Luật Báo chí 2016 tạo thuận lợi cho nhà báo trong tác nghiệp

13/01/2017 06:11

Với 9 điểm mới, Luật Báo chí 2016 không chỉ điều chỉnh hoạt động, hành vi của nhà báo, phóng viên mà còn liên quan tới quyền phát ngôn, quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân.



Luật Báo chí 2016 nâng cao vị thế và trách nhiệm của nhà báo, phóng viên
Ảnh: Thành Chung


Từ ngày 1-1-2017, Luật Báo chí 2016 chính thức có hiệu lực. Với 9 điểm mới, đạo luật này không chỉ điều chỉnh hoạt động, hành vi của nhà báo, phóng viên mà còn liên quan tới quyền phát ngôn, quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân.

Luật Báo chí 2016 tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo. Nhà báo có quyền hành nghề trong nước, ở nước ngoài theo quy định và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật khác theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn... Việc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí sẽ bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Luật cũng quy định rõ nhà báo khi tác nghiệp chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Đây là điểm mới, giúp tháo gỡ khó khăn cho nhiều nhà báo khi tác nghiệp. Theo nhà báo Đinh Mạnh Tú, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Hải Dương, thực tế nhiều đơn vị, địa phương đòi hỏi nhà báo phải có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan mới cung cấp thông tin, trong khi gặp tình huống đột xuất, nhà báo không thể về xin giấy giới thiệu của cơ quan, chỉ có thể xuất trình thẻ nhà báo. Với quy định mới này, việc tác nghiệp của nhà báo đã được cấp thẻ thuận lợi hơn rất nhiều. Quy định này cũng giúp các cơ quan, đơn vị tránh được nhầm lẫn khi phóng viên sử dụng “thẻ phóng viên” để ra vào cơ quan như thẻ hành nghề tới liên hệ làm việc tại các ngành, địa phương;  hạn chế hiện tượng mạo danh nhà báo, sử dụng thẻ, giấy giới thiệu của cơ quan báo chí khi đã chuyển công tác để gây phiền hà, nhũng nhiễu cơ sở, doanh nghiệp vì mục đích tư lợi. Với những phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo thì vẫn cần phải có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí khi tác nghiệp.

Một quy định mới trong Luật Báo chí cũng được dư luận đánh giá cao là bổ sung về cải chính. Ông Hoàng Văn Hùng, cán bộ nghỉ hưu ở phố Thanh Lâm (thị trấn Nam Sách) cho biết: "Có không ít nhà báo, phóng viên đưa thông tin thiếu chính xác lên báo, khi được phản hồi của người dân thì xin lỗi, cải chính rất rõ ràng. Nhưng cũng có nhiều báo, nhất là tờ báo điện tử chỉ gỡ bỏ thông tin sai mà không hề có lời cải chính hoặc xin lỗi bạn đọc". Để khắc phục tình trạng này, điều 42 của Luật Báo chí 2016 nêu rõ, cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Đối với báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Luật Báo chí 2016 có hiệu lực sẽ giúp các nhà báo, phóng viên thuận lợi hơn khi tác nghiệp, nhưng cũng đòi hỏi người làm báo phải có trách nhiệm hơn với nội dung thông tin của mình.

THANH HOA

(0) Bình luận
Luật Báo chí 2016 tạo thuận lợi cho nhà báo trong tác nghiệp