Luôn nhớ về một tấm gương cao cả của báo chí cách mạng

01/04/2014 19:32

Bài học về nhà báo cách mạng Nguyễn Lương Bằng vẫn là bài học lớn cho mỗi người cầm bút...


Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi về làm ở báo tỉnh, tôi đã thấy rất tự hào rằng quê hương Hải Dương mình lại là nơi sinh ra một người chiến sĩ cách mạng kiên cường là đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Những năm ấy, ngoài làm báo, anh em chúng tôi còn tham gia các trại viết của Sở Văn hóa, sau này là của Hội Văn học nghệ thuật. Trong các đề tài viết, có mảng hồi ký cách mạng, hồi ký kháng chiến. Ai cũng nghĩ đến một vinh dự nếu mình được viết về đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Những danh hiệu mà các chiến sĩ cộng sản suy tôn ông như "Anh Cả", "Sao Đỏ" đã nói lên phần nào công lao, đức độ của ông. Đã có những tập hồi ký do Trung ương xuất bản, trong đó có bài rất dài, nội dung phong phú và xúc động về đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Nhưng đó vẫn là các bài viết của nhà văn, nhà báo ở Hà Nội. Làm sao anh chị em cầm bút ở tỉnh nhà có thể tiếp cận, ghi chép sâu hơn, cụ thể hơn về nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của Hải Dương.

Ở Báo Hải Dương mới lúc đó, anh Nguyễn Thi, Phó Tổng Biên tập, lại là cháu họ của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Một lần, anh Thi lên Hà Nội, vào gia đình đồng chí, cũng có ý muốn đặt vấn đề cho anh em phóng viên lên. Anh Thi ngồi chơi với bác gái và các chị. Đến gần trưa thì bác Bằng về. Anh đứng lên lễ phép chào hỏi, rồi tự giới thiệu: "Cháu là Đạo, là con ông bà... ở thôn Đông". Nghe thế, bác Bằng gật đầu, bảo "có nhớ", rồi mời anh ngồi chơi, dùng cơm với gia đình. Bác Bằng hơi mệt. Bác bảo: "Tôi đang bị bệnh đường ruột, và cũng đang rất bận, lát nữa phải đi ngay". Thế là anh Nguyễn Thi không dám đề nghị gì nữa.

Tôi lại nghe anh Nguyễn Tài, cán bộ Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh và mấy người được lên gặp theo hẹn của bác Bằng. Anh Tài chuẩn bị một cái "đề cương" trong sổ tay rất chi tiết, toàn những gạch đầu dòng, như những lần gặp gỡ khai thác các vị lãnh đạo khác. Đến giờ hẹn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng về. Rất thân mật, giản dị, ân cần, nhưng cũng lại hết sức khiêm tốn. Anh Tài nêu các câu hỏi, bác Bằng bảo: "Sách báo viết cả rồi đấy, đồng chí về tìm đọc nhé". Hỏi tiếp các chuyện công tác khác, bác đều khéo léo giới thiệu đến gặp đồng chí nào, ở đâu. Hỏi về chuyện ở ấp Dọn (xã Thái Dương, Bình Giang), nơi xuất bản báo Công Nông, bác lại giới thiệu về mấy gia đình ân nhân ở đó... Trong khi đó, mấy đồng chí cần vụ cứ lượn đi lượn lại, có ý nhắc khéo với khách Hải Dương là đã đến giờ bác Bằng nghỉ ngơi. Thế là bản tường trình tư liệu về đồng chí Nguyễn Lương Bằng của nhóm cán bộ Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh chỉ vẻn vẹn có mấy trang sơ lược.

Trong số các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh những năm trước khi hợp nhất Hải Dương - Hưng Yên, tôi được đồng chí Nguyễn Chương (Bí thư Tỉnh ủy do Trung ương cử về) rất ưu ái, nhiều lần cho đi công tác cùng. Biết anh là cựu tù chính trị ở nhà tù Sơn La, đã vượt ngục thành công. Anh người thấp nhỏ, như một cậu bé, mắt lại bị toét, anh em thường gọi là "Lợi toét". Nhân lúc bọn giải tù không để ý, anh giả làm trẻ lạc, khóc tu tu, đi gọi "mẹ ơi", rồi trốn thoát. Tôi có hỏi anh về đồng chí Sao Đỏ, anh Nguyễn Chương cười bảo: "Chuyện dài lắm, lúc nào mình kể...". Nhưng rồi cho đến lúc anh chuyển công tác về Trung ương, tôi cũng không có dịp nào hỏi được về bác Nguyễn Lương Bằng.

Không trực tiếp khai thác tài liệu về đồng chí Nguyễn Lương Bằng, nhưng chúng tôi và các bạn viết ở tỉnh vẫn có những ghi chép về cuộc đời, về đạo đức cách mạng, về những gian lao "gươm kề cổ, súng kề tai" của người cộng sản xuất sắc sinh ra ở xã Thanh Tùng (Thanh Miện). Có bài viết ghi lại lời kể của người ở quê hương thôn Đông; lại có bài từ các gia đình ấp Dọn đã cưu mang, giúp đỡ nhà báo lớn Nguyễn Lương Bằng khi in ấn và phát hành báo Công Nông trong điều kiện kẻ địch truy lùng gắt gao hằng ngày. Riêng tôi đã khai thác được đề tài lúc ấy còn "hơi bị hiếm" là chuyện bác Nguyễn Lương Bằng lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Đại sứ nước ta tại Liên Xô, từ năm 1952.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, tôi nghĩ đến thế hệ làm báo hôm nay và tin rằng bài học về nhà báo cách mạng Nguyễn Lương Bằng vẫn là bài học lớn cho mỗi người cầm bút. Việc tỉnh ta đặt ra Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng là một sự cổ vũ đối với các đồng nghiệp, noi theo tấm gương cao cả, người đã đánh dấu một mốc son chói lọi cho báo chí cách mạng tỉnh nhà, mà những người làm báo phải thường xuyên học tập và rèn luyện.

NGUYỄN HỮU PHÁCH


(0) Bình luận
Luôn nhớ về một tấm gương cao cả của báo chí cách mạng