Luật Công chứng (sửa đổi) khắc phục bất cập về thể chế

21/06/2014 02:25

Ngày 20-6, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 26, biểu quyết thông qua Dự án Luật Công chứng (sửa đổi).



Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi)


Bỏ nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận”

Theo báo cáo tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ QH, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Dự thảo Luật đã được bỏ nội dung “không vì mục đích lợi nhuận” trong các nguyên tắc hành nghề công chứng vì không khả thi, không khuyến khích được việc xã hội hóa hoạt động công chứng. Như vậy, điều 4 của Luật vừa được thông qua quy định các nguyên tắc hành nghề công chứng bao gồm: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; khách quan, trung thực; tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng.

Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung dịch thuật

Trong số các quy định cụ thể của Luật, về phạm vi chịu trách nhiệm công chứng viên đối với công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản - vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau sau khi xin ý kiến đại biểu QH, trách nhiệm của công chứng viên được quy định: "Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng". Điều này có nghĩa công chứng viên là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thành của bản dịch so với văn bản gốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý giải thích, quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng bản dịch có công chứng, tránh việc khi phát hiện sai sót trong bản dịch thì người dân không biết phải tìm ai để yêu cầu bồi thường. Mặt khác, do phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước người yêu cầu công chứng về bản dịch được công chứng nên công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ để có thể kiểm soát được chất lượng bản dịch.

Công chứng viên được chứng thực bản sao và chữ ký


Ngày 21, 22-6, QH nghỉ. Ngày 23-6, buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Hải quan (sửa đổi); thảo luận về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); thảo luận Dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Một vấn đề khác từng có ý kiến tranh luận là việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chuyển các nội dung quy định về hoạt động chứng thực của công chứng viên thành một điều riêng ở chương 10 để tránh việc nhầm lẫn giữa các quy định về công chứng và chứng thực, thuận lợi hơn cho việc quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật. Cụ thể, quy định công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản mà không giới hạn chỉ đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến nội dung được công chứng. Phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định như hiện nay. Dự thảo Luật vừa được thông qua cũng không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan tương tự như đối với các nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác. Sau khi được thông qua, Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.

Cũng trong ngày 20-6, QH họp riêng để thảo luận về các dự án Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi) và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

TTXVN - NA

Quốc hội cần ra tuyên bố về Biển Đông


Sáng 19-6, tại phiên thảo luận của QH về dự án Luật Căn cước công dân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã “xin lỗi QH được phát biểu về Biển Đông”.

Đại biểu Nghĩa tha thiết đề nghị QH ra tuyên bố thể hiện rõ thái độ trước các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc. “Nếu QH lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu QH chắc chắc sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri. Còn phía dư luận thế giới sẽ bình luận rằng: Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà QH nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa”, đại biểu Nghĩa nói.



(0) Bình luận
Luật Công chứng (sửa đổi) khắc phục bất cập về thể chế