Luân canh cây trồng tại các vùng chuyên canh

30/07/2012 15:39

Nếu tính toán đúng thì luân canh cây trồng sẽ là một biện pháp canh tác rất hiệu quả để hạn chế nhiều loài sâu bệnh.

Liên tục chỉ trồng một loại cây trên khu đất trong nhiều năm (độc canh) thường dẫn tới sự suy thoái độ phì của đất, thiếu dinh dưỡng vi lượng, nhất là khi trồng các cây có tiềm năng năng suất và phẩm chất cao. Canh tác theo kiểu độc canh còn có thể gây nên sự tích tụ các chất có hại cho cây trồng. Ngoài ra, độc canh còn tạo điều kiện cho dịch hại tồn tại tích lũy và phát sinh, phát triển. Đặc biệt, những loài dịch hại có tính chuyên hóa cao (chỉ gây hại một loại cây trồng) thì phát triển rất thuận lợi trong điều kiện độc canh, vì nguồn thức ăn của chúng luôn dồi dào.

Nông dân xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) chuyên canh cây cà chua  đã trên 10 năm nay, có nhiều kinh nghiệm gieo trồng. Thời kỳ đầu đã có năm thu nhập của nông dân đạt hơn 20 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, do lối canh tác độc canh cây cà chua trên hầu hết các diện tích mà giờ đây những nông dân dày kinh nghiệm cũng phải bó tay trước nhiều loại bệnh hại cà chua không thể phòng trừ được như: bệnh vàng lá, chết cây, thối gốc… nhất là bệnh sùi u rễ do tuyến trùng gây nên, thậm chí các bệnh này xuất hiện ngay sau khi trồng ít ngày.

Để khắc phục hậu quả xấu của độc canh, cần áp dụng hệ thống cây trồng luân canh. Luân canh là trồng luân phiên các loại cây khác nhau theo thứ tự vòng tròn nhất định trên cùng một mảnh đất, nhằm sử dụng hợp lý nguồn nước, các chất dinh dưỡng có trong đất và nguồn phân bón đưa vào đất để tạo ra năng suất cây trồng cao nhất có thể đạt được. Luân canh cây trồng (LCCT) phải tạo được những điều kiện sinh thái bất lợi cho dịch hại; phải tạo được sự gián đoạn về thức ăn thích hợp đối với dịch hại ở các vụ hoặc năm tiếp theo trong vòng luân canh.Ví dụ: Phần lớn các sâu bệnh hại lúa thì không gây hại được các cây trồng thuộc họ rau thập tự, đậu đỗ. Khi luân canh cây lạc với cây lúa nước sẽ hạn chế được sự phát triển của nấm A. flavus gây thối mầm và chết cây con ở lạc. Luân canh cây rau thập tự với các cây trồng không thuộc họ này là biện pháp làm gián đọan nguồn thức ăn thích hợp của sâu tơ. Đặc biệt, biện pháp LCCT rất có hiệu quả trong phòng trừ tuyến trùng hại cây trồng vì nó tồn tại chủ yếu trong đất. Ví dụ: Nếu nghỉ một vụ không trồng khoai tây mà trồng các cây trồng khác thì số lượng tuyến trùng hại khoai tây trong đất giảm khoảng 33%.

Nếu tính toán đúng thì LCCT sẽ là một biện pháp canh tác rất hiệu quả để hạn chế nhiều loài sâu bệnh.

LCCT có thể coi là một kỹ thuật canh tác có tính cổ truyền. Tuy nhiên, kỹ thuật này mang tính chất cộng đồng. Nghĩa là phải được áp dụng trên diện tích quy mô nhất định mới có hiệu quả hạn chế dịch hại. Nếu chỉ từng hộ nông dân áp dụng đơn lẻ trên từng đám ruộng diện tích nhỏ thì việc LCCT không có hiệu quả phòng, chống sâu bệnh. Do đó, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn cần tích cực khuyến cáo bà con nông dân hình thành hệ thống cây trồng luân canh có lợi và bền vững. Ngoài ra, những người làm công tác khuyến nông cần tư vấn cho nông dân các công thức LCCT hợp lý, khoa học để nông dân không phải loay hoay với việc trồng cây gì sau đó? Mỗi công thức luân canh khi được áp dụng cần có 1-2 cây trồng chủ đạo có ưu thế cho vùng nhằm mang lại lợi nhuận cao cũng như bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững.

 KS.TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông Nam Sách)

(0) Bình luận
Luân canh cây trồng tại các vùng chuyên canh