Lương không tăng nhưng học phí, các dịch vụ lại tăng cao

10/10/2022 13:52

Sáng 10.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4.


Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu - Ảnh: PHẠM THẮNG

Đề nghị sớm tăng lương theo lộ trình

Trình bày tóm tắt nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết cử tri đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt được nhiều kết quả khả quan về kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cử tri bày tỏ sự lo lắng học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng, giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao.

Bên cạnh đó, cử tri vùng nông thôn lo ngại các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn còn gặp tình trạng giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao...

Cử tri đề nghị đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết. 

Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn chậm do thời gian giao vốn chậm...

Việc triển khai Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay vẫn chậm ở nhiều nơi, do quy trình, thủ tục đầu tư vẫn phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư.

Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.

Cử tri băn khoăn khi tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri bày tỏ sự đồng tình ủng hộ, đánh giá rất cao việc kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm trong thời gian gần đây. Đặc biệt là với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả trung ương lẫn địa phương.

Như việc xử lý cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Chủ tịch Hà Nội...

Bên cạnh đó, cử tri bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính...

Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét.

Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo ngại lớn khi kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp, trong đó tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ ngày 1.10.2021 đến ngày 31.7.2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,61%. Song tỉ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% với 396 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền... Phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực...

Đồng thời hoàn thành điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản nhà nước... 

Điều hành xăng dầu "có gì đó chưa phù hợp"

Thảo luận về báo cáo kiến nghị, cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng về vấn đề liên quan xăng dầu, báo cáo có nói nhưng đề nghị nên bổ sung thêm hiện nay nhân dân phản ảnh việc điều hành chính sách, kể cả điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu, chiết khấu của chúng ta hiện có gì đó chưa phù hợp. Điều này dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu nói càng kinh doanh càng lỗ nên đóng cửa, có chỗ chỉ bán cho người dân 50.000 đồng. Việc đóng cửa hàng xăng dầu ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, do đó cần phản ánh.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Lương không tăng nhưng học phí, các dịch vụ lại tăng cao