Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, vào hồi 17 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Đáy tại Trạm Thủy văn Phủ Lý là 5,07m, vượt mức báo động III là 1,07m.
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Hà Nam có hơn 4.200 hộ dân bị ngập lụt. Các địa phương và lực lượng chức năng đã khẩn trương di dời, sơ tán hơn 1.300 hộ dân trong tổng số hơn 6.500 hộ cần di dời đến nơi an toàn. Các hộ dân chưa di dời đều ở khu vực phía trong đê bối, theo diễn biến lũ các địa phương sẽ chủ động triển khai phương án di dời.
Bên cạnh đó, Hà Nam đã di dời khoảng 97.000 con gia súc, gia cầm và khoảng 850 vật dụng, tài sản của nhân dân. Các địa phương và lực lượng chức năng đã thực hiện chống tràn khoảng 3.850m đê, kè và 800/900m bờ bao khu công nghiệp Châu Sơn. Hiện nay, do mực nước trên các sông và hệ thống công trình thủy lợi đang rất cao; các địa phương đang tiếp tục huy động nhân lực, vật tư khẩn trương đắp các bao tải đất, cát chống nước tràn từ các hệ thống sông, công trình thủy lợi vào các khu vực dân cư, khu, cụm công nghiệp.
Do nước lũ trên các sông dâng cao, 3 nhà máy nước: Đinh Xá, Liêm Tuyền và Đồng Tâm đã phải dừng hoạt động, ngừng cung cấp nước. Hiện 3 nhà máy này đã bị ngập, phải di dời các thiết bị ra khỏi nhà máy. Các nhà máy nước khác cơ bản hoạt động bình thường.
Trong ngày 11/9, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi tại Hà Nam tiếp tục ghi nhận các sự cố, hiện tượng: trên tuyến đê Bối Thụy Xuyên, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng xảy ra tràn với chiều dài 300m; tuyến đê Bối Nhân Hòa, xã hòa Hậu, huyện Lý Nhân xảy ra tràn với chiều dài 30m; tuyến đê Hoành Uyển, thị xã Duy Tiên xảy ra tràn với tổng chiều dài 180m. Hiện các địa phương đã xử lý chống tràn, đắp con trạch bằng bao tải đất, cát. Một số kênh mương bị sụt sạt mái, một số trạm bơm bị hư hỏng tổ máy…
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập úng đến các vị trí an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân; chuẩn bị đầy đủ, cung cấp các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại các địa điểm sơ tán. Cùng với đó, triển khai ngay trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, phương án đảm bảo an toàn công trình đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực đã xảy ra sự cố, trọng điểm xung yếu.