từng ngày mà chỉ nay mai thôi, cả lũy tre xanh mát kia sẽ không còn nữa. Những ngôi nhà cao tầng sẽ mọc lên san sát, chắn gió từ ngoài sông thổi vào. Lòng tôi bỗng hụt hẫng, trống trải như đánh mất một cái gì vô cùng quý giá. Nhưng tôi biết cuộc sống là một hành trình không ngừng đổi thay và phát triển. Quê hương tôi ngày một thay da đổi thịt nhưng lũy tre tuổi thơ sẽ luôn ở mãi trong lòng tôi.

​VŨ THỊ THANH ANH
(Lớp 12F, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lũy tre tuổi thơ