Những ngày cuối tháng 4-1975, Ban chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Sài Gòn phải là lực lượng đi đầu...
Những ngày cuối tháng 4-1975, Ban chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Sài Gòn phải là lực lượng đi đầu các cánh đại quân, phát huy sở trường của lính đặc công “luồn sâu đánh hiểm”, đánh trước vào một số mục tiêu chủ chốt của địch, “mở mạch máu” cho đại quân tiến vào Sài Gòn.
Tại căn nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, ngồi trước mặt chúng tôi là đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Sài Gòn. Trông dáng bộ, cử chỉ của ông, khó có thể nghĩ rằng ông đã bước qua tuổi 87.
Đại tá Tư Cang chậm rãi kể: “Cuối năm 1973, Lữ đoàn 316 được thành lập để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Lúc ấy, cấp trên giao cho chúng tôi đánh vào 5 mục tiêu trong lòng Sài Gòn là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời chiếm bằng được các cây cầu huyết mạch xung quanh thành phố, đảm bảo cho xe tăng, pháo binh của đại quân tiến vào”.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Sài Gòn. |
Ông kể, những ngày cuối tháng 4 năm ấy, các cánh quân của Lữ đoàn 316 đã chiến đấu bằng lối đánh đặc trưng của đặc công biệt động được gói gọn bằng các từ “mưu trí, sáng tạo và cảm tử”. Trận đánh vào mục tiêu Bộ Tổng tham mưu ngụy do Đại đội Z28, dưới sự chỉ huy của đồng chí Bảy Vĩnh, là một trận đánh điển hình.
“4 giờ sáng ngày 30-4, 14 đồng chí thuộc Z28, cởi bỏ quần áo thường dân, mặc vào những bộ đồ dày cộm, loang lổ của bọn cảnh sát dã chiến ngụy và không quên bỏ túi băng tay cá nhân màu đỏ là tín hiệu để bắt liên lạc với đơn vị bạn khi cần. giấu kỹ trong lồng ngực của anh Bảy Vĩnh, Ánh, Hiệp, Thông là 4 lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và trên tay là vũ khí cá nhân chuẩn bị bước vào trận đánh chiếm mục tiêu đặc biệt quan trọng” - Đại tá Tư Cang hồi tưởng.
Đúng 7 giờ sáng, trong tiếng đại bác, tiếng súng bộ binh nổ giòn phía Bà Quẹo, phi trường Tân Sơn Nhất, 14 chiến sĩ đặc công biệt động xuất phát tiến đến cổng A của Bộ Tổng Tham mưu. “Anh Bảy Vĩnh báo cáo lại cho tôi biết, khi ra khỏi ngã ba đường Trương Quốc Dung thì đụng phải ba xe thiết giáp ngụy dàn hàng ngang để bảo vệ Bộ Tổng tham mưu. Thấy lực lượng địch đông và thái độ rất hung hăng nếu giằng co ngoài mục tiêu sẽ không có lợi, anh Bảy Vĩnh quyết định tìm đường khác”, Đại tá Tư Sang nói tiếp.
Sau đó, nhóm đồng chí Bảy Vĩnh quyết định tiếp cận cổng 4, lúc đó có 3 xe thiết giáp ngụy phòng vệ bên ngoài, nhưng việc cảnh giới không nghiêm ngặt như ở cổng chính của Bộ Tổng tham mưu ngụy. Ngay lúc ấy, tiếng pháo lớn nổ dồn dập vào phi trường Tân Sơn Nhất, tiếng súng đại liên của xe tăng cũng đã nghe rõ khiến toán lính gác cổng vội rút vào công sự bao cát, bọn lính xe thiết giáp thì dùng xe làm lá chắn tránh đạn. “Lúc ấy đồng chí Bảy Vĩnh ra lệnh cho anh em “Từ số 4 đến số 12, ba người nhảy lên chiếm một xe thiết giáp khi thấy tổ đi đầu xung phong vào cổng gác”.
Bảng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Chủ tịch nước phong tặng cho Lữ đoàn 316 đặc công biệt động. |
Những tên lính gác cổng, hai tay còn đang bịt tai chưa kịp chụp lấy súng thì nòng tiểu liên AK của các chiến sĩ đã dí sát ngực chúng. Cả đám líu ríu xin hàng, trong khi 3 chiếc xe thiết giáp cũng đã được quân ta chiếm lĩnh. 4 lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng được rút ra, phấp phới trên 3 chiếc xe tăng cùng các chiến sĩ cài băng đỏ trên tay phải, hùng dũng tiến vào cơ quan đầu não của địch mà không tốn một phát súng nào”, đại tá Tư Cang tự hào.
Đơn vị anh hùng
Đại tá Tư Cang còn kể cho chúng tôi nghe còn rất nhiều trận đánh khác của những chiến sĩ đặc công biệt động Lữ đoàn 316. Những trận đánh đòi hỏi người lính đặc công biệt động phải vượt qua sự sợ hãi, coi thường cái chết mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cùng với trận đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, trận đánh vào hai căn cứ pháo binh và thiết giáp của địch là thành Cổ Loa và Phù Đổng (Gò Vấp) cũng là trận đánh tiêu biểu cho sự gan dạ, mưu trí của các chiến sĩ đặc công biệt động Lữ đoàn 316. Bên cạnh đó, những chiến sĩ của Lữ đoàn 316 còn phải đối mặt với trận đánh ác liệt và cam go như trận tấn công vào cầu Rạch Chiếc vào sáng ngày 27-4-1975 của đơn vị Z23 và Tiểu đoàn 81. Trong trận đánh này, hơn 50 chiến sĩ đặc công biệt động đã mãi mãi nằm lại…
Có thể nói rằng, những trận đánh, những chiến công của Lữ đoàn 316 là những điểm son chói lọi, tô điểm cho toàn bộ bức tranh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Qua từng câu chuyện của vị chỉ huy Lữ đoàn 316, có thể thấy được sự thần tốc, táo bạo của chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tá Tư Cang nhìn nhận: “Chiến dịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho tài thao lược của những vị tướng chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi còn nhớ, năm 1973, chúng ta dự kiến sẽ giải phóng Sài Gòn vào năm 1976. Tuy nhiên, thời cơ đã đến và cuối cùng đã làm nên một mùa xuân lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Trong lần kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước này, đại tá Tư Cang chia sẻ, ông cảm thấy tự hào và vui mừng khi vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Lữ đoàn 316. “Vào ngày 4-4 tới đây, chúng tôi sẽ chính thức thông báo và có buổi họp mặt những anh em cựu chiến binh của Lữ đoàn, dự kiến khoảng 500 người. Đây là niềm vui khôn tả đối với những người lính đặc công biệt động như chúng tôi”- Đại tá Tư Cang xúc động nói.
ANH ĐỨC (Tin tức)