Luôn giữ lửa nghề

21/06/2021 18:11

Trong khi nghề báo, nhà báo bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình giải trí, mắc vào không ít cạm bẫy, thì vẫn còn đó những nhà báo trẻ giàu tâm huyết, yêu nghề.

Họ không chỉ tự biết thắp lửa nghề cho mình, mà còn gắng gỏi trui rèn, dám dấn thân, đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, những vùng sự kiện nóng để viết những loạt bài có chất lượng, giàu hiện thực cuộc sống.

Thời điểm này, công nghệ và mạng xã hội đang rất phát triển đã trực tiếp mang lại những thuận lợi cho người trẻ khi đeo đuổi nghề báo. Dĩ nhiên, thông qua các công cụ này, việc truyền tải thông tin đến độc giả cũng dễ dàng và thuận lợi. Nhưng nói như vậy không hẳn tất cả đều tích cực. Nói cách khác, trong một chừng mực nào đó những thứ này sẽ làm những người trẻ bị “ngợp” và rất có thể tự đánh mất bản ngã. Họ sẽ bị lười theo đúng nghĩa khi quá ỷ lại vào các thông tin trôi nổi trên mạng. Bài viết cần chất liệu thực tế mà không đi thực tế, chỉ ngồi trong phòng với máy lạnh và điều hòa rồi “chém gió”, chắc chắn không phải là một tác phẩm báo chí hay.

Ưu thế lớn nhất khi làm báo hiện nay là tuổi trẻ nhưng đó cũng là nhược điểm. Tuổi trẻ thì mạnh khỏe nhưng kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng lại không phải là thế mạnh. Vì vậy, điều cần thiết nhất cho nhà báo trẻ chính là bước vào thực tiễn. Việc trau dồi và phát huy năng lực được rèn giũa từ chính quá trình thực tiễn triển khai đề tài. Nhà báo trẻ muốn có một bài báo hay thì việc đầu tiên phải biết đi, biết đến… Đi là đi đến nơi xảy ra sự việc, nơi phát sinh những vấn đề, đến là đến đúng nơi, hỏi đúng người để có được thông tin chính xác, đa chiều.

Đi và tiếp cận thực tế hết sức quan trọng bởi nhờ những chuyến tìm tòi như vậy thì vốn sống, lăng kính, thế giới quan của người làm báo sẽ ngày càng đầy đặn. Từ những tư liệu này, bài viết khi đến được tay người đọc mới mang hơi thở cuộc sống, mới khách quan và bảo đảm tính xác thực trong thông tin. Với những người trẻ làm báo, việc “xách ba lô lên và đi” lại càng quan trọng. Nhà báo học ở đâu? Trước hết học từ chính thực tế, từ những vụ việc… qua những chuyện gai góc khi va chạm, khi tiếp cận, các kỹ năng cần thiết để làm nghề sẽ dần được hoàn thiện. Chỉ có không ngừng học những điều hay, không ngừng hoàn thiện bản thân thì những người trẻ mới có thể vững vàng với nghề.

Tôi từng có may mắn được đi công tác cùng một nhà văn, nhà báo ở một cơ quan báo chí lớn. Trước khi đi với anh, đọc các bài anh viết, tôi thấy tính chân - thiện - mỹ trong từng câu chữ. Đi mới biết, với mỗi trường hợp, hoàn cảnh khi tiếp xúc, anh đều có cách ứng xử rất riêng. Đôi lúc mềm mỏng như một chuyên gia tâm lý, cũng có khi nghĩa hiệp như một Mạnh Thường Quân. Tôi biết, kinh tế anh cũng chẳng khá giả gì nhưng với những trường hợp khó khăn, anh đều móc ví, đều trân trọng và lựa lời gửi, giúp đỡ tận tay họ. Đấy là thiện nguyện, dù nhỏ bé, giản dị nhưng cũng đầy nhân văn, cho thấy một phần cốt cách đáng quý của người làm nghề. Riêng với trách nhiệm khi đứng giữa thời cuộc, việc làm sao để tiếp xúc, nói lên tiếng nói của người dân đó là trách nghiệm và trong chừng mực nào đó, nó cũng là ý nghĩa tồn tại của một nhà báo chân chính. Dĩ nhiên, trước những cám dỗ từ thực tế, những sức ép từ nhiều phía, việc dám đương đầu, vượt qua tất thảy để nói lên những trăn trở, bức xúc của người dân… không phải nhà báo nào cũng làm được. Điều này cần một bản lĩnh thông qua sự tôi rèn và giác quan nhạy cảm sau quá trình lăn lộn với nghề.

Chưa bao giờ nghề báo có nhiều thách thức và khó khăn như hiện nay. Sự phát triển của mạng xã hội đã lấn át cũng như thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng. Kèm theo đó là những thông tin giả, tin lá cải được lan truyền với tốc độ chóng mặt đang làm giảm đi sự cuốn hút, tin tưởng của công chúng với thông tin báo chí.

Không chỉ vậy, sự phát triển bùng nổ các trang báo điện tử cũng đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tờ báo. Có những tòa soạn luôn yêu cầu phóng viên mỗi ngày phải có tin, bài, thậm chí có tòa soạn báo điện tử quy định tin, bài phải có 1.000 lượt xem thì mới được tính nhuận bút. Sự cạnh tranh này hối thúc các tờ báo phát triển hệ thống thông tin, truyền dẫn nhanh hơn, nhưng cũng nảy sinh những vấn đề về độ chính xác, đa chiều… Áp lực đang đặt lên vai người làm báo ngày càng nặng nề hơn bao giờ hết. Chính điều đó khiến cho nhiều nhà báo triển khai đề tài bằng mọi giá, hùa theo mạng xã hội để có thông tin nhanh, thu hút người đọc. Trong khi nhiều thông tin trên mạng xã hội được dàn dựng tạo ra với những mục đích gây nhiễu loạn, tư lợi cá nhân.

NGUYỄN VĂN HỌC

(0) Bình luận
Luôn giữ lửa nghề