Vụ mùa năm nay, lúa chất lượng cao tiếp tục đạt "đỉnh" ở cả 3 phương diện: bộ giống, quy vùng sản xuất tập trung và diện tích.
Nông dân thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) thu hoạch lúa Bắc thơm 7 bằng máy gặt
Bổ sung 3 giống chất lượng cao vào cơ cấuVụ mùa này, lúa chất lượng cao (CLC) có bộ giống phong phú và được nông dân gieo cấy nhiều nhất. Trong cơ cấu giống lúa chính thức của tỉnh có 12 giống lúa CLC, gồm: QR1, Nếp 352, Bắc thơm 7, Hương thơm 1, Nàng Xuân, Nếp 415, Nếp 97, Nếp ĐN20, Nếp DT22, P6, Nếp cái hoa vàng, Nếp xoắn. Ngoài 12 giống này, nhiều địa phương còn khảo nghiệm hoặc đưa vào cơ cấu gieo trồng các giống lúa CLC khác như RVT, BC15, TBR45. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ bổ sung giống lúa RVT, TBR45 vào cơ cấu giống vụ chiêm xuân 2012-2013, tới vụ mùa 2013 sẽ tiếp tục bổ sung giống BC15.
Hiện nay, trong các giống lúa CLC, Bắc thơm 7 giữ vị trí số 1 về diện tích gieo cấy, chất lượng gạo, thị trường tiêu thụ. Nhiều người cho rằng, giống lúa mới RVT sẽ là “đối thủ” của Bắc thơm 7. Khi giống này sản xuất đại trà, bộ giống lúa CLC sẽ phong phú hơn, giúp nông dân có nhiều lựa chọn hơn. Ngày 27-9, tại xã An Đức (Ninh Giang), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình gieo thẳng giống lúa RVT. Giống RVT do Công ty CP Giống cây trồng Trung ương cung ứng, có thể canh tác ở cả 2 vụ, thời gian sinh trưởng ở vụ mùa 100-105 ngày. Mô hình khảo nghiệm trên quy mô 14,7 ha với sự tham gia của 145 hộ dân, sử dụng giống đối chứng là Bắc thơm 7. Theo kết quả khảo nghiệm, so với giống Bắc thơm 7, lúa RVT có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 3 ngày, chống chịu bệnh khô vằn, bạc lá tốt hơn, năng suất ước đạt 69,2 tạ/ha (cao hơn đối chứng 32%), hạt gạo dài, có màu trắng, cơm dẻo. Theo ông Nguyễn Viết Bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, đây là vụ thứ 2 huyện Thanh Miện gieo cấy RVT. Kết quả cho thấy, giống này thích hợp với cả chân cao, vàn, trũng, giống cho năng suất, khả năng chống chịu sâu, bệnh tốt hơn Bắc thơm 7. Tuy nhiên, hạt cơm RVT có vị nhạt hơn, chưa được thị trường ưa chuộng bằng giống Bắc thơm 7.
Vụ mùa năm nay, huyện Kinh Môn gieo cấy nhiều giống TBR45 nhiều nhất tỉnh, đạt 875 ha.
Trong ảnh: Nông dân thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hoà thu hoạch lúa mùa
Giống lúa BC15 do Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo, được công nhận giống quốc gia năm 2008. BC15 có năng suất khá cao (2,5 tạ/sào), chất lượng gạo ngon, thị trường ưa chuộng. Vụ mùa năm nay, diện tích gieo cấy giống BC15 trong toàn tỉnh đạt 8.238 ha, chiếm 13% diện tích lúa. Trong bộ giống lúa CLC, diện tích BC15 chỉ đứng thứ 2 sau Bắc thơm 7. Tuy nhiều địa phương đã đưa BC15 vào cơ cấu chính thức vụ mùa nhưng giống này vẫn chưa được đưa vào cơ cấu của tỉnh. Một trong những nguyên nhân là do giống này bị nhiễm nặng bệnh đạo ôn vào vụ chiêm xuân. Dự kiến, trong vụ mùa năm sau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa BC 15 vào cơ cấu chính thức (không đưa vào cơ cấu vụ chiêm xuân).
Đã có vùng lúa tập trung 60 haVụ mùa này, lần đầu tiên tỉnh ta có vùng lúa tập trung đạt quy mô 60 ha/vùng. Đó là vùng lúa nếp cái hoa vàng ở xã An Sinh (Kinh Môn). Ở các vụ trước, tỉnh ta có nhiều vùng lúa tập trung nhưng quy mô cao nhất chỉ đạt 50 ha/vùng.
