Các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành giáo dục cần bám sát tinh thần chỉ đạo đã nêu để phát huy những ưu điểm mà luật hướng đến...
Luật Giáo dục (sửa đổi) có mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở, liên thông giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội lựa chọn học tập, định hướng nghề nghiệp
Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phát triển. Mục tiêu của Luật Giáo dục (sửa đổi) hướng đến phát triển nền giáo dục toàn diện với chức năng xây dựng con người Việt Nam đủ phẩm chất hội nhập quốc tế. So với Luật Giáo dục 2009, Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này bổ sung, sửa đổi 47 trong tổng số 120 điều, bãi bỏ 10 điều không còn phù hợp.
Một trong những thay đổi căn bản của Luật Giáo dục (sửa đổi) là tạo ra tính chất mở và liên thông của hệ thống giáo dục. Luật khẳng định hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm chính quy và giáo dục thường xuyên. Coi học tập là công việc suốt đời để liên tục cập nhật các xu hướng giáo dục hiện đại, trình độ tiên tiến của thế giới.
Ở mỗi bậc học, từ tiểu học đến THPT, Luật Giáo dục (sửa đổi) đều có những quy định thay đổi căn bản về mục tiêu giáo dục. Trong đó, quy định cụ thể những yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước. Luật cũng chỉ rõ chương trình giáo dục phổ thông có thể được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
Theo Luật Giáo dục (sửa đổi), hệ thống giáo dục thường xuyên được nâng lên một tầm mới với vai trò phục vụ cho mục tiêu mở của hệ thống giáo dục theo hướng học tập suốt đời. Luật bổ sung nhiều chính sách mới để phát triển giáo dục thường xuyên. Các cơ sở giáo dục thường xuyên phát triển cả hệ thống công lập và dân lập.
Luật cũng quy định rõ về nhà giáo và trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo. Trong đó, tiến tới giáo viên tiểu học và THCS phải có trình độ từ đại học trở lên. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Nếu như trước đây, sinh viên theo học ngành sư phạm được miễn học phí thì theo Luật Giáo dục (sửa đổi), sinh viên sẽ chuyển sang hình thức được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được miễn khoản vay này. Ngoài ra, luật cũng có một số điểm mới liên quan đến công tác tổ chức kiểm định giáo dục, việc công nhận văn bằng nước ngoài...
Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường Tiểu học Lam Sơn (Thanh Miện) bày tỏ đồng tình với những thay đổi mà Luật Giáo dục (sửa đổi) nêu ra. Đối với yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS phải đạt trình độ từ đại học trở lên là cần thiết. Bởi giáo viên là người truyền thụ kiến thức cho học sinh. Ở cấp học thấp không có nghĩa yêu cầu về trình độ của giáo viên không cần cao. Các thầy giáo, cô giáo ở những cấp học này chính là người đặt nền móng về kiến thức, tư duy cho các em sau này. Nếu thầy cô có trình độ cao, được đào tạo chuyên sâu thì khả năng giảng dạy sẽ tốt hơn. "Sau một vài năm công tác tôi đã nhận ra điều này. Vì vậy, tôi đã đăng ký học liên thông đại học chuyên ngành sư phạm. Nhưng tôi biết chắc rằng trong hệ thống giáo dục, nhất là ở những tỉnh miền núi thì số lượng giáo viên các bậc học này có trình độ cao đẳng vẫn còn rất nhiều", cô giáo Hà cho biết.
Khá nhiều người cũng đồng quan điểm với những thay đổi về hướng giáo dục mở, toàn diện. Đây được coi như là bước đệm để học sinh có thêm nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp; công chức, viên chức, người lao động có cơ hội nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp để thúc đẩy hiệu quả công việc. Việc thay đổi hình thức và yêu cầu về học phí đối với sinh viên sư phạm cũng nhận được sự đồng tình cao. Điều này sẽ giúp giảm sự lãng phí, gánh nặng không cần thiết đối với ngân sách...
Phải đi vào thực tế triển khai mới có thể đánh giá đầy đủ tính chất phù hợp hay hạn chế của những điểm mới trong luật. Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành giáo dục cần bám sát tinh thần chỉ đạo đã nêu để phát huy những ưu điểm mà luật hướng đến và tránh không để xảy ra việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật gây hệ lụy xấu cho xã hội.
NGỌC THANH