Long Xuyên nỗ lực về đích

03/02/2016 07:31

Những ngày này, người dân xã Long Xuyên (Bình Giang) rất phấn khởi vì vừa được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).



Đường xóm 5 thôn Cậy mới được mở rộng

Tạo sự đồng thuận

Bước vào xây dựng NTM, xã Long Xuyên có điểm xuất phát thấp, mới đạt 9 trong tổng số 19 tiêu chí. Đảng ủy xã xác định để xây dựng NTM thành công trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cũng như lợi ích mà nhân dân được hưởng khi đạt xã NTM. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM triển khai tới tất cả các đoàn thể và chi bộ thôn. Từ đó, các chi bộ thôn, các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên và toàn thể nhân dân, tạo nên sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động. Hội Phụ nữ xã đã đăng ký đảm nhận tiêu chí số 17 về môi trường, Hội Nông dân đăng ký thực hiện 2 tiêu chí khó nhất là giao thông và thủy lợi. Đoàn xã đăng ký thực hiện tiêu chí hộ nghèo… Xã cũng xây dựng lộ trình cụ thể cho từng năm, phấn đấu đến năm 2015 phải đạt 19 tiêu chí NTM. Từ sự đồng thuận cao, người dân Long Xuyên đã hiến 263.000 m2 đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng để làm đường thôn xóm, đường ra đồng, nội đồng, mương máng thủy lợi.

Thôn Cậy là thôn lớn nhất xã, có nghề làm gốm sứ mỹ nghệ hàng trăm năm nay. Những con đường xóm nhỏ trong làng cổ của thôn Cậy trước kia đi lại rất khó khăn. Khi xây dựng NTM, đường sá được mở rộng khang trang. Ông Phạm Minh Đức, Trưởng thôn Cậy cho biết: Hàng chục hộ dân đã phá dỡ tường rào, công trình phụ, hiến đất mở rộng đường. Tiêu biểu như các hộ ông: Trần Huy Dùng (ở xóm 4) dỡ tường bao hiến 20 m2 đất; Nguyễn Hữu Quy (ở xóm 5) dỡ 25 m tường bao, hiến 25 m2 đất. Ngoài ra, 20 hộ dân trong ngõ 12 xóm 2 dỡ cả tường cổ, công trình phụ để hiến đất mở rộng đường. Ông Phạm Hùng Thắng (ở xóm 2, thôn Cậy) đã gần 80 tuổi tâm sự: "Tôi rất phấn khởi trước sự đổi thay của quê nhà. Tuổi đã cao không làm được gì nhiều, song vợ chồng tôi đã quyết định dỡ bỏ 50 m tường bao quanh nhà, dỡ cả nhà bếp, công trình phụ, hiến gần 30 m2 đất để mở ngõ xóm. Từ xa xưa, ngõ này chỉ vừa một con trâu đi lọt, người dân đi lại, sinh hoạt rất vất vả. Nay tôi phá tường mở ngõ, nhà nhà đều làm theo".

Thành quả ngọt ngào


Ông Nguyễn Văn Khuê ở thôn Bá Thủy cho biết: "Mới đây thôi, đường làng vẫn chỉ được lát gạch vỉa nghiêng lồi lõm, xung quanh làng đầy rác, đường ra đồng gập ghềnh nhỏ hẹp, nhiều gia đình đi gặt phải vác lúa gần 1 km mới lên tới đường to. Bây giờ xây dựng NTM, cánh đồng thôn tôi đẹp như vẽ, thửa ruộng lại to, thuận tiện để đưa máy móc cơ giới vào sản xuất". Gia đình ông Khuê cấy 1,7 mẫu nhưng cũng chỉ có 2 thửa. Ở trong thôn thửa ruộng hẹp nhất cũng 550 m2, thửa rộng nhất tới 7.300 m2. Vụ vừa qua gia đình ông Khuê gặt chỉ nửa ngày là xong, trước đây thì cả tuần mới xong. Bá Thủy giờ đây đường làng được bê tông hóa, ô tô đi lại thuận tiện, nhà nhà có nước sạch, thôn có tổ thu gom rác…

Trong quá trình xây dựng NTM, Long Xuyên đã gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2015, Long Xuyên còn tới hơn 16 km đường các loại chưa được bê tông hóa, Trường THCS xã thiếu 2 phòng học, thiếu sân tập không thể đạt chuẩn quốc gia. Sân vận động của xã chưa được tôn cao, xây tường bao. Trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã chưa xây dựng xong… Ông Nguyễn Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Long Xuyên cho biết, để khắc phục những khó khăn này, xã đã kiên trì thuyết phục các hộ dân nhượng lại đất, phá bỏ công trình phụ, vườn cây ăn quả để dành đất xây dựng trường. Được sự hỗ trợ của tỉnh, trong năm 2015, xã vận động nhân dân bê tông hóa toàn bộ đường thôn, ngõ xóm, đường ra đồng với chiều dài 16,6 km. Nhà văn hóa xã được xây dựng và hoàn thiện, sân vận động được nâng cấp…

Sau hơn 4 năm xây dựng NTM, Long Xuyên đã huy động được gần 82 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ gần 18 tỷ đồng, ngân sách huyện 10 tỷ đồng, ngân sách xã 30,1 tỷ đồng, doanh nghiệp 8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 14 tỷ đồng và các nguồn vốn khác. Từ các nguồn kinh phí này, xã đã xây dựng được 26,6 km đường giao thông các loại, 9,7 km kênh tưới. Hệ thống lưới điện hạ áp được cải tạo với 22 km đường dây, bảo đảm cho tất cả các hộ sử dụng điện. Các trường mầm non, tiểu học đã sớm đạt chuẩn quốc gia. Trường THCS cũng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2015. Nhà văn hóa xã và 4 nhà văn hóa thôn đều được xây dựng, đạt chuẩn theo quy định. Các thôn đều có nước sạch từ TP Hải Dương đưa về. Thu nhập bình quân toàn xã năm 2015 đạt 29,68 triệu đồng/người. Các tiêu chí về lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, an ninh trật tự đều đạt theo quy định.


TRẦN TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Long Xuyên nỗ lực về đích