Luật An ninh mạng được nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ sở pháp lý để tạo ra sân chơi rất bình đẳng, doanh nghiệp cũng như khách hàng sẽ được hưởng lợi.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: gadgetsboy.co.uk)
Luật An ninh mạng mới được Quốc hội thông qua là một trong số những nội dung được cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài quan tâm, nhất là các quy định liên quan đến trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng.
Đồng thời, nhiều đại diện cơ quan chức năng, doanh nghiệp đánh giá, Luật An ninh mạng sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Không cản trở hoạt động kinh doanh doanh nghiệp
Cần khẳng định rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh... Luật An ninh mạng chỉ điều chỉnh nếu các dịch vụ trên không gian mạng do các doanh nghiệp này bị sử dụng vào mục đích vi phạm phạm luật.
Cụ thể, Khoản 8, Điều 16 quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng phải phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Đây là những thông tin vi phạm pháp luật, quốc gia nào cũng xử lý.
Khoản 3 Điều 19 quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng phải phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng để ngăn chặn, loại trừ hành vi tấn công mạng. Đây là hoạt động cần thiết, thuộc về trách nhiệm, không liên quan tới hoạt động kinh doanh.
Điểm b Khoản 2 Điều 21 quy định các doanh nghiệp viễn thông, internet, công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng là sự việc xảy ra trên không gian mạng khi có hành vi xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia, gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, khi xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, các doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp xử lý.
Điều 26 quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng trong bảo đảm an ninh thông tin mạng.
Khoản 2 Điều 29, quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng trong xử lý các thông tin xâm hại tới trẻ em trên không gian mạng.
Điều 41 quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng trong ngăn chặn xử lý các hành vi tấn công mạng; cảnh báo khả năng mất an ninh mạng và phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng trong hoạt động bảo vệ an ninh mạng.
Như vậy, trong bảy quy định liên quan tới trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, không có quy định nào liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động khởi nghiệp, nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất thiết bị của doanh nghiệp. Ngoại trừ việc phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng và một số trách nhiệm được quy định cụ thể trong Điều 41 liên quan tới cảnh báo, khắc phục, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các doanh nghiệp không phải chấp hành nghĩa vụ nào khác đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Trước một số ý kiến tuyên truyền xuyên tạc, hướng lái dư luận cho rằng Luật An ninh mạng sẽ gây cản trở cho việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Trung tướng Hoàng Phước Thuận (Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an) khẳng định rằng luật này không có quy định nào quy định về hoạt động thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp, đầu tư, mua bán, hay kinh doanh của doanh nghiệp; luật cũng không quy định yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải có giấy phép con mới được hoạt động.
Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Luật An ninh mạng được nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ sở pháp lý để tạo ra sân chơi rất bình đẳng. Không những vậy, nhiều đại diện doanh nghiệp viễn thông, dịch vụ mạng còn nhận định, doanh nghiệp cũng như khách hàng tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi luật An ninh mạng được ban hành.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho biết từ khi internet có mặt ở Việt Nam, có nhiều vụ can thiệp, tấn công mạng vào các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, được gây ra bởi các "hacker" trong nước cũng như nước ngoài. Với các hành vi như vậy, pháp luật hiện hành thiếu các hành lang pháp lý. Sự ra đời của Luật An ninh mạng giúp xử lý các hành vi xâm nhập, tấn công mạng, bên cạnh đó ông Bình cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hành lang pháp lý này.
"Hiện chưa có luật điều chỉnh doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong nhiều năm qua tạo ra sự bất công. Ví dụ như doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam tạo nhiều doanh thu, nhưng lại không có trụ sở tại Việt Nam, không tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, không mang lại nguồn thu từ thuế và ít chịu sử quản lý của cơ quan chức năng. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước trực tiếp tạo công ăn, việc làm cho người lao động, là bị sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng", Chủ tịch Tập đoàn NextTech phân tích. Do đó, trước hết, Luật sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên không gian mạng. "Theo đó, các doanh nghiệp trong nước bị quản lý thế nào, doanh nghiệp nước ngoài cũng phải chịu quản lý như vậy", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet trong nước, khi các dữ liệu internet được lưu trữ tại Việt Nam, chi phí cho đường truyền sẽ được cắt giảm. Đối với các doanh nghiệp trong nước hoạt động thương mại, quảng cáo trên internet thông qua Facebook, Google, Youtube..., các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải san sẻ nghĩa vụ thuế.
Theo ông Lê Đăng Phong, Ban Khai thác mạng của Tổng Công ty Hạ tầng mạng VNPT-Net, với những quy định của Luật An ninh mạng, khách hàng trong nước sẽ được hưởng lợi khi doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đa dạng các loại hình cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ trên không gian mạng.
TTXVN