''Lọt'' bệnh nhân COVID-19: Giảm áp lực xét nghiệm ra sao?

07/08/2020 09:56

Áp lực xét nghiệm quá lớn, nỗi lo này được đặt ra khi trong số các ca xét nghiệm vừa qua tại Hà Nội ''lọt'' bệnh nhân 714, nhân viên xe buýt ở Hà Nội.


Các kỹ thuật viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thực hiện các công đoạn xét nghiệm COVID-19

Bệnh nhân 714 đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 14 -17.7, đã được xét nghiệm bằng test nhanh hôm 31-7 và có kết quả âm tính. Nhưng xét nghiệm lại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 5.8 lại dương tính, và trong khoảng thời gian sau khi có kết quả âm tính, bệnh nhân đã đi 4 bệnh viện, gặp nhiều người và có lịch sử đi lại khá dày.

Test nhanh liệu có ổn?

Hiện có khoảng 100 loại sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 được Bộ Y tế thừa nhận, trong đó có test nhanh, bộ xét nghiệm bằng kỹ thuật Elisa, Realtime PCR. Tại Hà Nội, từ tháng 3 đã bắt đầu sử dụng loại test nhanh do Hàn Quốc sản xuất, được một tập đoàn tài trợ chống dịch.

Những ngày gần đây, khi số người đi du lịch từ Đà Nẵng về nhiều, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến hết ngày 6.8 đã có gần 72.800 người được xét nghiệm bằng test sàng lọc nhanh, trên 500 người được xét nghiệm bằng Realtime PCR.

Sau khi xét nghiệm bằng test nhanh và hầu hết là âm tính, ca nghi ngờ sau đó cũng âm tính, cả Hà Nội chỉ ghi nhận 2 ca mắc COVID-19, trong đó có những người đi du lịch Đà Nẵng về. Nhiều người có niềm tin "Hà Nội sẽ ổn" cho đến khi có kết quả dương tính của bệnh nhân 714 sau khi xét nghiệm lại bằng Realtime PCR.

Lúc này, những lo ngại xuất hiện: còn có ca bệnh nào lọt như ca bệnh này, test nhanh có chính xác? Ưu điểm của loại test nhanh này là cho kết quả rất nhanh, chỉ 10 phút, trong khi Realtime PCR phải 2 giờ 30 phút mới cho kết quả.

Hà Nội đã trả lại 5 máy cho bên cho mượn, hiện còn 3 máy đang sử dụng, công suất xét nghiệm chỉ 500 mẫu Realtime PCR/ngày, con số quá nhỏ so với số lượng hơn 72.000 người về từ Đà Nẵng.

Một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội thừa nhận giải pháp test nhanh (TP yêu cầu hoàn tất xét nghiệm cho 21.000 người đăng ký đầu tiên trước 1.8, sau đó số đăng ký tăng dần và lên đến trên 72.000 người) là "thà có một cái gì đó để làm còn hơn là không làm gì".

Tuy nhiên, loại test nhanh này có đặc điểm là dễ dương tính chéo với các bệnh khác, ví dụ như xét nghiệm COVID-19 nhưng bệnh nhân cúm cũng dương tính, sốt xuất huyết cũng dương tính.


Xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng 

Giải pháp nào?

Giải pháp đặt ra với xét nghiệm sử dụng test nhanh là test nhanh sàng lọc, phát hiện ca dương tính thì sẽ sử dụng xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR để xác định lại. Song những ca âm tính qua test nhanh nhưng thực tế là dương tính, như bệnh nhân 714, vậy nên làm gì?

Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, xét nghiệm nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm là loại test nhanh mà TP Hà Nội sử dụng.

Điều lưu ý là người nhiễm COVID-19 không phải ai cũng sinh ra kháng thể, kháng thể cũng không được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm. Nghiên cứu cho thấy có 23% người nhiễm COVID-19 có kháng thể sau 1 tuần nhiễm, 58% người nhiễm sau 2 tuần, 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.

"Xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể có kết quả âm tính không có nghĩa người đó không bị nhiễm và không lây cho người khác, vì thế vẫn khuyến cáo những người có xét nghiệm bằng test nhanh âm tính tiếp tục cách ly đủ 14 ngày tại nhà" - bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.

