Đây là một chủ trương đúng đắn, đòi hỏi trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác luân chuyển cán bộ.
Đồng chí Khổng Quốc Toản, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Kha (ngoài cùng bên trái)
thường xuyên xuống đồng nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong xã
Dù gặp không ít khó khăn nhưng nhờ được “tắm mình” trong thực tiễn, trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đã giúp cán bộ luân chuyển từng bước trưởng thành về tư duy, phong cách và bản lĩnh, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, có quan điểm và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý toàn diện hơn.
Thuận lợiTrước khi về làm Bí thư Huyện ủy Thanh Miện, đồng chí Lương Anh Tế là Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Lúc mới nhận quyết định luân chuyển về huyện anh rất băn khoăn. "Bởi tôi nhận thức nếu xuống huyện vài ba năm thì tôi sẽ nắm bắt được những gì và làm gì được cho cơ sở. Tuy nhiên, do trước đây tôi đã từng làm ở HTX nông nghiệp, đội trưởng đội sản xuất, rồi học chuyên ngành về kinh tế nông nghiệp và một thời gian làm ở một đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên khi về huyện Thanh Miện với đặc thù là một huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu trông vào nông nghiệp, tôi đã thích ứng rất nhanh. Chỉ mất 6 tháng tôi đã nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn trong phát triển nông nghiệp nói riêng cũng như tình hình kinh tế - xã hội nói chung của huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Với trách nhiệm là người lãnh đạo cao nhất của huyện, tôi đã phải xử lý những tồn tại, vướng mắc dưới huyện. Mặc dù, một số vấn đề đã có kết luận thanh tra nhưng khi biết có Bí thư Huyện ủy mới, họ lại có đơn thư đề nghị xem xét, giải quyết dứt điểm. Cụ thể như vấn đề vi phạm của cán bộ xã Hồng Quang, vấn đề chợ Thông (Đoàn Tùng). Sau khi nắm bắt được vấn đề, tôi đã tổ chức đối thoại, đề nghị các cấp, ngành xử lý nghiêm theo kết luận thanh tra. Từ đó, tình hình dần ổn định trở lại. Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện, tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện tập trung lãnh đạo các địa phương mở rộng và nâng cao diện tích, giá trị cây vụ đông, xây dựng các vùng chăn nuôi thủy sản tập trung cho thu nhập cao, mở rộng diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao... Anh Tế khẳng định: Việc được luân chuyển về địa phương, trực tiếp làm việc với dân, giải quyết các vấn đề thực tiễn đã giúp tôi trưởng thành thêm nhiều mặt".
Tháng 5 - 2009, khi đang là Phó Giám đốc Sở Công thương, đồng chí Lê Văn Hiệu được Tỉnh ủy điều động về giữ chức Bí thư Huyện ủy Nam Sách. Anh chia sẻ: “Đa số cán bộ khi được luân chuyển từ trên xuống đều được địa phương đón nhận rất trân trọng. Bởi họ cho rằng, người cán bộ này phải được cấp trên rất quan tâm, tin tưởng. Vì vậy, địa phương luôn cho rằng người cán bộ đó có một tầm cao hơn, phong cách và phương pháp làm việc có sự tiến bộ hơn. Người ta thường nói “cờ ngoài, bài trong”, từ cán bộ của một ngành, một lĩnh vực về làm cán bộ chủ chốt của một huyện đã giúp tôi có một góc nhìn mới mà không bị chi phối bởi những “lối mòn” xưa cũ mà nếu là cán bộ từ cơ sở đi lên sẽ hay sa vào. Cùng với đó, cán bộ mới cũng dễ nhìn ra những tồn tại mang tính chủ quan ở cơ sở để có thể đưa ra giải pháp cụ thể khắc phục”. Nhận thức rõ những thuận lợi đó, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Văn Hiệu đã cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách thực hiện việc đổi mới lề lối, phong cách làm việc, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, chính quyền địa phương. Cách làm đó đã được các phòng, ban của huyện hưởng ứng tích cực, tạo ra không khí làm việc hiệu quả hơn.
