Lúng túng phân luồng học sinh THCS

27/04/2017 06:43

Chỉ tiêu 30% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp được đánh giá là cao so với thực tế.



Việc hướng nghiệp cho học sinh THCS gặp nhiều khó khăn do tâm lý phụ huynh và học sinh vẫn thích học THPT
 hơn học nghề. Trong ảnh: Học sinh lớp 9 Trường THCS Minh Đức (Tứ Kỳ) trong giờ học môn hướng nghiệp

Tiếp tục học THPT chứ không học nghề vẫn là xu hướng chung của học sinh THCS trong tỉnh hiện nay. Trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh lớp 9 thi vào THPT của các huyện dao động từ 82,2-94,4%, phản ánh tâm lý chung của học sinh chưa quan tâm đến học nghề.

Các trường nghề và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên kết hợp đào tạo nghề rất khó tuyển sinh học sinh vừa tốt nghiệp THCS. Bà Nguyễn Thị Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tứ Kỳ cho biết trung tâm thường không tuyển được học sinh nào ở 9 xã trong huyện.

Trong hơn 2.000 học sinh học xong lớp 9 của năm 2016, trung tâm chỉ tuyển được 273 học sinh vào học các lớp dạy nghề.

Chương trình hành động số 53-CTr/TU ngày 12.3.2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 bảo đảm 30% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu này được đánh giá là rất khó đạt. Ông Lê Văn Tần, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kinh Môn cho biết tỷ lệ học sinh THCS thi đỗ THPT của huyện trung bình đạt 83%.

Số học sinh tốt nghiệp THCS đi học các trường nghề có tăng nhưng chỉ đạt từ dưới 10-15%, nên phấn đấu đạt 30% là rất khó khăn. Đây cũng là tình trạng chung trong toàn tỉnh.

Học sinh THCS hiện nay đều được học môn hướng nghiệp song tác dụng định hướng nghề nghiệp để phân luồng còn hạn chế.

Theo cô giáo Trần Thị Nguyên dạy môn hướng nghiệp tại Trường THCS Hiệp An (Kinh Môn), học sinh thường e ngại không làm được việc khi đi học nghề và trông chờ vào sự định hướng từ gia đình.

Nhiều phụ huynh lo khó quản lý con khi theo học tại các trường nghề vì tại huyện Kinh Môn chưa có các trường này.

Hoạt động dạy nghề tại các trường THCS chủ yếu để học sinh có chứng chỉ và được cộng điểm khi thi vào THPT chứ không có nhiều tác dụng đối với việc phân luồng.

Một nguyên nhân lớn dẫn đến việc phân luồng còn lúng túng là do mâu thuẫn trong chỉ tiêu phấn đấu và cách đánh giá thi đua của ngành giáo dục.

Vào cuối năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo có bảng xếp hạng thứ tự các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THCS dựa trên tiêu chí tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THCS dự thi vào THPT và điểm bình quân đạt được.

Những học sinh vào học nghề, không thi vào lớp 10 THPT sẽ khiến tỷ lệ này bị hạ thấp nên nhiều trường THCS không khuyến khích học sinh học nghề. Ngoài ra, còn có hiện tượng các trường THPT ngoài công lập cạnh tranh với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên có đào tạo nghề bằng cách liên kết với các trường THCS để lôi kéo học sinh vào học, khiến lượng học sinh học nghề khó tăng.

Để phấn đấu đạt chỉ tiêu 30% số học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần có sự điều chỉnh chỉ tiêu thi đua cho phù hợp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong trường THCS; mở rộng mô hình các Trung tâm Giáo dục thường xuyên có dạy nghề để học sinh tốt nghiệp THCS muốn học nghề không phải đi xa nhà.

VIỆT HÒA - VIỆT QUỲNH

4 ưu điểm của việc học trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp THCS

1. Thay vì học 3 năm THPT cộng 2 năm trung cấp nghề (TCN) (tổng cộng 5 năm) mới lấy được bằng thì học sinh tốt nghiệp THCS chỉ cần học 3 năm để hoàn tất chương trình TCN.
2. Học sinh tốt nghiệp THCS đi học TCN được miễn 100% học phí, được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi.
3. Các em được đào tạo song song TCN và văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên trong cùng một thời gian.
4. Chương trình đào tạo nghề gồm 70% thời gian thực hành, 30% lý thuyết đan xen nhau.

PV (tổng hợp)


(0) Bình luận
Lúng túng phân luồng học sinh THCS