Hiện Hà Nội đã hết test xét nghiệm nhanh, tới đây sẽ xét nghiệm Realtime PCR, các đơn vị như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... có thể hỗ trợ các đơn vị trực thuộc Hà Nội xét nghiệm, nhưng cơ chế tài chính (ai trả phí) đang chờ Bộ Y tế hướng dẫn.

Trong thông báo gần đây, Bộ Y tế cho biết TP Hồ Chí Minh có thể xét nghiệm 3.000 mẫu Realtime PCR/ngày, Hà Nội 500 mẫu, Đà Nẵng đang xét nghiệm các loại khoảng 10.000 mẫu/ngày... Tuy nhiên đã có rất nhiều rắc rối do số lượng xét nghiệm quá lớn trong những ngày qua, thậm chí có người được xét nghiệm sau... 33 ngày tính từ khi trở về từ Đà Nẵng.

Chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đề nghị nên xếp xét nghiệm theo ưu tiên người có triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp, cúm, sốt, người đi về từ vùng dịch và người vừa mới trở về từ Đà Nẵng. Còn lại, những người đã về và đã/chưa được xét nghiệm cần cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe.


Cùng với các đơn vị xét nghiệm khác, Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang vận hành với công suất tối đa để nhanh chóng trả kết quả về các đơn vị 

TP Hồ Chí Minh: xét nghiệm PCR, chậm nhưng chắc

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết lượng người đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh về từ Đà Nẵng rất đông nên áp lực đến công tác khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và xét nghiệm khẳng định COVID-19 rất lớn.

Hiện TP Hồ Chí Minh có 13 đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm khẳng định COVID-19. Tuy nhiên do khả năng, năng lực của đa số các đơn vị còn nhỏ lẻ và chỉ xét nghiệm từ vài chục đến hàng trăm mẫu mỗi ngày; chỉ có một đơn vị làm hết công suất có lượng mẫu được xét nghiệm lớn như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 1.500 mẫu/ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới 1.000-1.200 mẫu/ngày, Viện Pasteur 2.000 mẫu/ngày (bắt đầu từ ngày 2.8)...

Đặc biệt, trong 5 ngày trở lại đây, số lượng người được lấy mẫu xét nghiệm rất lớn, lên đến 4.000 - 5.000 người mỗi ngày. Trong khi TP Hồ Chí Minh áp dụng xét nghiệm khẳng định COVID-19 bằng phương pháp PCR nên tốn nhiều thời gian. Vì thế, đến nay TP còn ứ một lượng mẫu xét nghiệm rất lớn, lên đến 20.000 mẫu chưa được chạy.

Trước thực tế này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã rà soát và cho biết có thêm 8 đơn vị có đủ năng lực triển khai xét nghiệm khẳng định COVID-19. Sở Y tế đề nghị lãnh đạo 8 bệnh viện khẩn trương kiện toàn năng lực và có văn bản đề nghị Viện Pasteur sớm đánh giá năng lực và đề nghị Bộ Y tế công nhận.

Tính đến sáng 6.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết có 43.898 người đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh về từ Đà Nẵng từ ngày 1.7 đã khai báo y tế. Trong đó có 30.581 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, 17.365 mẫu kết quả âm tính, 6 dương tính (các bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568 và 589).

Để phát hiện một người có bị nhiễm COVID-19 hay không, hiện nay có 2 nhóm các xét nghiệm: xét nghiệm trực tiếp và xét nghiệm gián tiếp.

- Xét nghiệm trực tiếp nhằm tìm kiếm sự hiện diện thành phần cấu tạo của virus trong cơ thể. Ưu điểm của xét nghiệm này là có thể phát hiện người nhiễm virus ở giai đoạn rất sớm, kể từ khi người bệnh chưa biểu hiện bệnh, vì vậy đây là xét nghiệm rất có giá trị được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là xét nghiệm dùng chẩn đoán một người có đang bị nhiễm bệnh hay không. Nhược điểm của phương pháp xét nghiệm này là đòi hỏi phải có phòng xét nghiệm được trang bị đủ phương tiện cần thiết, nhân viên được đào tạo chuyên sâu, chi phí tốn kém và mất nhiều thời gian.

- Xét nghiệm gián tiếp là các xét nghiệm nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm. Đây là loại mà TP Hà Nội sử dụng.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ''Lọt'' bệnh nhân COVID-19: Giảm áp lực xét nghiệm ra sao?