Khó khănCùng với những thuận lợi, cán bộ luân chuyển cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, đồng chí Lê Văn Hiệu cho biết: Cán bộ được luân chuyển về địa phương thường là cán bộ trẻ, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn là chưa nhiều. Hơn nữa, có một bộ phận cán bộ địa phương cho rằng “cái tầm, cái trí”, công lao đóng góp chưa nhiều cho địa phương của cán bộ luân chuyển không bằng họ, rằng họ chưa thực sự được quan tâm. Do đó, có suy nghĩ muốn “kìm hãm” hoặc không muốn cán bộ mới về làm được nhiều việc. Trong thời gian đầu, việc đầu tiên là cán bộ cấp dưới “nghe, xem” lãnh đạo mới thế nào nên việc tham mưu, tiếp cận rất dè dặt, hạn chế. Việc nắm bắt tình hình cơ sở gặp không ít khó khăn do có một phận cán bộ ở cơ sở muốn che đậy những tồn tại, hạn chế, muốn giữ cái cách mà họ vẫn làm trước đây. Do đó, việc đưa ra những thay đổi, những quyết định mới gặp không ít khó khăn. Thực tế ấy đòi hỏi người cán bộ phải giải quyết tốt các vấn đề này để làm sao có sức quy tụ được mọi người cùng nhìn về một hướng, từ đó tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Khi đang là cán bộ của Uỷ ban MTTQ huyện Thanh Miện, đồng chí Khổng Quốc Toản, 40 tuổi, được Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Miện luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Phạm Kha. Khi ấy, Phạm Kha đang là điểm “nóng” của huyện Thanh Miện. Một số cán bộ chủ chốt của xã vi phạm về quản lý kinh tế phải xử lý kỷ luật. Đồng chí Toản không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng: “Liệu địa phương có ủng hộ để mình giải quyết những khó khăn không? Liệu mình có đủ tầm để thực sự là “chỗ dựa” cho địa phương không?”. Trên huyện, đồng chí Toản chủ yếu làm công tác mặt trận nhưng khi về với địa phương, đồng chí phải trực tiếp tiếp xúc với dân hằng ngày để chỉ đạo giải quyết rất cụ thể. Với sự năng động của một cán bộ trẻ, anh đã tranh thủ ý kiến đóng góp của các đảng viên cao tuổi có uy tín trong Đảng bộ, đồng thời dành thời gian thường xuyên xuống sinh hoạt với các chi bộ “chân tre” để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các chi bộ, các thôn, cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy xã tập trung giải quyết từng việc một. Đồng chí Toản kể: “Nếu trước đây làm trên huyện, cứ hết giờ, hết việc là tôi về nhà nhưng khi xuống địa phương có những hôm do phải giải quyết công việc, tranh thủ dự họp chi bộ với các chi bộ nên khi về đến nhà đã là nửa đêm, cơm canh đã nguội lạnh cả. Tuy nhiên, tôi vẫn rất vui vì nhiều việc mình đã giải quyết được. Đến nay, sau 1 năm rưỡi, tôi đã thuộc đặc điểm của từng chân ruộng, xứ đồng trong xã nên trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp thuận lợi rất nhiều”. Do tích cực lăn lộn với cơ sở, biết lắng nghe và có sự chỉ đạo điều hành, hợp lý, đến nay những khó khăn, vướng mắc và tồn tại phức tạp ở Phạm Kha đã dần được giải quyết.
Với cán bộ luân chuyển, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Nhưng tựu trung lại, đây là một chủ trương đúng đắn, đòi hỏi trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác luân chuyển cán bộ.
Từ năm 2002 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý 5 đồng chí; đối với cán bộ diện Tỉnh uỷ quản lý là 76 lượt cán bộ; từ tỉnh xuống huyện, thị xã, thành phố 22 đồng chí; từ huyện, thị xã, thành phố lên tỉnh 31 đồng chí; luân chuyển ngang giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể 15 đồng chí; từ ngành về huyện, thị xã, thành phố 4 đồng chí; giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh 3 đồng chí. Các huyện, thành phố, thị xã đã luân chuyển, điều động 304 lượt cán bộ. Kết quả đánh giá cán bộ hằng năm, 100% cán bộ luân chuyển đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, nhiều đồng chí sau luân chuyển đã được bố trí nhiệm vụ công tác mới. |
VŨ ÚY