Do không có mặt bằng, nhiều nhà mang bánh ra phơi trên đường đầy bụi bẩn; thậm chí có nhà phơi ngay cạnh đống rác, kênh nước thối...
Bánh đa được phơi gần đống rác
Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) từ những năm 60. Nhưng đến năm 1990 mới thực sự phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia sản xuất. Tháng 3-2006, Lộ Cương chính thức được công nhận là làng nghề. Hiện nay, làng có khoảng 400 hộ làm nghề, mỗi ngày sản xuất khoảng 33 tấn bánh đa các loại. Các hộ chủ yếu dùng than đốt để tráng bánh nên không khí ở làng nghề ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ nhỏ. Trước đây, làng nghề Lộ Cương phát triển thêm chăn nuôi lợn để tận dụng phế phẩm, nhưng nhận thấy chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nên nghề chăn nuôi lợn ở Lộ Cương giảm 70%. Trong quá trình sản xuất, nước gạo thừa không được tận dụng vào chăn nuôi lại thải trực tiếp ra ngoài kênh chính, sau đó chảy ra sông Sặt. Một ngày, mỗi nhà làm bánh đa thải ra 3m3 nước gạo, có nhà 5m3. Hằng năm, phường Tứ Minh đều tổ chức nạo vét kênh chính một lần để khơi thông dòng chảy nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm. Nhiều khu vực, nước gạo chảy qua rãnh không có nắp đậy. Những ngày mưa, nước thải tồn đọng gây ngập úng, bốc mùi hôi thối kéo dài đến hàng tuần mới hết. Do không có mặt bằng, nhiều nhà mang bánh ra phơi trên đường đầy bụi bẩn; thậm chí có nhà phơi ngay cạnh đống rác, kênh nước thối. Hiện tại, khu Lộ Cương có tổ vệ sinh môi trường với 6 xe rác thường xuyên dọn vệ sinh mỗi ngày. Tuy nhiên, tổ vệ sinh chỉ thu gom rác chứ không giải quyết được vấn đề nước thải và ô nhiễm môi trường vẫn không được khắc phục.
Để làng nghề bánh đa Lộ Cương vừa phát triển sản xuất, vừa bảo đảm môi trường, trước mắt khi chưa có hệ thống xử lý nước thải, mỗi gia đình làm nghề phải giữ gìn vệ sinh chung, không xả nước gạo ra đường và nên xây dựng hệ thống bi-ô-ga riêng để chứa nước thải. Những rạch mương xung quanh làng, đi qua các nhà dân phải được đậy nắp, hạn chế mùi hôi thối. Phơi bánh đa ở những nơi thông thoáng, cao ráo để bảo đảm vệ sinh, chất lượng. Tổ thu gom vệ sinh bảo đảm đường làng, khu phố sạch sẽ, đặc biệt khu vực gần chợ...
MINH NGUYÊN