Xã An Sinh có truyền thống trồng nếp cái hoa vàng, diện tích gieo cấy vụ mùa này đạt khoảng 70 ha. Ông Nguyễn Thắng Tân, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Sinh cho biết: Trước đây, xã cũng từng có mô hình lúa tập trung nhưng thực hiện trên các giống lúa tẻ, quy mô chỉ đạt 5-10 ha/vùng. Trong vụ này, nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, xã An Sinh đã tích cực vận động nông dân quy vùng theo hướng “một vùng, một giống, một thời gian”. Vùng lúa 60 ha trải rộng ở cả 3 thôn trong xã. Hiện nay, lúa nếp cái hoa vàng đang ở giai đoạn đòng già, chuẩn bị trỗ bông, lúa sinh trưởng tốt.
Số vùng lúa CLC tập trung vụ mùa này tăng mạnh so với vụ mùa trước. Toàn tỉnh có 77 vùng lúa CLC tập trung (diện tích 1.765 ha) có quy mô 10 ha trở lên, tăng thêm 32 mô hình so với vụ mùa trước. Trong đó, có 11 vùng lúa quy mô tối thiểu 50 ha, tăng 6 vùng. Các huyện làm tốt việc quy vùng lúa CLC 50 ha là: Thanh Miện (6 vùng), Bình Giang (3 vùng), Ninh Giang (1 vùng), Kinh Môn (1 vùng).
Thực tế sản xuất lúa ở vùng sản xuất tập trung chứng minh rằng năng suất lúa thuần cao hơn 6-8%, lại tiết kiệm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, khâu làm đất, tưới nước, phòng, trừ sâu, bệnh thuận lợi hơn so với canh tác đại trà. Mặt khác, tỉnh có chính sách hỗ trợ giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để khuyến khích nông dân làm theo cách này. Do vậy, diện tích, số lượng vùng lúa tập trung CLC ngày càng tăng. Theo chị Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, nhiều địa phương đăng ký thực hiện số mô hình sản xuất lúa tập trung năm 2013 gần như gấp đôi năm 2012. Do vậy, năm sau sẽ có nhiều vùng lúa tập trung hơn, kể cả các vùng quy mô 50 ha trở lên.
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có gần 33.069 ha lúa CLC, chiếm 52,5% diện tích lúa cả vụ, tăng 10.113 ha so với vụ mùa trước. Các huyện có tỷ lệ lúa CLC lớn là: Thanh Miện 66,7%, Cẩm Giàng 66%, Bình Giang 65%, Gia Lộc 63%. Huyện Kim Thành cấy ít lúa CLC nhất tỉnh, cũng chiếm tới 38% diện tích. Tính chung cả năm 2012, diện tích lúa CLC cũng cao nhất từ trước đến nay, chiếm 45,7% tổng diện tích. Với ưu thế về chất lượng gạo, thị trường tiêu thụ, giá bán nhỉnh hơn giống lúa thuần, lúa lai khác nên nông dân thích gieo cấy lúa CLC. Kinh nghiệm phát triển lúa CLC thời gian qua cho thấy, nếu có bộ giống tốt, sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chức năng, lúa tiêu thụ thuận lợi, có chính sách hỗ trợ kịp thời thì diện tích sẽ tăng mạnh.
Nên xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”Trong dự án “Phát triển giống lúa và vùng lúa hàng hoá tập trung giai đoạn 2012-2015”, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2015 có trên 55% diện tích gieo cấy lúa CLC và lúa lai. Năm nay, diện tích lúa CLC, lúa lai đã đạt 68.904 ha, chiếm 53,9%, sắp đạt mục tiêu đề ra. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất khi phát triển lúa CLC ở những năm sau chính là xây dựng những vùng lúa tập trung có quy mô ngày càng lớn, theo hướng “cánh đồng mẫu lớn”, được bao tiêu sản phẩm. Tỉnh ta đã có khá nhiều vùng lúa CLC tập trung quy mô tối thiểu 10 ha/vùng nhưng cần tiếp tục nâng cao diện tích của các vùng, phấn đấu có nhiều vùng quy mô trên 50 ha. Hiện nay, ở các vùng lúa tập trung, việc sử dụng máy gặt còn ít. Do vậy, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ nông dân sử dụng máy gặt nhiều hơn để giảm công lao động, đẩy nhanh thời vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch. Lúa CLC ở vùng tập trung chủ yếu tiêu thụ tự do trên thị trường, chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bằng hợp đồng. Giá bán lúa CLC tuy có nhỉnh hơn giống khác nhưng vẫn chưa bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho nông dân. Các cơ quan chức năng cần xây dựng một số vùng lúa CLC theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Đây là mô hình có diện tích khá lớn (tối thiểu 50 ha/mô hình), nông dân sản xuất theo VietGap, ứng dụng mạnh cơ giới hoá, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng khi nông dân có yêu cầu.
NINH TUÂN