Rau màu vụ hè thu được trồng trong điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa nhiều.
Đây là vụ trái của nhiều loại rau màu nên bà con nông dân cần lưu ý một số khâu kỹ thuật quan trọng như sau:
- Lựa chọn giống: Nên chọn giống lai F1 có tiềm năng năng suất cao, chịu nhiệt, chống chịu sâu bệnh tốt, mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với trình độ canh tác, điều kiện đất đai của địa phương.
- Cải tiến kỹ thuật: Vụ hè thu có nhiều bất lợi do thời tiết (nắng nóng, mưa nhiều) nên khi trồng nông dân cần áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật như dùng màng phủ nông nghiệp để phủ luống, dùng khung che nilon hoặc lưới đen (bắc giàn cải tiến) che cây...
- Làm đất lên luống: Căn cứ vào đặc điểm và thành phần cơ giới ở từng chân đất, đặc điểm bộ rễ ăn nông hay sâu của cây trồng mà có thể làm đất kỹ hay không, cày sâu hay nông, lên luống cao theo hình mai rùa và làm rãnh thoát nước cho rau màu.
- Bón phân và điều tiết nước: Vụ hè thu hay có nắng nóng kèm mưa lớn nên cần sử dụng phân NPK bón cho rau màu và áp dụng biện pháp bón vùi để giảm thiểu sự mất mát phân bón, nhất là phân đạm do bay hơi hoặc rửa trôi. Ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học hoặc chế phẩm nấm đối kháng để giúp rễ phát triển mạnh, hạn chế cây bị chết rũ.
Tưới nước cho rau màu vụ hè thu cần áp dụng biện pháp tưới ngấm kết hợp với tưới phun mưa bảo đảm cây không bị thiếu nước khi trời nắng và không bị úng khi mưa. Lúc nắng nóng kéo dài tốt nhất nên để nước nông dưới các dõng luống.
- Phòng trừ sâu bệnh: Rau màu hè thu rất hay bị sâu bệnh tấn công, nhất là các loài sâu ăn lá, bọ phấn, nhện đỏ, bệnh thán thư, thối đốt, cháy lá vi khuẩn, thối nhũn... Do đó nông dân cần áp dụng tốt các biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM), trong đó ưu tiên biện pháp trồng cây khỏe. Khi dùng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu bệnh cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng và ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học ở thời điểm gần đến lúc thu hoạch, bảo đảm nông sản được an toàn.
KS. TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)