Vụ việc lần này không chỉ là bài học cho những kẻ lừa đảo mà còn là lời cảnh tỉnh đối với những người nhẹ dạ trước những chiếc "bánh vẽ" chạy việc.
Phạm Trung Đoàn tại tòa
Dù không có khả năng xin việc song Phạm Trung Đoàn (sinh năm 1955, ở khu tập thể Thủy Lợi, cụm dân cư Phú Tảo, phường Thạch Khôi, TP Hải Dương) vẫn ngang nhiên nhận của các nạn nhân gần 1 tỷ đồng để tư lợi.
Đoàn là lao động tự do, mới học hết lớp 7. Từ thời trẻ, Đoàn đã nhiều lần ra tù vào tội vì trộm cắp và lừa đảo. Năm 1981, Đoàn bị Tòa án Nhân dân huyện Tứ Lộc xử phạt 24 tháng tù giam về tội trộm cắp và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 1983, y tiếp tục bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Hưng xử phạt 36 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản của công dân. Năm 2000-2001, y bị Tòa án Nhân dân tỉnh xử phạt 8 năm tù; Tòa án Nhân dân huyện Gia Lộc xử phạt 30 tháng tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những tưởng sau ngần ấy lần vào tù, ra tội, Đoàn sẽ cải tà quy chính, thế nhưng y vẫn chứng nào tật ấy. Do có mối quan hệ quen biết từ trước, cuối tháng 12.2015, bà Vũ Thị Lan ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) đến nhà Đoàn chơi. Tuy không có khả năng xin việc song Đoàn nói với bà Lan là mình xin được 4 chỉ tiêu vào làm tại Tỉnh ủy, Sở Tài chính và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và nói nếu bà Lan giới thiệu được người sẽ chi tiền bồi dưỡng. Đoàn ra giá mỗi suất xin việc trọn gói 300 triệu đồng, đặt cọc trước từ 100-250 triệu đồng. Số tiền còn lại khi nào có quyết định tuyển dụng thì nộp hết. Thời gian chờ làm thủ tục xin việc nhanh nhất là 3 tháng, chậm nhất là 6 tháng từ khi nộp hồ sơ và tiền đặt cọc. Đoàn còn hứa nếu sau thời gian trên không xin được việc thì sẽ có trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền đặt cọc đã nhận.
Trong một lần đến nhà bạn là Nguyễn Thị Loan ở phường Hải Tân (TP Hải Dương), bà Lan được bà Loan nhờ xin việc cho em họ là Phan Tất T. Tin tưởng Đoàn, bà Lan nhận lời. Sáng 24.12.2015, bà Loan cùng với anh T. đến nhà bà Lan nộp tiền và hồ sơ xin vào làm kế toán tại Tỉnh ủy. Chiều cùng ngày, bà Lan đem tiền và hồ sơ của anh T đến nhà nộp cho Đoàn và được y viết giấy biên nhận vay số tiền trên. Đến hết tháng 6.2016, Đoàn vẫn chưa xin được việc nên bà Lan cùng bà Loan và anh T. gặp Đoàn để giục. Để mọi người không nghi ngờ, Đoàn hứa chắc chắn sẽ xin được việc cho anh T. nhưng phải chờ thêm một thời gian nữa. Đến tháng 12.2016, biết không thể nói dối được nữa, Đoàn thông báo không xin được việc cho anh T. và gọi đến nhà lấy tiền. Khi anh T đến lấy tiền, Đoàn trả 50 triệu đồng, còn lại 150 triệu đồng đến nay chưa trả. Cùng thủ đoạn nói trên, thông qua bà Lan, Đoàn đã nhận tiền, hồ sơ xin việc và chiếm đoạt của bà Lê Thị H., bà Nguyễn Thị D. và ông Vũ Văn C., mỗi người 100 triệu đồng.
Ngoài ra, thông qua bà Loan, Đoàn còn nhận hồ xin việc cho chị Bùi Ánh N. vào làm việc tại Tỉnh đoàn, chiếm đoạt 150 triệu đồng; xin cho Hoàng Thị Mai H. vào làm kế toán cây xăng quân đội tại TP Hải Dương, chiếm đoạt 70 triệu đồng. Bản thân bà Loan cũng bị Đoàn lừa xin việc cho con dâu vào làm kế toán chợ Phú Yên mới tại TP Hải Dương và con trai vào học hệ cao đẳng Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng) và bị chiếm đoạt 190 triệu đồng.
Khi biết Đoàn không có khả năng xin việc và nhiều lần đòi tiền không trả, các nạn nhân đã buộc phải trình báo vụ việc đến cơ quan công an. Tại cơ quan điều tra, hành vi lừa đảo xin việc của Đoàn được làm rõ. Đoàn bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 14.5, Tòa án Nhân dân tỉnh đã đưa Đoàn ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên do vắng mặt một số bị hại cộng với nguyện vọng của Đoàn xin thời gian khắc phục hậu quả cho các bị hại, hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa.
Cho dù Đoàn có hối hận, chịu khắc phục bồi thường hậu quả cho các nạn nhân thì y cũng sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Đây không chỉ là bài học cho kẻ lừa đảo mà còn là lời cảnh tỉnh đối với những người nhẹ dạ trước những chiếc "bánh vẽ" chạy việc.
NGỌC HÙNG