Thêm một mất mát nữa cho học giới trong nước khi GS.TS. LS Nguyễn Vân Nam trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện hồi 22 giờ 30 ngày 7.9, sau hơn 10 ngày nhập viện vì COVID-19.
GS.TS. Luật sư Nguyễn Vân Nam trong lần ra mắt sách tại NXB Trẻ - Ảnh: L.ĐIỀN
Luật sư Nguyễn Vân Nam có nhà riêng ở Đồng Nai, sau khi nhiễm COVID-19 ông được chuyển lên Bệnh viện 175 tại TP Hồ Chí Minh. Cách đây mấy hôm, tin tức từ người thân cho hay ông trở nặng, phía bệnh viện tiên lượng xấu.
Sáng nay 8.9, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh - từng là bạn học thời Học sinh Miền Nam cho hay luật sư Nguyễn Vân Nam đã ra đi vào đêm qua.
Những người quen biết luật sư Vân Nam đều ngỡ ngàng khi hay tin ông gục ngã trước cơn đại dịch COVID-19, dù có người biết trước đó ông bị bệnh nền.
Luật sư Nguyễn Vân Nam là chuyên gia về sở hữu trí tuệ. Ông là Việt kiều Đức (sống tại Đức từ năm 1986), về nước mở công ty luật từ năm 2003 và có nhiều đóng góp cho nước nhà trong việc góp ý xây dựng các bộ luật không chỉ về sở hữu trí tuệ mà còn ở lĩnh vực cạnh tranh, thương mại.
Ông đã hoàn thành đề tài "Xây dựng và thực hiện chiến lược Sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế", theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh.
Nhiều người biết đến ông như một tiếng nói có trách nhiệm về nhiều vấn đề xã hội trên phương diện pháp lý, với tinh thần thượng tôn pháp luật và hướng đến một tương lai với kỳ vọng Việt Nam sẽ có tinh thần thượng tôn pháp luật "giống như các nước phát triển".
Đồng nghiệp trong giới luật sư cũng ấn tượng và đồng cảm khi vào khoảng năm 2010, luật sư Nguyễn Vân Nam đã đứng ra hỗ trợ miễn phí cho một người nông dân đầu tiên của tỉnh Đồng Nai - anh Nguyễn Lam Sơn - làm các thủ tục kiện Vedan ra tòa do bị thiệt hại bởi ô nhiễm môi trường.
Sinh thời, luật sư Nguyễn Vân Nam dành tâm huyết cho việc phổ cập kiến thức luật bằng nhiều hình thức, và xem đó như một "cửa ra quyết định" để xã hội Việt Nam hội nhập bình thường vào thế giới văn minh.
Ông từng trả lời báo chí rằng, "tại Việt Nam, tôi ngày càng được người dân, doanh nghiệp tin tưởng có thể bảo vệ tốt quyền lợi của họ. Tôi chỉ góp phần thông qua các bài viết, ý kiến của mình, chỉ ra cái nào là đúng, không phù hợp với quốc tế, loài người nói chung...".
Cũng vì chuyên tâm vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhiều lần luật sư Vân Nam bày tỏ sự thất vọng khi cách xây dựng luật cũng như hướng tiếp cận về lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam được xem là "không ổn".
Từ thực tế công việc, ông dành nhiều năm để viết quyển sách Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng (NXB Trẻ, 2017). Đây là công trình bình luận luật, trong tâm sự lúc ra mắt sách, luật sư Nguyễn Vân Nam chia sẻ "bình luận luật là công trình trước tác quan trọng nhất của một luật sư, theo quan niệm của giới luật tại Đức".
Đặt vị trí của sở hữu trí tuệ vào bối cảnh hội nhập của Việt Nam, quyển sách này là cẩm nang mang khối lượng kiến thức đồ sộ, được trình bày sáng sủa dễ hiểu, thậm chí có cả chút hoạt kê trong phong cách viết.
Quyển này cũng đoạt giải Sách Hay năm 2018 như một ghi nhận xứng đáng cho công trình quan trọng của ông.
Trong lần gặp ông vào năm trước - mà giờ đây thành ra lần gặp cuối cùng - luật sư Nguyễn Vân Nam cho biết hiện ông đang nghiên cứu về "sự tồn tại" trong nghĩa rộng nhất của khái niệm này. "Đó có thể là khởi đầu của một thuyết mới...", ông tiết lộ.
Sau đó thì cơn đại dịch COVID-19 tràn tới và không rõ đến nay công trình này đã được ông nghiên cứu đến đâu.
Trên trang cá nhân, bạn thân của ông là nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nhắc lại câu thơ "Hoa thường hay héo cỏ thường tươi" như lời tiễn bạn kèm theo nhiều tâm sự.
Trang cá nhân của bà Ngô Phương Thảo - người từng in quyển sách Nhìn lại thấy xa hơn của ông - cũng thảng thốt ghi lời chia buồn từ xa: "Vậy là vườn hồng thiếu người chăm. Và Việt Nam mất đi một người thương dân, thương nước...".
Sinh năm 1956 ở Cần Thơ, luật sư Nguyễn Vân Nam tốt nghiệp ngành hóa Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh năm 1981; sống tại Đức từ năm 1986, có bằng cử nhân triết học và kinh tế ở Đức, thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ về luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh, tiến sĩ về luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Được phong giáo sư tại Đức năm 2002.
Tác phẩm được Ủy ban Liên minh châu Âu đặt hàng mang tên "Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước", xuất bản ở Đức 2002.
Các sách của luật sư Nguyễn Vân Nam đã được xuất bản tại Đức: Vai trò nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa; Tác động của bảo hộ sáng chế đối với các nước đang phát triển; Phân lập quyền lực trong mô hình liên bang áp dụng cho Liên minh Châu Âu... Xuất bản tại Việt Nam: Toàn cầu hóa và sự tồn vong của Nhà nước; Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng, Nhìn lại thấy xa hơn...
Theo Tuổi trẻ