Luật phải tạo đột phá về thể chế

12/11/2014 04:09

Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.



Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận tại tổ. Ảnh: Trung Thu

Quản lý chặt chẽ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đề nghị rà soát để tránh chồng chéo với một số luật, dự án luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho rằng dự án luật chỉ quy định các nội dung về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đối với việc đầu tư vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội... được quy định tại Luật Đầu tư công; quản trị doanh nghiệp được quy định tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật không chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị dự thảo luật phải tạo đột phá về thể chế nhằm tác động mạnh mẽ đến tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, gắn kết chặt chẽ với hệ thống pháp luật có liên quan đã ban hành như Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như các dự án luật liên quan đang được QH xem xét tại kỳ họp lần này. Đặc biệt, cần phân định rõ về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đến các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cân nhắc có thể bỏ nguyên tắc: Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp. Theo đại biểu Vẻ, đối với doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn nhà nước trong nhiều trường hợp, các cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp ngay vào hoạt động quản lý điều hành của người quản lý doanh nghiệp.

Trên cơ sở tán thành với 8 nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên đại biểu Trương Văn Vở vẫn băn khoăn và cho rằng nên quy định đậm nét nguyên tắc: cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước. Theo đại biểu Vở thì đây chính là cơ sở để gắn kết nhất quán giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp với quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. "Đây chính là điều kiện bảo đảm kinh doanh sản xuất có hiệu quả, bảo tồn, bảo toàn, gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phòng, chống thất thoát, lãng phí vốn nhà nước và doanh nghiệp", đại biểu Vở nhấn mạnh.

Thảo luận về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, phạm vi trong dự thảo luật còn rộng và chưa cụ thể; khó xác định được giới hạn danh mục ngành cần đầu tư vốn, tạo động lực cho các ngành, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định xã hội, kinh tế nhà nước. Do đó, đại biểu Vinh đề nghị cần quy định rõ hơn các ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước phải đầu tư 100% vốn; những ngành nhà nước tham gia góp vốn nhưng tỷ lệ vốn góp phải đạt tỷ lệ chi phối hoạt động của doanh nghiệp; các lĩnh vực nhà nước không cần đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa của nhà nước tại doanh nghiệp...

Có thể giảm một nửa chương trình học

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Dương) nêu nhiều vấn đề Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa đề cập hoặc đề cập chưa đúng như vị trí của Hiến pháp trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; định nghĩa về văn bản quy phạm pháp luật... Đại biểu Vân đề nghị nghiên cứu rõ, nên gọi rõ là văn bản quy phạm pháp luật, văn bản xử lý vi phạm pháp luật để xác định cơ quan ban hành văn bản. Theo đại biểu Vân, tên gọi của điều 10 chưa rõ, nếu là nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì nên đưa lên phần đầu dự án luật. Đại biểu Vân tán thành việc sáp nhập các đạo luật hiện hành. Tuy nhiên, nếu duy trì thành phần ban soạn thảo như hiện nay khó tránh khỏi lợi ích nhóm. "Sáng kiến của ai nên để người đó chủ trì và nếu liên quan đến cơ quan chuyên môn, đoàn thể, hội, tổ chức nào thì mời đại diện tham gia", đại biểu Vân đề nghị.

Ở chương III, đại biểu Vân đề nghị nên có ít nhất 1 điều quy định về Chiến lược xây dựng pháp luật

Ngày 12-11, buổi sáng, QH làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và  báo cáo thẩm tra Tờ trình về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động; thảo luận về dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.

phù hợp với Cương lĩnh của Đảng, sau đó có các quy hoạch quan hệ pháp luật, kế hoạch, chương trình, xây dựng pháp luật. Cần đổi mới cách thức thảo luận, đại biểu phải chuẩn bị ý kiến theo tình huống xử lý ngoài hội trường; cách tổng hợp của chủ tọa, cách lấy ý kiến của đại biểu. Cần có 1 chương về kỷ luật xây dựng văn bản pháp luật.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, gánh nặng học hành đang biến các em học sinh thành các “ông cụ non, bà cụ non” và có thể giảm một nửa chương trình mà các em đang phải học. Các em học đến mụ mẫm đi. Học quá nhiều”, đại biểu An nhận định.

Vẫn theo đại biểu An, việc phải học với chương trình nặng nề đã dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan. “Tôi cho rằng phải lược bỏ đi những phần rườm rà, không cần thiết. Đặc biệt là phải cấu tạo cân đối giữa học kiến thức và vui chơi thể thao, văn nghệ", đại biểu An kiến nghị.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ: Giáo dục trước hết phải hướng vào phát triển nhân cách, con người phải được giáo dục về lòng tự trọng, tự hào dân tộc, tình thương và lòng nhân ái. Chương trình, sách giáo khoa phải hướng đến mục tiêu này.

PV-TTXVN-TT

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương):

Bộ không nên trực tiếp biên soạn sách giáo khoa


Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông phải bảo đảm được các yêu cầu: đổi mới chương trình, SGK; đổi mới phương pháp dạy học cùng với việc đổi mới đào tạo giáo viên; đổi mới quản lý giáo dục; đổi mới về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... Trong các nội dung cần đổi mới, vấn đề quan trọng nhất là đổi mới phương pháp giảng dạy. Đây là một trong những vấn đề có tính căn bản, cốt lõi cần được đổi mới. Theo tôi, dự thảo cần bổ sung làm rõ hơn các giải pháp về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, đào tạo phương pháp giảng dạy mới phù hợp với chương trình, SGK cho đội ngũ giáo viên cả nước để có thể đáp ứng được yêu cầu của đổi mới chương trình, SGK. Việc có nhiều bộ SGK do nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn sẽ huy động được nguồn trí tuệ và tài chính của xã hội, đồng thời có thể tạo được sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng SGK, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cho các cơ quan quản lý cũng như gây bối rối cho các nhà trường, học sinh và phụ huynh. Khi thẩm định SGK, Bộ GDĐT nên khuyến khích viết các nội dung kiến thức theo hướng mở, không nên đưa vào SGK những thông tin, số liệu thống kê quá cụ thể về các lĩnh vực ở những thời điểm đã qua hoặc hiện tại. Bộ GDĐT không nên trực tiếp biên soạn SGK mà chỉ đạo biên soạn và thẩm định. Để có một bộ SGK có chất lượng cần huy động chính những đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước Nhà nước.

Qua nhiều lần biên soạn SGK, nước ta đang có bộ SGK tương đối tốt, nhiều nội dung vẫn còn phù hợp. Vấn đề là phải xuất phát từ yêu cầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, để tiếp tục cải tiến, đổi mới biên soạn SGK trên cơ sở kế thừa các bộ SGK cũ, có sự học tập, tiếp thu từ kinh nghiệm quốc tế. 

(0) Bình luận
Luật phải tạo đột phá về thể chế